Giám đốc Economica Vietnam: Tình hình vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK thế nào trong tháng cuối năm?
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, Việt Nam đang là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN cũng như khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù, các tổ chức quốc tế có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 thấp hơn năm 2022 nhưng mức dự báo trong khoảng 6,5-6,7% vẫn là con số tích cực và đó là nền tảng rất tốt cho sự phục hồi của TTCK Việt Nam.
- 03-12-2022Lĩnh vực tỷ USD nào đang hút vốn FDI cao nhất?
- 03-12-2022Vĩnh Phúc lọt top 10 tăng trưởng cao nhất cả nước
- 03-12-2022Được các ông lớn Toyota, Honda… đầu tư, một tỉnh lọt top 10 địa phương thu nhập bình quân cao nhất cả nước
Vì sao bối cảnh vĩ mô ổn định nhưng giai đoạn trước, thị trường chứng khoán lại sụt giảm mạnh như vậy? Và điều gì đã giúp thị trường hồi phục trong thời gian gần đây?
Theo tôi, hiện tượng này xảy có hai nguyên nhân. Đầu tiên, nguyên nhân trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp. Nguyên nhân thứ hai là niềm tin của các nhà đầu tư đối với một số nhóm ngành, một số doanh nghiệp.
Có một số doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu và không tôn trọng nghĩa vụ cam kết đối với các trái chủ, người vay của mình. Do đó, niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm và sự suy giảm này nhanh chóng lan sang những cái ngành khác. Điều này khiến cho toàn bộ thị trường bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu như doanh nghiệp sản xuất thép. Tình hình hoạt động những doanh nghiệp này giảm xuống khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng toàn bộ nền kinh tế đều đang bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, những thông tin về những doanh nghiệp có bị ảnh hưởng như ngành dệt may, ngành gỗ hoặc ngành chế biến liên tục bị tô đậm. Do đó, nhiều nhà đầu tư cảm giác như nền kinh tế của chúng ta đang rất là khó khăn, đang gặp rất nhiều vấn đề.
Không chỉ vậy, hiện tượng các hiệp hội doanh nghiệp bất động sản đưa ra vấn đề yêu cầu phải giải cứu. Kêu gọi giải cứu vô hình chung làm cho nhà đầu tư cảm giác nền kinh tế của chúng ta đang rất căng thẳng.
Tuy nhiên, tình hình thực tế cũng không đến nỗi xấu như vậy. Ngay cả bất động sản hay những doanh nghiệp có liên quan đến trái phiếu không phải tất cả đều đang khó khăn, đều không tôn trọng nghĩa vụ đối với các trái chủ. Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực để tôn trọng nghĩa vụ cam kết với các trái chủ bằng nhiều những cách thức khác nhau.
Những điều đó chúng ta chưa tô đậm được nên làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Do đó, cung cấp thông tin không đầy đủ sẽ không phản ánh được hết bản chất của nền kinh tế. Từ đó, sự suy giảm lòng tin diễn ra và lan rộng khiến ảnh hưởng nhiều đến TTCK.
Bên cạnh nhiều nhà đầu tư lo ngại, rút vốn khỏi TTCK trong thời gian vừa rồi thì rất nhiều nhà đầu tư nhận thấy việc cần rút vốn khỏi thị trường là không có cơ sở chắc chắn, ông đánh giá sao về điều này?
Thời gian vừa qua, các nhà đầu tư có nhiều lo ngại và quyết định rút vốn khỏi thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư đã nhận ra rằng việc rút vốn như vậy là không có cơ sở chắc chắn vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang được duy trì trên nền tảng vững chắc.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư trở nên khôn ngoan hơn nên họ có thể dự đoán được xu thế của thị trường. Họ biết được nên rút vốn ra ở thời điểm nào và quay trở lại mua vào thời điểm nào để có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ hiểu được giá trị thực bao giờ cũng sẽ được củng cố cũng được như được đảm bảo. Đó chính là nền tảng cho sự phục hồi của TTCK trong trung và dài hạn.
Hiện tại, TTCK đang bắt đầu hồi phục và nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại. Hiện tượng này không hoàn toàn là do Fomo mà do một số nhà đầu tư đã bắt đầu nhận thấy rằng đây là thời điểm tốt để quay trở lại thị trường.
Với những nhà đầu tư lão luyện, việc quyết định rút khỏi thị trường thời gian trước là do họ có thể đoán được xu thế suy giảm của thị trường. Đến thời điểm hiện tại, họ phân tích và quay trở lại thị trường để nâng khối lượng mua lên.
Từ đó, nhiều nhà đầu tư khác thì cũng nhìn vào và quay trở lại thị trường. Điều này sẽ làm cho niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường cũng dần dần được khôi phục.
Ông nghĩ thế nào về tác động của việc kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất tới sự phát triển bền vững cho TTCK và toàn bộ nền kinh tế?
Xu thế chung của Việt Nam hiện nay là phải làm thế nào để tìm được điểm cân bằng giữa tăng trưởng với lạm phát. Vì thế, lạm phát không thể cao quá được. Khi chúng ta đưa ra được biện pháp giảm bớt áp lực đối với lạm phát thì sẽ có tiền đề cho việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng.
Khi chúng ta kiểm soát được lạm phát và rủi ro thì đó là cơ sở để chúng ta giảm lãi suất. Theo đó, việc kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất mới tạo sự phát triển bền vững cho TTCK và toàn bộ nền kinh tế.
Thực tế, lãi suất có tăng trong một - hai tuần vừa rồi, bên cạnh đó có thể thấy tỷ giá hối đoái cũng bắt đầu hạ nhiệt. Điều này cho chúng ta thấy dấu hiệu tích cực và có thể kỳ vọng kiểm soát tốt lạm phát của năm 2023.
Khi áp lực lạm phát giảm bớt đi, từ đó có cơ sở cho việc giảm lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ chung cho toàn bộ nền kinh tế và thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế để phục hồi một số ngành như du lịch, dịch vụ và sản xuất.
Dựa trên tình hình kinh tế hiện tại, TTCK sẽ có xu hướng như thế nào trong tháng cuối cùng của năm?
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam như xuất nhập khẩu, chỉ số về sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, thu ngân sách, lạm phát… hiện đều có tác động tốt tới sự phục hồi của TTCK.
Đặc biệt, riêng về hoạt động xuất nhập khẩu, mặc dù nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có thể đạt đến 780 tỷ USD trong năm nay và thậm chí còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động tốt và tạo hiệu ứng tích cực cho TTCK.
Cùng với đó, chỉ số giá bán lẻ hay dịch vụ của hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng trong tháng cuối năm. Hơn nữa, xu thế này được kỳ vọng kéo dài trong thời gian tới. Điều này phản ánh được nền kinh tế thực của Việt Nam đang diễn biến ổn định.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục cam kết rót vốn vào Việt Nam. Trên thực tế, số vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam trong năm nay cao nhất trong những năm gần đây. Điều đó cho thấy rằng, dưới tầm nhìn toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Với những con số đó, nền kinh tế Việt Nam đang có nền tảng rất tốt cho sự phục hồi của TTCK trong thời gian tới.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nhịp sống thị trường