Giải mã sự "bùng nổ" của cổ phiếu dòng ngân hàng
Đóng góp vào phiên tăng điểm ấn tượng của chỉ số hai sàn phiên 17/10 không thể bỏ qua vai trò của dòng cổ phiếu ngân hàng cả về tăng giá lẫn thanh khoản. 7/10 cổ phiếu ngân hàng niêm yết nằm trong top 20 cổ phiếu dẫn dắt chỉ số.
Cú hích bất ngờ và động lực từ "cổ phiếu vua"
Sau 4 phiên tăng điểm liên tục và từng chạm mốc 820 vào ngày 13/10, VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên đầu tuần. Nhưng, "lùi một bước, tiến ba bước", phiên giao dịch 17/10, VN-Index tăng mạnh gần 9 điểm, qua đó thiết lập mức kỷ lục mới của năm 2017 cũng như trong khoảng thời gian 9 năm gần đây.
Đà tăng của thị trường hiện được hỗ trợ bởi hai nhóm chính gồm các mã cổ phiếu Bluechips như VNM, SAB, HPG hay các cổ phiếu ngân hàng như VPB, BID, VCB.
Không phải ngẫu nhiên người ta gán danh "cổ phiếu vua" cho nhóm ngân hàng. Với mức vốn điều lệ "khủng", từng bước giá tăng của dòng cổ phiếu này đã có thể dễ dàng đẩy chỉ số. Thống kê của Bloomberg cho thấy trong phiên 17/10 dòng cổ phiếu ngân hàng góp tới 5 "gương mặt" trong Top 10 cổ phiếu dẫn dắt sàn chứng khoán Tp.HCM. Trên sàn HNX, SHB và ACB cũng không kém cạnh khi thuộc top 3 cổ phiếu dẫn đầu, kéo HNX-Index tăng 0,54%, tiến gần sát mốc 110 điểm.
Trừ cổ phiếu STB của Sacombank và NVB, VIB, còn lại sắc xanh phủ kín dòng cổ phiếu ngân hàng. VCB tăng tới 4,99% lên 41.000 đồng, qua đó trở thành cổ phiếu thứ hai có giá trên mức 40.000 đồng, cùng với VPB.
Top 10 cổ phiếu dẫn dắt VN-Index và HNX-Index
Điều khá đặc biệt trong phiên là việc nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh khối lượng giao dịch. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước đều tăng vọt so với các phiên trước đó với 3,06 triệu cổ phiếu VCB, 5,85 triệu cổ phiếu BID và 3,03 triệu cổ phiếu CTG. Khối lượng cổ phiếu ACB khớp lệnh trên sàn giảm nhưng lại có tới 74,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng thỏa thuận giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Dù chỉ có 2 lệnh được đặt song giá trị chuyển nhượng lên tới 2.440 tỷ đồng, chiếm tới 80% giá trị giao dịch sàn Hà Nội.
Việc đồng loạt tăng cả giá và khối lượng cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư hướng đến nhóm cổ phiếu này là không hề nhỏ.
Sức hấp dẫn của dòng ngân hàng đến từ đâu?
Hàng loạt lệnh đăng ký mua từ các cổ đông nội bộ đã được công bố thời gian gần đây tại một số cổ phiếu ngân hàng là một trong các thông tin tích cực.
Như với cổ phiếu LPB, một ngày trước ngày chào sàn, vợ của Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn đã đăng ký mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu với thời gian giao dịch từ 10/10 đến 10/11.
Con trai Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế VIB cũng đang trong thời gian mua tới 28,1 triệu cổ phiếu của nhà băng này (thời gian đăng ký từ 9/10 tới 7/11). Bản thân chính ngân hàng, thời gian tới, cũng sẽ mua thêm tối đa 57 triệu cổ phiếu, tương đương 10,1% vốn theo phương án vừa được ĐHĐCĐ thông qua. Mới đây, vợ Tổng giám đốc VPBank cũng đã ra thông báo mua tới 10 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 19/10 tới 17/11.
Yếu tố tiếp theo tác động tích cực lên cổ phiếu là kết quả kinh doanh khả quan. Hiện nay, có nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh. Ví như, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông cáo về tình hình hoạt động trong quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy riêng quý III, lợi nhuận của nhà băng này đã đạt 2.371 tỷ đồng. Đây là quý kinh doanh có mức lợi nhuận cao kỷ lục của VPBank, cao hơn tới 23% so với mức đỉnh 1.924 tỷ đồng ghi nhận trong quý I/2017. "Nồi cơm chính" thu nhập lãi thuần tại ngân hàng này tăng 41%. Trong khi tăng trưởng ấn tượng nhất lại là mảng phí dịch vụ, tới 84%.
