MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rực lửa

05-02-2018 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư đang phải dần điều chỉnh với viễn cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn so với những gì họ đã dự đoán.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (5/2), chỉ số VnIndex đã giảm kỷ lục 56 điểm (tương đương 5,1%). Nhìn ra khu vực và thế giới thì đỏ sàn là tình trạng chung. Chứng khoán châu Á cũng lao dốc mạnh trong khi các chỉ số tương lai trên TTCK tiếp tục giảm điểm sau cú sụt hơn 600 điểm của chỉ số Dow Jones hôm 2/2.

Sau 1 tháng khởi đầu năm mới tốt đẹp với các chỉ số liên tiếp lập kỷ lục nhờ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô đầy lạc quan, tuần trước chỉ số MSCI All Country World Index đã giảm 3,4%, mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Vậy thì nguyên nhân nào khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh đến vậy?

Theo Shane Oliver, chiến lược gia trưởng tại AMP Capital Investors – quỹ đầu tư đang nắm trong tay 141 tỷ USD, có vẻ như đà giảm điểm vẫn chưa chấm dứt bởi các nhà đầu tư đang phải dần điều chỉnh với viễn cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn so với những gì họ đã dự đoán.

Giải mã nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rực lửa - Ảnh 1.

S&P 500 có tuần giảm điểm mạnh nhất trong 2 năm. Nguồn: Bloomberg.

Báo cáo việc làm được công bố cuối tuần trước cho thấy thị trường lao động tiếp tục khởi sắc trong tháng 1, tiền lương cũng tăng mạnh nhất kể từ khi suy thoái kết thúc. Những số liệu này thể hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất khỏe mạnh, nhưng lại khiến các nhà đầu tư trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu lo lắng bởi dự đoán Fed sẽ đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó tờ Bloomberg nhận định nhà đầu tư đang đối mặt với thực tế là lạm phát sẽ đến. Theo Rich Weiss, CIO của American Century Investment, thị trường đang nhận ra rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế sẽ kích hoạt lạm phát từ nhiều khía cạnh.

Gần 1 thập kỷ trở lại đây, thị trường đã kiên nhẫn chờ đợi dấu hiệu cho thấy cuối cùng thì lạm phát đã trở lại với kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thể tự đứng lên mà không cần đến sự trợ giúp của Fed. Giờ họ đã có được những dấu hiệu ấy, nhưng nhiều người lại bị sốc. Đây có thể là chỉ dấu báo hiệu đà tăng kéo dài rõng rã 8 năm qua trên TTCK Mỹ sắp kết thúc.

Một điều mỉa mai của thị trường là cơn bán tháo ập đến trong khi các công ty trong chỉ số S&P 500 đang có mùa công bố báo cáo tài chính tốt nhất từ trước đến nay. Theo số liệu của Bloomberg, lợi nhuận của các công ty đang tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với bất kỳ quý nào kể từ năm 2012 đến nay.

Kate Warne, chiến lược gia của Edward Jones, nhận định: "Trong thời kỳ cao điểm báo cáo tài chính như hiện nay, thường thì giá cổ phiếu sẽ phản ứng mạnh nhất với kết quả kinh doanh. Lợi nhuận vẫn đang tăng trưởng tốt, nhưng nhà đầu tư lo lắng không biết như vậy đã đủ hay chưa và liệu điều này có thể tiếp tục xảy ra, do đó trong tương lai thị trường sẽ biến động mạnh hơn".

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên