Giám đốc nhà hát Nhạc vũ kịch VN, đạo diễn - biên đạo múa Trần Ly Ly: “Đã đến lúc những sản phẩm nghệ thuật lớn trở thành nhu cầu thật của xã hội”
“Tôi không thuận lợi như người ta nghĩ đâu. Cũng đã đi làm thuê, làm mướn, vật vã rồi vượt qua chính mình, vượt qua cả khó khăn về kinh tế lẫn sự cô đơn về tinh thần… để đạt được thành quả như hiện tại. Mục tiêu tạo ra giá trị cho xã hội cao hơn việc tạo ra giá trị cho bản thân nên mình cứ tiến bước thôi” – Trần Ly Ly chia sẻ.
- 07-03-2020“Người đàn bà đẹp” Trương Ngọc Ánh: “Chứng kiến nhiều anh đại gia muốn cưới mà con mình thì ngang ngược, mẹ tôi chỉ biết khóc thôi”
- 08-02-2020Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt: “Tôi từng cao ngạo nói, khách của Đạt rồ này không biết tiếng Việt vì toàn Tây”
- 23-11-2019Uyên Linh: “Sau 10 năm đi hát, tôi tự hào vì mình chỉ sống bằng mỗi việc cầm mic”
- 16-11-2019KTS Võ Trọng Nghĩa: “Nhiều người nghĩ thất bại mới đi tu tập nhưng đâu phải, giữ giới và hành thiền là việc quan trọng nhất trên đời”
- 19-10-2019Siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam: Lương 500 USD/tháng là đỉnh cao năm 1998 cho sinh viên mới ra trường nhưng không phải lý do khiến tôi bỏ sàn catwalk
- 2 năm qua, chị thấy bản thân và tập thể của mình đã tạo được những dấu ấn trong lòng công chúng?
- Khi nhận nhiệm vụ tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tôi muốn đánh giá lại toàn bộ. Vì thế, chúng tôi làm những sản phẩm nhỏ, vừa sức trong năm 2018 nhằm 3 mục đích. Thứ nhất là kiểm tra lại trình độ. Thứ hai là kiểm nghiệm lại tất cả các hệ thống. Thứ ba là xem xét cách tiếp cận với công chúng và có những nghiên cứu nhất định đối với thị trường.
Còn 2019 là năm phải làm sản phẩm lớn. Các sản phẩm nghệ thuật lớn là một nhu cầu thật và đã đến lúc của xã hội. Ngày mới về, tôi đã muốn làm những sản phẩn rất lớn về vũ kịch và opera. Đấy là con đường phát triển của nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Chúng tôi cần đi đúng đường.
2019 cũng là năm quan trọng đối với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Đó là lý do đó thôi thúc chúng tôi lựa chọn "Hồ Thiên Nga" - câu chuyện huyền thoại thần tiên mà khi nói đến múa ba lê thì ai cũng nhắc tới.
Về giá trị lịch sử, 35 năm trước khi phối hợp với chuyên gia Nga, Việt Nam đã làm được vở ba lê "Hồ thiên nga" 4 màn. Và bây giờ, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát, tôi muốn làm lại sản phẩm mang tính quyết định của một huyền thoại. Tôi quyết tâm lắm, nhất định phải làm. Trong đầu tôi không nghĩ gì khác ngoài điều đó.
- "Hồ Thiên Nga" sau đó đã gây được tiếng vang lớn và lọt top 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm. Đó có phải là thành công lớn nhất tính tới thời điểm này?
- Có thể coi là như vậy. Để làm được những sản phẩm lớn thực sự rất khó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đạt được những thành công rất tốt ở việc đánh giá cộng đồng. Mọi người không phải ai cũng nghe opera, số lượng người nghe được hay thấy đam mê và thích thú chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy giá trị cuối cùng của chúng tôi là gì? Là sẽ phải mang opera ra cộng đồng. Cách tiếp cận của thời điểm này là mang những trích đoạn hay, khiến mọi người dễ ngả lòng ra. Sau đó là tập trung tối đa để thực hiện.
Với tôi, những sản phẩm lớn không thể nào làm trong thời gian ngắn được. Tôi để đã hẳn 6 tháng, trong đó tập trung tối đa 3 tháng, cực kỳ "giáp lá cà" 1 tháng để hoàn thành sản phẩm "Hồ Thiên Nga" và 1 sản phẩm nữa song song tồn tại là "Người tạc tượng". Đó là một vở opera dài hơn 3 tiếng do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết cách đây 50 năm.
- Còn những khó khăn thì sao?
- Khó khăn thì nhiều lắm. Kể bao giờ cho hết được.
- Đâu là khó khăn lớn nhất?