Tổng thu hoạt động kinh doanh của VPBank đạt hơn 17.500 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu LVB trước thềm giao dịch trên UPCoM ngày 5/10 vừa qua. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 67,5% so với cùng kỳ, riêng quý III góp 540 tỷ đồng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết lợi nhuận 9 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 807 tỷ đồng, vượt mục tiêu cả năm (780 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) cũng ước tính lợi nhuận hợp nhất 1.100 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu của cả năm (585 tỷ đồng).
Không chỉ lẻ tẻ vài ngân hàng kinh doanh tăng trưởng đột biến, tăng trưởng kinh doanh diễn ra ở toàn ngành ngân hàng nói chung. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Trước trích lập DPRR, lợi nhuận tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm và đạt 11,5% sau 9 tháng. Nhờ đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh (15,8%). Đồng thời, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,8%, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 2,7%.
Trong báo cáo phân tích của mình, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI Research) cũng ước tính lợi nhuận tại nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ. CTCK này ước tính lợi nhuận của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đạt 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng 2017, tăng 60,7% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) 9 tháng 2017 ước tăng 40%, đạt 3.900 tỷ đồng.
Với Vietcombank, SSI Research ước tính lãi trước thuế trong 9 tháng 2017 đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 18,7%, thấp hơn so với mức 22,9% trong nửa đầu năm. Lý do là tăng trưởng tín dụng giảm và tốc độ tăng trưởng huy động tăng nhanh. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của BIDV có thể chỉ đạt 4,2% với lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng, chỉ tăng trưởng 4,2%. Nguyên nhân do BIDV vẫn phải đẩy mạnh trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Bức tranh lợi nhuận toàn ngành 9 tháng qua nhìn chung khả quan hơn nhiều so với tương quan một số ngành khác. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích dự báo sớm dựa trên kết quả kinh doanh hai quý trước đó, cùng tình hình chung nền kinh tế và các con số tăng trưởng tín dụng được công bố hàng tháng.
Kỳ vọng khác nhau tạo ra các quyết định mua bán khác nhau của các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư lựa chọn đây là thời điểm chốt lời sau khi nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã mang về "trái ngọt", như ACB với tỷ suất lợi nhuận lên tới 32% trong ba tháng qua hay BID (18%), VCB (11%),... Trong khi lại có những nhà đầu tư khác tiếp tục kỳ vọng vào cổ phiếu vua.
Diễn biến giá cổ phiếu một số ngân hàng trong 3 tháng qua
Nguồn: VNDirect
Trong quý cuối cùng của năm, dư địa được phép tăng của tín dụng vẫn còn khá lớn. Mong muốn của người đứng đầu Chính phủ là sẽ nâng tăng trưởng tín dụng từ mức 11,5% tới cuối quý III lên 21% vào thời điểm cuối năm, tương đương 174 nghìn tỷ đồng bơm vào nền kinh tế mỗi tháng.
Một số ngân hàng có thể gặp hạn chế trong mở rộng tín dụng do gặp giới hạn về hệ số an toàn vốn CAR nhưng nhìn chung nhiều ngân hàng đã được nới lên mức khá cao. Theo chấp thuận của NHNN, hạn mức tăng trưởng tín dụng tại ACB và TPBank đã tăng từ 16% lên 20%, Vietcombank tăng từ 18% lên 20%, VIB tăng lên 24% từ mức 16%,...
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn luôn nhấn mạnh tăng trưởng cần đi kèm với việc đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế tăng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng tín dụng chất lượng không chỉ phụ thuộc vào chủ quan của ngân hàng mà còn dựa vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Con số phấn đấu dù cao nhưng không có nghĩa phải đánh đổi tất cả để hoàn thành hay cũng không có nghĩa rằng chỉ cần ý muốn chủ quan của ngân hàng mà có thể đạt được.
Cùng đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017, Thủ tướng tiếp tục giao NHNN phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, lượng vốn giải ngân nhờ đó tăng cao nhưng đổi lại có thể tác động đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên của các ngân hàng.
NDH