Giải mã bí ẩn khiến hơn nửa triệu thanh niên Nhật Bản không chịu rời khỏi phòng
Theo khảo sát từ chính phủ Nhật Bản, có 541.000 người lựa chọn cuộc sống cô độc, xa lánh xã hội dù họ chỉ trong độ tuổi từ 15 tới 39 là hậu quả của một hội chứng đặc biệt.
- 17-10-2016Chàng nông dân Nhật Bản kỳ lạ với sở thích mặc vest đi lội ruộng, cắt cỏ
- 10-10-2016Khoảng 1/5 lao động Nhật Bản sẽ đột tử do quá chăm chỉ
- 09-10-2016Thênh thang cơ hội xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ, Nhật Bản
- 08-10-2016FPT sử dụng người máy để thay lễ tân tại Nhật Bản
Hội chứng hikikomori là thuật ngữ Bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản gọi những người không chịu ra khỏi nhà trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Họ không đi học, không đi làm hoặc có các hoạt động giao tiếp thông thường với người khác.
Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản, có tới 541.000 người trong độ tuổi từ 15 tới 39 bị mắc hội chứng hikikomori. Con số này thấp hơn 150.000 người so với thống kê năm 2010. Tuy nhiên, thời gian những người mắc hội chứng hikikomori “cố thủ” trong nhà đang lâu hơn nhiều so với trước đó.
Cụ thể, có 35% số người ở nhà liên tục trong 7 năm và 29% không ra ngoài trong 3 tới 5 năm. Lượng ẩn sĩ lớn tuổi, nằm trong khoảng 35 đến 39, cũng tăng gấp đôi trong 6 năm qua. Dù số lượng lớn mắc hội chứng hikikomori nhưng việc tìm ra nguyên nhân khiến nhiều người Nhật Bản sợ ra ngoài vẫn chưa được làm rõ.
Những trường hợp mắc hội chứng hikikomori được phát hiện trong những năm 1990. Tuy nhiên, khi đó hội chứng này chưa được xếp vào danh sách các bệnh rối loại về tâm lý và chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Theo các bác sĩ, ảnh hưởng tâm lý kết hợp với các yếu tố văn hóa khiến nhiều người trẻ cảm thấy họ cần xa lánh xã hội.
Trong khi đó, phần lớn nạn nhân của hội chứng hikikomori là nam giới, những người chịu nhiều áp lực về thành công trong cuộc sống, sự nghiệp hay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nó cũng đang trở nên phổ biến hơn trong tầng lớp trung lưu của xã hội Nhật Bản, những người thường được giáo dục tốt.
Thói quen của những người mắc hội chứng hikikomori là chơi điện tử hoặc đọc truyện tranh. Họ ngại tương tác với người khác. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý học nhận định đây không phải là hậu quả của sự lười biếng.
Tamaki Saito, một chuyên gia tâm lý học của Nhật Bản, cho rằng, hội chứng hikikomori là tình cảnh một người phải sống chung với tâm trí bị dằn vặt. Họ cũng muốn ra ngoài thế giới, muốn kết bạn hoặc có người yêu nhưng họ không thể làm được những việc đó vì trở ngại về mặt tâm lý.
Trên thực tế, hội chứng hikikomori không chỉ tồn tại ở Nhật Bản. Trong nghiên cứu năm 2015, những trường hợp tương tự được phát hiện ở Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha hay một số quốc gia khác. Tuy nhiên, thế giới chưa thể chữa trị hoàn toàn triệu chứng này cũng như chưa có cách ngăn chặn nó.