- Tài chính, chế độ và sự cuốn hút đối với các tài năng nghệ thuật, sự cuốn hút của mục tiêu và lý tưởng. Tức là nghề của bạn phải được vinh danh, tài chính của bạn phải được đầy đủ.
- Trước thách thức ấy, chị đã lo chuyện "cơm áo gạo tiền" cho anh em trong nhà hát như thế nào?
- Cố gắng hết sức thôi. Tôi là một người lang thang trong thị trường. Tôi biết rằng nếu chỉ có những con số như thế thì quả thực là khó khăn. Chỉ có 8 tiếng làm việc, mà bản chất của 8 tiếng đó là nếu bạn làm hết lòng hết sức với tất cả trí tuệ và sức lực thì bạn chẳng làm được cái gì khác. Nên tôi cố gắng tìm kiếm thêm những cơ hội để các bạn có việc làm đều, nhưng không nhiều đâu.
Anh em xưa nay vẫn có nghề tay trái, thậm chí có nghề tay trái to hơn nghề tay phải. Khi tôi về, tôi bắt làm "tay phải" to, làm cái gì cũng phải cho ra đầu ra cuối. Các bạn có thể làm 4 tiếng nhưng là 4 tiếng kiệt quệ. Vì điều đó nên tôi gặp khó khăn trong công tác quản lý. Anh em không quen làm việc chuyên nghiệp theo kiểu vắt kiệt.
- Nhưng rõ ràng, các tác phẩm lớn vẫn ra đời, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ cùng đổ mồ hôi và hăng say tập luyện. Chị đã làm thế nào để gắn kết mọi người, thúc đẩy tất cả tiến về phía trước?
- Tôi dùng sức lực, trí tuệ và sự kiên định của bản thân tạo ra một ngọn lửa, một lý tưởng. Tôi đưa ra mục tiêu, tất cả thống nhất, thấy hợp lý và đúng đắn, vậy thì tất cả đi thôi. Khi đi thì mỗi đội phải tự kéo người của đội mình đi. Tôi kéo các đầu tàu. Nếu gặp vấn đề, tôi phải giải quyết cùng với họ.
Bây giờ tôi làm "tay phải", nhưng nói để hiểu rằng nhà hát vẫn tạo ra những "tay trái" nhưng là của nhà hát để cho mọi người yên tâm, bớt việc phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Dùng thương hiệu cá nhân làm "tay trái" để kiếm thêm thôi.
Trước đây tôi làm độc lập thì rất dễ. Nhưng bây giờ phải kéo về cho tập thể, câu chuyện nó khác lắm. Cá nhân phải nhún mình kinh khủng để có kết quả tập thể tốt. Đương nhiên, khi chúng tôi làm, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu thì mới làm.
- Quan điểm quản trị của chị là gì?
- Yêu thương nhưng nghiêm khắc, kỷ luật.
- Đâu là điều nghiêm khắc nhất mà chị làm đối với anh em trong nhà hát?
- Cho nghỉ việc.
- Đã có ai bị buộc thôi việc trong 2 năm qua chưa?
- Có chứ.
- Chị không sợ phản ứng domino tới những người xung quanh sao?
- Cứ đúng mà làm. Cần phải loại bỏ những đối tượng gây hại dẫn tới domino. Bắt con sâu ra khỏi nồi canh mới là đúng.
- Chị mất bao nhiêu thời gian để ra quyết định đó?
- Rất nhiều. Suy nghĩ lâu và quan sát kỹ. Quyết định rất nhanh nhưng quá trình thì rất lâu.
Tôi có nguyên tắc làm việc là cứ đúng mà làm, kể cả đó là ai. Như vậy thì trong lòng mình không còn vương vấn, không phải lăn tăn nhiều. Còn trong quá trình đó, mình phải quan sát xem cái gì là đúng. Đó mới là điều quan trọng.
Tôi muốn đặt tình cảm, tình thương yêu lên hàng đầu. Bởi sự gắn bó cộng đồng, đặc biệt là trong nghệ thuật, đều dựa vào tình yêu. Một cái nắm tay, một lời nhắn tin tưởng nhưng quan trọng vô cùng. Nhiều khi các bạn ấy làm vì mình. Do mình đang chờ đợi nên các bạn ấy phải vượt lên.
- Chị có cảm thấy cô đơn không?
- Cô đơn chứ. Ai ở trong vị trí quản lý cũng đều cô đơn. Vì kể cả những người yêu thương mình nhất cũng ngại, không dám tiếp cận. Nhưng mình cố gắng chan hòa nhất, cố gắng nghĩ đến anh em từ những động tác chung thì sẽ bớt đi. Đấy là một kỹ năng mềm khi làm việc với nhân sự. Ví dụ, tất cả đều rất muốn nghỉ ngày hôm nay thì không lý gì mình bắt các bạn ấy đi làm việc cả. Mình sẽ bắt bù vào lúc khác. Mình giao hòa với người ta bằng cảm giác con người.
