Giải mã Hiệp sĩ - Chức danh cao quý mà giáo sư Sarah Gilbert, 'mẹ đẻ' vaccine AstraZeneca được nhận
Những người được phong tặng danh hiệu trong hệ thống này sẽ được thêm từ "Ngài" (Sir) hay "Quý bà" (Dame) trước tên của họ trong các trường hợp chính thức.
- 26-08-2021Chân dung nhà khoa học nữ đứng sau thành công của vaccine AstraZeneca: Người mẹ 3 con vĩ đại, từ bỏ cơ hội kiếm hàng triệu USD để cứu thế giới
- 23-08-2021Nghiên cứu mới của Đại học Oxford về vaccine Pfizer và AstraZeneca: Hiệu quả tương đương sau 5 tháng tiêm đủ hai liều
- 19-07-2021Nguồn cung vắc xin AstraZeneca khan hiếm, Thái Lan tìm tới Sinovac
Trong khi vaccine của Pfizer và Moderna bán với giá cao ngất ngưởng 37 USD/liều thì sản phẩm của AstraZeneca lại chỉ chưa đến 10 USD. Chính nhờ lợi thế giá cả này mà rất nhiều người nghèo trên thế giới có cơ hội được tiếp cận vaccine chống dịch Covid-19.
Nhắc đến sản phẩm vaccine của AstraZeneca thì không thể không nói đến nhóm nghiên cứu và phát triển dẫn đầu bởi giáo sư Sarah Gilbert, những người đã góp công rất lớn khi chạy đua với thời gian để phát triển vaccine chống dịch.
Với những thành quả và đóng góp to lớn đó, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phong tước hiệp sĩ cho giáo sư Sarah Gilbert cùng những cá nhân tham gia nghiên cứu, phát triển vaccine AstraZeneca.
Nguồn ảnh: Business Insider
Điều thú vị là dù cùng nhận được tước hiệu hiệp sĩ nhưng cấp bậc của từng người lại khác nhau. Trong khi giáo sư Sarah Gilbert được nhận tước hiệu Hiệp sĩ - DBE thì Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu vaccine của Đại học Oxford đồng thời là người dẫn đầu các cuộc thử nghiệm của công ty AstraZeneca lại chỉ được phong Hiệp sĩ - Knight Bachelor.
Tương tự, giáo sư Adrian Hill, người đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển vaccine AstraZeneca tại Viện Jenner cũng được phong tước hiệu Hiệp sĩ nhưng lại là KBE chứ không phải DBE.
Vậy sự khác nhau ở đây là gì?
Phân cấp "Hiệp sĩ"
Theo truyền thống, danh sách những người đoạt giải thưởng của nhà nước được công bố hai lần một năm, trước năm mới và vào tháng 6 khi Nữ hoàng Elizabeth II kỷ niệm sinh nhật chính thức của mình.
Thông thường những người được phong tước hiệu trong hệ thống "Huân chương Anh quốc" (The Most Excellent Order of the British Empire) là những người có đóng góp lớn về nghệ thuật, khoa học, phúc lợi xã hội hay các dịch vụ công hoặc quân sự khác.
Những người được phong tặng danh hiệu trong hệ thống này sẽ được thêm từ "Ngài" (Sir) hay "Quý bà" (Dame) trước tên của họ trong các trường hợp chính thức.
Các tước danh này sẽ chỉ đi với tên chứ không đi với họ. Ví dụ như Elton John, có thể gọi là Sir Elton hay Sir Elton John chứ không bao giờ là Sir John.
Ngài Benedict Cumberbatch nhận CBE và vợ là "Lady Cumberbatch" (bà Sophie Hunter). Nguồn ảnh: USA Today
Vợ của những hiệp sĩ cũng có tước hiệu "Lady", nhưng sẽ đi với họ của chồng. Ví dụ, vợ của Paul McCartney sẽ được gọi là Lady McCartney chứ không phải là Lady Paul McCartney hay Lady Heather McCartney.
Ngoài ra, huân chương và lễ phục cho từng tước vị cũng được quy định khá chặt chẽ với thiết kế phân cấp tới từng chi tiết.
Nghi lễ ban tặng huy chương này được vua George V (1910-1936) thực hiện lần đầu vào năm 1917 nhằm tôn vinh những cá nhân không phải quân nhân có cống hiến lớn lao trong Thế chiến I.
Dưới đây là năm thứ bậc phong tặng danh hiệu Hoàng gia Anh hiện tại, xếp theo thứ tự từ cao nhất đến thấp nhất:
-Knight Grand Cross hay Dame Grand Cross of the Most Excellent Order of the British Empire (GBE)
-Knight Commander hay Dame Commander of the Most Excellent Order of the British Empire (KBE hay DBE)
-Commander of the Most Excellent Order of the British Empire (CBE)
-Officer of the Most Excellent Order of the British Empire (OBE)
-Member of the Most Excellent Order of the British Empire (MBE)
Ngoài ra, danh hiệu Hiệp sĩ - Knight Bachelor cũng là một loại phong tặng của Hoàng gia Anh nhưng không phải do vua George V khởi xướng. Chúng tồn tại từ thế kỷ thứ XIII dưới thời vua Henry III và là tước vị hiệp sĩ thông thường nằm dưới những phong hào khác.
