MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân ODA: Trên đã quyết liệt, dưới phải phối hợp đồng bộ hơn

“Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Tôi đặc biệt ủng hộ cách làm của Chính phủ là dự án nào chậm phải bị điều chuyển vốn, ưu tiên vốn cho các dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ”.

Đây là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan địa phương do Văn phòng Chính phủ tổ chức về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Có cải thiện nhưng chưa đạt mục tiêu

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, sự chuyển động ở các địa phương dường như vẫn chưa tương xứng và đây là một trong những nút thắt cần được tháo gỡ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 27/8, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 nguồn nước ngoài của các địa phương là 8.411 tỷ đồng (bao gồm cả 2.878 tỷ đồng giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước), đạt tỉ lệ 21,86% so với dự toán được giao.

Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã nhận định,"mặc dù tình hình có được cải thiện song tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn thấp".

Bộ Tài chính cho biết, vừa qua, đã nhận được văn bản hoặc ghi nhận thông tin 5/62 địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617,2 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953,4 tỷ đồng, vốn vay lại là 663,8 tỷ đồng.

Đánh giá về việc này, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, "cái chính là do nguyên nhân chủ quan, năng lực thực thi các dự án còn chậm".  Ông đã nêu một số nguyên nhân của việc giải ngân các dự án ODA còn vướng mắc, chậm trễ.

Về khách quan, dịch COVID-19 khiến tiến độ triển khai dự án bị chậm do hầu hết các hoạt động của các dự án ODA đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...

Về chủ quan, GS.TSKH Nguyễn Mại chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, công tác chuẩn bị dự án sơ sài, nhiều dự án ODA phải điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...), gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay.

Thứ hai, thủ tục hành chính phức tạp. Bộ Tài chính cho biết từ đầu năm 2020 các bộ, ngành làm thủ tục gia hạn điều chỉnh với nhà tài trợ tại 9 hiệp định vay. Nếu theo quy định hiện nay, việc gia hạn hoặc điều chỉnh dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong khi đó, quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài, dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Thứ ba, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao năm 2019 và được kéo dài.

Nguyên nhân thứ tư là nhiều đơn vị chậm hoàn chứng từ đối với các khoản vay Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với các nhà tài trợ nước ngoài. Do đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã về tài khoản nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ.

Cuối cùng, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành, địa phương thiếu kịp thời, chậm khắc phục các khiếm khuyết đã phát hiện. Riêng trong lĩnh vực đầu tư công, chỉ đến khi Thủ tướng phải rốt ráo đôn đốc và yêu cầu xem xét điều chuyển vốn sang dự án khác thì tiến độ mới được đẩy nhanh, có "tiến bộ" trong mấy tháng gần đây.

Quyết liệt như giải ngân đầu tư công từ vốn ngân sách

Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân đầu tư công dẫn đến hệ quả trực tiếp là tạo nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Trong đó, về vĩ mô ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Việc các dự án bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Trong khi đó, việc chậm trễ gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn còn, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên…

Do đó, GS. Nguyễn Mại nêu một số góp ý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án, khôi phục kinh tế, đồng thời bảo đảm chống tham nhũng, lãng phí.

Giải ngân ODA: Trên đã quyết liệt, dưới phải phối hợp đồng bộ hơn - Ảnh 1.

Trước tiên, cần có sự rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống thông tin Kho bạc (TABMIS) để có cơ sở giải ngân. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Thời gian qua, Chính phủ đã hành động quyết liệt thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các Đoàn công tác do chính  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng dẫn đầu, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại các bộ, ngành, địa phương.

"Tôi đặc biệt ủng hộ cách làm của Chính phủ, các dự án nào chậm phải bị điều chuyển vốn, ưu tiên vốn cho các dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ. Nếu việc giải ngân đầu tư công có nguồn vốn từ ODA cũng làm như vậy, thì tiến độ sẽ được cải thiện như giải ngân vốn đầu tư công vừa qua", GS. Nguyễn Mại nói.

Để triển khai đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh. Từ đó, trong trường hợp vượt thẩm quyền, cần sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

Các chủ dự án cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Cùng với đó, kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để tháo gỡ khó khăn, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công như: Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA; tăng cường kiếm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt…

"Tôi kiến nghị phải chú trọng giám sát xã hội thông qua các tổ chức tư vấn độc lập, tập hợp được những chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, các công chức có chuyên môn sâu và giỏi, dù đã nghỉ hưu để tham gia tư vấn, phản biện, từ lựa chọn dự án, đấu thầu, giảm sát thi công, đến đề xuất giải pháp khắc phục khiếm khuyết. Đây là vấn đề hệ trọng của đất nước, không nên lãng phí, cần tận dụng nguồn lực trí tuệ khá dồi dào, góp phần tư vấn thực hiện các chủ trương đúng đắn mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Theo Huy Thắng

Theo VGP

Trở lên trên