- Còn chuyện hy sinh vì tập thể thì thế nào?
- Bên ngoài có thể đánh giá rằng, chắc tôi đã hy sinh, anh em nhìn thấy nên họ mới theo như vậy. Một người không hy sinh vì tập thể thì sẽ chẳng có ai theo. Nhưng tôi không cảm thấy đó là hy sinh, mà là công việc phải làm, là điều tất yếu thôi.
Rõ ràng, nếu chỉ nghĩ đến việc làm riêng, tôi có thể trả lời không làm vì không thích dự án đó chẳng hạn. Hoặc sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định cho một cá nhân so với việc quyết định cho một tập thể. Còn giờ, có thế nào cũng vẫn phải làm để một tập thể có thể lao vào.
Khi tôi về đây, sự say mê nghề nghiệp, sự tính toán về chiến lược cho nhà hát mạnh mẽ nên mọi người theo. Đấy là một sự may mắn. Có thể có những người không muốn theo đâu nhưng cả đoàn người cứ đi nên thành ra họ phải theo. Lúc ban đầu thực sự rất khó khăn, không chắc chắn được sự thành công. Bỏ sức lực quá nhiều mà không chắc chắn được sự thành công thì mọi người rất dễ nản lòng. Nhưng tôi rất kiên định.
- Vì sao?
- Vì tôi nhìn thấy rõ được sự thành công. Tin tưởng vào sự thành công đó. Không 100% thì cũng phải 80%. Tôi luôn luôn cảm nhận được điều đó. Nó là trực giác.
- Bây giờ chị nhìn thấy bao nhiêu % thành công đã thành hiện thực?
- Tất cả những mục tiêu tôi đặt ra trong từng năm đều đạt, thậm chí có sản phẩm như Hồ Thiên Nga còn vượt qua chỉ số ban đầu dự định.
- Trách nhiệm của một người giám đốc đã thôi thúc chị vượt qua những khó khăn và thách thức phải không?
- Chính xác. Nếu bảo vì tiền thì không phải. Vì nghệ thuật theo kiểu cá nhân cũng không phải. Trước khi làm giám đốc, tôi vẫn làm độc lập rồi nên cũng không ngại việc tiếp tục làm độc lập. Nhưng khi được giao trọng trách này, tôi cảm thấy đó là một thách thức hay hơn nhiều so với việc làm độc lập. Nó là phần trách nhiệm.
Tôi nghĩ khi con người sống tới một giai đoạn nào đó sẽ thấy thích phần trách nhiệm. Vì khi họ đạt được thành quả, nó sẽ mang giá trị cho cộng đồng, xã hội. Bản thân họ được vinh dự thông qua công việc cho cộng đồng và xã hội này. Nó tốt hơn nhiều so với cho bản thân.
Sau tuổi 40, tôi nghĩ bản thân không có nhiều nhu cầu lắm. Tôi có thể rất bày vẽ nhưng cũng có thể cực kỳ đơn giản. Đối với tôi, ở mức cơ bản là được.
- Sau 2 năm chuyển từ TP.HCM về Hà Nội, chị đã ổn định cuộc sống chưa?
- Tôi ổn định ngay ý mà. Tôi là người thích ứng tốt, sống khá tích cực và thích cái khó. Hơn nữa, cuộc sống riêng có ổn định thì mới làm việc được.
- Giờ chị còn ở nhà thuê không?
- Không còn nữa. Nhưng tôi cũng không ngại vấn đề này. Mười mấy tuổi tôi đã xách vali ra nước ngoài sống một mình. Việc ở nhà thuê hay nhà mình cũng không quá nặng nề.
- Mua nhà là cách chị xác định sẽ gắn bó lâu dài và ổn định phải không?
- Khi đã ổn định công việc rồi, tôi cũng xác định ở lâu dài. Thêm nữa, Hà Nội vẫn là nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi, cả tuổi thơ tôi ở đây nên tôi không cảm thấy khó khăn. Tôi từng rất cô đơn khi ở nước ngoài. Cơ hội để ở lại nước ngoài của tôi rất cao vì tôi đi từ lúc trẻ, vị trí nghề nghiệp và khả năng ngôn ngữ đều đủ đáp ứng. Tôi cũng được mọi người quý mến lắm.
Ở nước ngoài có nhiều cơ hội như vậy nhưng tôi vẫn thấy cô độc lắm. Phải về Việt Nam, kể cả ăn củ khoai, củ sắn cũng được. Dù nghèo nhưng vẫn là nhà mình. Gia đình đối với tôi quan trọng lắm. Tôi là người hiện đại nhưng cũng rất truyền thống. Tôi có những cái lập dị lắm, mọi người không thể tưởng tượng được. Trong khi làm việc thì rất đàn ông nhưng khi xử sự với nhân sự lại rất đàn bà.
