Giải cứu thị trường lao động, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đồng loạt tuyển dụng hàng trăm nghìn sinh viên mới ra trường bất chấp lỗ nặng
Hiện tại, 4 ngân hàng lớn nhất nước này đang tuyển dụng 1,6 triệu người. Tuy nhiên, số việc làm mới vẫn chỉ là "giọt nước trong đại dương" đối với thị trường lao động Trung Quốc, khi có tới 8,7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay.
- 21-08-2020Trung Quốc khuyến khích tìm 'việc làm linh hoạt' để cứu thị trường lao động khỏi khủng hoảng: Thành công hay thành tích?
- 09-08-2020Chiến tranh thương mại chồng dịch bệnh: Gần 300 triệu lao động nhập cư TQ chật vật sinh tồn
- 07-08-2020Gia tộc giàu nhất Hồng Kông mất 8 tỷ USD chỉ trong 1 năm, đế chế bất động sản lao đao nhưng vẫn chưa tìm ra người kế vị
Theo Bloomberg, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân viên mới tốt nghiệp, trong bối cảnh số lượng cử nhân của nước này mới gia nhập thị trường lao động chạm mức cao kỷ lục. Hiện tại, các công ty nhà nước cùng các ngân hàng đang nỗ lực "cứu" thị trường việc làm, ngay cả khi các nhà băng đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng vọt và lợi nhuận giảm sút.
4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICB), trong tháng này đã bắt đầu kích hoạt chương trình tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào mùa thu, thay vì vào tháng 11 như những năm trước. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) có kế hoạch tuyển dụng thêm 16.000 sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay, năm ngoái mục tiêu là 13.000. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đã tuyển dụng 4.500 người vào mùa xuân năm nay.
Tang Jianwei – nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu của Bank of Communications Co., nhận định: "Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại lời kêu gọi của chính phủ để bảo vệ thị trường việc làm. Dù các ngân hàng lớn đang phải chịu áp lực về lợi nhuận, nhưng họ vẫn cần nhân sự để phát triển hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, điều quan trọng là họ phải đảm nhận trách nhiệm xã hội."
Gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, Bắc Kinh đã phải dựa vào các ngân hàng lớn nhất cả nước để hỗ trợ nền kinh tế. Được biết, các nhà băng này đã hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chấp nhận đối mặt với lợi nhuận sụt giảm bằng cách hạ lãi suất và cứu trợ hàng tỷ CNY cho các khoản vay chưa thanh toán. Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục gia tăng áp lực, buộc các tập đoàn tài chính lớn của nhà nước phải cắt giảm lương.
Hiện tại, 4 ngân hàng lớn nhất nước này đang tuyển dụng 1,6 triệu người. Chỉ riêng kế hoạch của CCB đã tiếp cận với tổng số nhân sự mới được tuyển dụng bởi các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và châu Âu trong nửa đầu năm nay. Theo thông báo tuyển dụng trên trang web, các nhà cho vay Trung Quốc chủ yếu tìm nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, quản lý tài sản và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, số việc làm mới vẫn chỉ là "giọt nước trong đại dương" đối với thị trường lao động Trung Quốc. 8,7 triệu sinh viên mới ra trường đang phải đối mặt với tương lai ảm đạm nhất trong nhiều thập kỷ, khi đại dịch ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm bớt, dù con số đó đã đạt mức cao kỷ lục vào thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất hồi tháng 2. Theo cơ quan thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người trong độ tuổi tốt nghiệp cơ bản – từ 20 đến 24, là ở khoảng 20% vào tháng 7.
Theo báo cáo của trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc – Zhaopin, tính đến tháng 6, hơn ¼ sinh viên mới tốt nghiệp tại nước này vẫn đang tìm việc trong 1 năm. Đây là khoảng thời gian mà trước đây họ hầu như đã tìm được việc làm.
Trong khi đó, chính phủ đã nhiều lần cam kết hỗ trợ việc làm và triển khai những biện pháp như tăng cường tuyển dụng sinh viên cao đẳng, tăng cường hỗ trợ các hình thức làm việc linh hoạt hơn cho sinh viên mới tốt nghiệp và thúc đẩy tinh thần kinh doanh của giới trẻ. Các công ty nhà nước khác cũng cho biết họ sẽ tạo ít nhất 1 triệu việc làm cho nhóm dễ chịu ảnh hưởng nhất, bao gồm cả những người mới tốt nghiệp.
Dẫu vậy, điều đó không giúp ích được gì nhiều cho Crystal Wu – sinh viên mới tốt nghiệp vào tháng 7 từ một trường đại học hàng đầu Trung Quốc, với tấm bằng cử nhân báo chí. Trong quá trình tìm việc, cô nhận thấy mình phải cạnh tranh với những người đã có kinh nghiệm và có những nơi nhận tới hàng nghìn hồ sơ xin việc. Đồng thời, khi chính phủ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, nhiều sinh viên đã bỏ kế hoạch đi du học và khiến thị trường việc làm trở nên chật chội hơn nữa.
Wu chia sẻ: "Tôi biết thị trường việc làm sẽ khó khăn, nhưng mọi thứ còn tồi tệ hơn tôi dự đoán." Wu đã lựa chọn làm thực tập sinh tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Bắc Kinh, nhưng vẫn chi 20 tệ để tham gia nhóm trò chuyện trên WeChat của một công ty tuyển dụng, họ chia sẻ các mẹo để tìm việc tại ngân hàng. Wu muốn làm việc tại những ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).
Mức lương trung bình hàng năm của một số ngành tại Trung Quốc.
Lý do Wu muốn làm việc trong ngành tài chính là bởi đó là một công việc mà ai cũng khao khát. Mức lương trung bình hàng năm cho nhân viên ngành tài chính không thuộc sở hữu tư nhân là khoảng 131 nghìn tệ (19 nghìn USD). Đây là ngành có mức lương cao thứ 3 trong số 19 lĩnh vực cục thống kê theo dõi và cao hơn 40% so với mức chung.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận quý II của hơn 1.000 ngân hàng thương mại của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong ít nhất 1 thập kỷ, do lượng nợ xấu đạt mức kỷ lục là 2,7 nghìn tỷ tệ. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho biết hồi tuần trước rằng Covid-19 là một thảm họa tồi tệ nhất trong cả trăm năm, ngành tài chính sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa để đưa nền kinh tế đi đúng hướng.