Để so sánh, danh hiệu "Knight Bachelor" thấp hơn thứ bậc MBE cuối cùng của hệ thống Huân chương. Dẫu vậy những người được phong tặng danh hiệu này cũng sẽ được dùng "Ngài".
Tuy nhiên điều thú vị là không có tước "Quý bà" nào cho danh hiệu "Knight Bachelor" cả. Bởi vậy những nữ cá nhân phải được vinh danh thấp nhất là MBE trong khi nam giới có thể chỉ là "Knight Bachelor".
Nữ hoàng Victoria trao tặng Huân chương Anh quốc. Nguồn ảnh: PA
Quay trở lại với giáo sư Sarah Gibert, tước vị của bà cùng giáo sư Adrian Hill là cao nhất trong số các nhà khoa học nghiên cứu AstraZeneca được phong. Trong khi ông Andrew Pollard chỉ là Knight Bachelor thường thì bà Catherine Green, Phó giáo sư của Trung tâm nghiên cứu gen người (WCHG) được phong hào OBE vì cũng tham dự phát triển vaccine của Astra.
300 hiệp sĩ
Trên thực tế, Anh đã có rất nhiều hệ thống danh hiệu, phong tặng, huy chương cho nhiều ngành và lĩnh vực. Ví dụ như Hệ thống "Order of the Bath" nhằm vinh danh các sĩ quan chỉ huy và nhân viên công vụ, "Royal Victorian Order" thì vinh danh những cá nhân trung thành phục vụ cho hoàng gia...
Tuy vậy vua George V đã quyết định thành lập nên một hệ thống huân chương mới vào năm 1917 nhằm vinh danh những người không phải quân nhân có công trong Thế chiến I. Tuy nhiên đến tháng 12/1918, hệ thống này cũng chấp nhận vinh danh cả những quân nhân có đóng góp lớn lao cho đất nước.
Theo quy định, hệ thống huân chương này chỉ giới hạn 300 GBE, 845 KBE hoặc DBE, 8.960 CBE. Dù không có quy định nào giới hạn cho OBE và MBE nhưng hàng năm có không quá 2.322 người được đề cử vào danh sách xét duyệt.
Nguồn gốc hiệp sĩ
Trong thời kì Trung Cổ, một hiệp sĩ không có địa vị xã hội một cách cụ thể. Cho đến thế kỉ thứ 10 ở Pháp, những hiệp sĩ chỉ là một chiến binh bình thường thời phong kiến. Thậm chí nhiều hiệp sĩ cũng nghèo như nông dân.
Tuy nhiên, vai trò của các hiệp sĩ tăng lên dần theo thời gian khi lợi thế quân sự của kỵ binh bắt đầu thống trị chiến trường. Các kỵ sĩ bắt đầu giàu lên, có được sự vinh danh và thu hút tầng lớp quý tộc thâm gia, qua đó trở thành một biểu tượng cao sang trong xã hội.
Đến thế kỉ 12, hiệp sĩ trở thành một đẳng cấp được chính thức công nhận trong quân đội khi kết hợp với ngựa để trở thành kỵ sĩ. Do trang bị cho các kỵ sĩ như áo giáp, ngựa là rất đắt đỏ, chưa kể đến chi phí người hầu theo chăm sóc trong các trận đánh nên thông thường chỉ những con cái nhà quý tộc hay người giàu có mới đủ sức duy trì hình thức chiến đấu này.
Dần dần, kỵ sĩ trở thành dấu hiệu cho tầng lớp quý tộc, danh dự, giàu sang và thiện chiến.
Nguồn ảnh: Emedals
Sức hút của danh hiệu kỵ sĩ-hiệp sĩ cũng khiến các nhà cầm quyền và giới quý tộc muốn tận dụng để phân cấp xã hội. Hiệp sĩ trở thành một tước hiệu bởi triều đình Anh và tách khỏi sự liên quan đến quân đội vào năm 1611 do vua James I khởi xướng.
Trước đó vào khoảng năm 1560, những danh hiệu hiệp sĩ danh dự đã được thiết lập tại nhiều nơi dùng trong quân đội. Những danh hiệu như thế trở nên vô cùng phổ biến vào thế kỉ XVII-XVIII.
Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ chiến tranh đã khiến vai trò của kị binh, nhất là kị binh nặng bị giảm dần qua thời gian. Các nhà quý tộc nhận ra rằng không phải có nhiều kị binh là sẽ chiến thắng mà còn nhờ các yếu tố khác.
Đến khi thương pháo được phát triển, kỵ binh lui khỏi võ đài lịch sử thì kỵ sĩ hay hiệp sĩ dần trở thành một phong hào hay tước hiệu mà thôi.
*Nguồn: Oxford News
Doanh nghiệp và tiếp thị