- Ở vai trò mới, chị còn thời gian để dành cho "tay trái" nữa không?
- Thú thật là cũng ảnh hưởng phết đấy nhưng tôi cảm thấy rất vui. Cảm thấy đây mới là thứ mà mọi người đáng phải làm.
- Điều đó có ảnh hưởng đến thu nhập không?
- Có. Nhưng cũng chẳng sao vì tôi không có nhiều nhu cầu.
- Mức lương của một giám đốc đủ cho chị chứ?
- Không, làm sao mà đủ được. Có 6 triệu thì đủ cái gì?
- 6 triệu, thật sao?
- Nhân viên có nhiều người lương cao hơn tôi. Ở cấp độ diễn viên họ được cộng 20% phụ cấp thanh sắc, và có rất nhiều hệ thống tiền tập, tiền diễn thì họ sẽ được nhiều hơn.
Còn của tôi có 0.8% tiền trách nhiệm thì chẳng là bao nhiêu với mức lương 6 triệu. Tôi nói thật, đây là rất yêu nghề đấy. Chứ còn ở ngoài, người ta mời tôi với giá khá cao cho vị trí giám đốc Artistic Director của một hệ thống bất kỳ.
Mà thực ra, trong cuộc sống của người Việt cũng có nhiều cách để kiếm tiền. Ví dụ tôi làm đạo diễn, hay biên đạo múa thì tôi có tiền nhưng thời gian không cho phép tôi làm nhiều. Anh em, bạn bè vẫn coi tôi là người rất có giá trị trong nghề nên tôi sẽ đứng tổng của một dự án nào đó. Tôi chỉ cần làm một cú thôi là đủ rồi.
- 2 năm qua, có khi nào chị lăn tăn suy nghĩ về quyết định về làm Giám đốc nhà hát không?
- Không lăn tăn gì cả. Trái lại cực kỳ hạnh phúc và hài lòng. Vì tất cả những gì tôi đã đề ra thì tập thể làm theo. Mọi người hạnh phúc, chúng tôi đạt thành công. Chưa bị một thất bại lớn nào để mà phải suy nghĩ. Tức là mình đang tiến hành khá tốt những bước đường của mình.
Có thể sẽ có người cân nhắc về chuyện được mất nhưng tôi lại không cân nhắc gì cả. Tôi cân nhắc ở chỗ làm một việc rất thích nhưng có thể khó, nói thật là không phải ai cũng làm được. Vậy nếu họ giao cho mình thì có nghĩa là mình có một giá trị nhất định. Và họ tin tưởng mình thì mình sẽ làm được. Ngay từ đầu, tôi đã nhìn ra rất nhiều cơ hội trong cái khó.
- Người tràn đầy năng lượng như chị chắc hiếm khi cạn nguồn sáng tạo?
- Ôi, đừng nghĩ rằng một người luôn luôn cảm thấy đầy năng lực tích cực phát ra thế này mà không cạn. Người ta cạn đầy ra đấy. Người ta cực kỳ cô đơn và tìm đến những trạng thái mà có những quyết định có thể khiến mọi người hoảng hồn. Nhưng trong tình huống này, tôi vẫn đang vượt qua được, không đến nỗi.
Lúc cạn nguồn, bế tắc, thường thì tôi sẽ đưa mình vào một trạng thái "mây trôi" hoặc ném mình vào một trạng thái cực kỳ khó khăn, cần suy nghĩ kinh khủng để vượt qua. Tôi sẽ quên đi việc kia. Hoặc là tôi sẽ lao động chân tay thực sự như cuốc đất, vớt bèo theo đúng nghĩa đen để giải tỏa.
- Kế hoạch sắp tới của chị đối với bản thân và với nhà hát là gì?
- Tiếp tục làm những việc phải làm. Ví dụ như mang "Hồ Thiên Nga" đi rộng hơn, không phải chỉ ở thành phố này. Và có thể sẽ đi tour nữa.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Sống cùng đam mê
Xem tất cả >>- NTK váy cưới hàng đầu Việt Nam: 12 năm tâm huyết để biến “giấc mơ” của mọi cô dâu thành hiện thực, từng bước vươn mình ra thế giới
- “Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”
- Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn
- Cựu giảng viên Ngoại ngữ đứng sau chuỗi cafe chục tỷ Hầm Trú Ẩn: 6 tháng lỗ ròng để "trả học phí", lao đao suýt bỏ cuộc thì nhận cơ hội đắt giá
- Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè