Giải mã việc ngày càng nhiều startup Việt "bị chi phối" bởi 1 công ty Singapore: Từ Cốc Cốc, Base, Luxstay... và mới nhất là Tiki
Theo quan điểm của một giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, có 3 lý do chính dẫn tới việc các startup thành lập công ty holding tại Singapore.
Tiki Global, công ty mới thành lập hồi tháng 5/2021 tại Singapore dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần CTCP Ti Ki (đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki) sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Vốn điều lệ của Tiki hiện ở mức 230 tỷ đồng, trong đó các cổ đông nước ngoài sở hữu 49,4% cổ phần. Hai cổ đông nội lớn là ông Trần Ngọc Thái Sơn (Founder kiêm CEO) nắm 20,1% và CTCP VNG (kỳ lân công nghệ) nắm 20,2%.
Trước Tiki, khá nhiều startup công nghệ Việt lập công ty holding (holdco) ở nước ngoài (thường là Singapore, Hong Kong/Trung Quốc) rồi đầu tư ngược lại pháp nhân trong nước.
Có thể lấy ví dụ quỹ đầu tư Ficus Asia Investment được sáng lập bởi ông Đinh Anh Huân (một trong những co-founder của Thế giới Di động). Thông qua cấu trúc nhiều lớp gồm Seedcom Group và Seedcom, Ficus gián tiếp đầu tư vào nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như The Coffee House, Haravan, Juno, Hnoss. Cuối năm 2020, Ficus gọi vốn 50 triệu USD từ EWTP Capital, quỹ đầu tư được "chống lưng" bởi Alibaba và Ant Financial của Jack Ma.
Ông Đinh Anh Huân và ông Trần Ngọc Thái Sơn (ngoài cùng bên phải)
Bản thân ông Đinh Anh Huân là một trong những người bạn thân thiết của ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki. Có một chi tiết thú vị là Tiki Global và Ficus Asia Investment đều có trụ sở tại tòa nhà Intenational Plaza, số 10 Anson Road, Singapore. Địa điểm này cũng là nơi đặt trụ sở của chủ sở hữu Cốc Cốc.
Ngoài Ficus, nhiều trường hợp khác sử dụng cấu trúc holding đặt tại Singapore gồm: Vntrip OTA, Base, Luxstay, Telio, Topica...
Thông tin về chủ sở hữu của Cốc Cốc và Luxstay
Theo quan điểm của một giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, việc các startup thành lập công ty holding tại Singapore có 3 lý do chính:
Thứ nhất, công ty muốn hoạt động trên nhiều thị trường. Trường hợp Grab từ Malaysia cũng thiết lập một holdco tại Singapore (Grab Holdings) để hoạt động trên toàn Đông Nam Á.
Thứ hai, theo yêu cầu của nhà đầu tư, vì nhiều nhà đầu tư lớn ưa thích hơn với các điều kiện pháp lý ở Singapore so với Việt Nam. Ngoài ra, chính sách thuế ở Singapore rất tốt với capital gain (lãi khi bán tài sản) 0% so với ở Việt Nam là 20%.
Thứ ba, khi công ty có dự định niêm yết lên các sàn lớn, hoặc các thị trường như Hong Kong, Mỹ thì khi đó cũng sẽ tái cấu trúc về Singapore…
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hòa, luật sư tại Công ty Luật TNHH KPMG: (i) cơ hội “kêu gọi vốn” ở Singapore và Hong Kong rộng mở hơn khi có nhiều quỹ đầu tư/nhà đầu tư, thủ tục đầu tư (nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài) dễ dàng hơn; (ii) việc thoái vốn (exit/divestment) có lợi về mặt thuế chuyển nhượng vì hai thị trường này có mức thuế xuất thấp hơn Việt Nam.
Đại diện KPMG bổ sung thêm rằng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các công ty ở ngân hàng nước ngoài cũng có thể dễ dàng hơn vay vốn tại Việt Nam...
Với nhiều điều kiện ưu đãi, không ít tập đoàn toàn cầu thành lập công ty con tại Singapore/Hong Kong, sử dụng đây làm trung tâm cho việc kinh doanh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Có thể lấy ví dụ về trường hợp của Thai Beverage (Thái Lan). Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của công ty này được vận hành thông qua BeerCo Limited (trụ sở tại Hong Kong).
Các mà ThaiBev tổ chức thị trường Việt Nam thông qua BeerCo
Quay trở lại với Tiki, quan điểm của giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm khác cho rằng động thái "bất ngờ" chuyển cổ phần sang holdco tại Singapore có thể là để dễ dàng hơn cho việc IPO, nhất là khi điều kiện IPO và niêm yết ở Việt Nam khó khăn. Chính ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng đã từng đề cập điều này và mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ.
Trên thực tế, Tiki đang triển khai huy động vốn qua nhiều kênh, gọi vốn theo vòng hay thậm chí cả phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.
Theo vị giám đốc quỹ này, việc huy động một vòng gọi vốn khoảng 100 triệu USD có khi mất từ 1 – 2 năm. Thời gian này là quá lâu đối với một thị trường tăng trưởng nhanh và cạnh tranh như thương mại điện tử, do đó có thể khiến họ mất hết thị phần. Tiki hiện đang bị cả Shopee và Lazada bỏ xa trong cuộc chiến "đốt tiền", đây đều là các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Shopee thuộc SEA Group còn Lazada thuộc Alibaba.
Một trong những lựa chọn mà Tiki có thể xem xét ngoài IPO và niêm yết truyền thống là hợp nhất với Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), một trong những trào lưu nở rộ hơn một năm trở lại đây trên toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên VTV chiều 21/7, đại diện của Tiki khẳng định đây không phải là động thái ‘bán mình’ cho doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Tiki, về bản chất, đây là hoạt động để Tiki thành lập một ‘thực thể’ doanh nghiệp tại Singapore nhằm phục nhiều mục tiêu cho giai đoạn tới, mà trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thuận lợi hơn.
"Tại Việt Nam, 1 nhà đầu tư nước ngoài mua 1 cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế" – ông Khánh cho hay.