MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá "bình yên"

Thị trường chứng khoán 2020 được dự báo không có nhiều động lực thúc đẩy. Cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp sẽ kém sôi động, trong khi khả năng nâng hạnh của thị trường Việt Nam gần như bằng không do chưa xử lý được vấn đề sở hữu của khối ngoại.

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 1.
Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 2.

- Bà nhận định ra sao về triển vọng thị trường năm 2020?

- Năm 2020, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong danh mục nghiên cứu của SSI dự kiến tăng 14,3%. Ngân hàng sẽ là ngành có tăng trưởng cao nhất. Nếu loại bỏ ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận còn khoảng 8,6%, cao hơn năm 2019 (khoảng 6,8%). Do đó, VN-Index được dự báo tăng quanh mức này.

Trừ khi có những yếu tố xấu ảnh hưởng khiến kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ xấu hơn khiến P/E thị trường giảm. Năm trước, P/E cũng giảm do không có nhiều động lực mới từ kế hoạch cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 3.

Trong bối cảnh năm nay không có nhiều xu hướng mang tính đột phá thì khả năng thị trường sẽ vẫn tiếp tục giao dịch với một biên độ vừa phải. Việt Nam vẫn là thị trường của nhà đầu tư cá nhân. "Biên độ vừa phải" sẽ chưa đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư khi tham gia vào kênh đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán.

Dòng vốn vào Việt Nam sẽ tác động đến thị trường trong năm sau, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Yếu tố hỗ trợ cho FDI có thể đến từ việc Việt Nam xúc tiến đàm phán một số thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương.

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp vẫn đang quan sát thị trường Việt Nam trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá nhiều khả năng không thay đổi lớn.

Hiện tăng trưởng thế giới đang chậm lại nhưng mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn hấp dẫn. Vấn đề là cần khơi thông được nguồn vốn vào Việt Nam. Nếu có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thì nhà đầu tư trong nước cũng hưng phấn hơn, hay nói cách khác, phát triển theo hướng lành mạnh hơn. Hiện nay tỷ trọng giao dịch nhà đầu tư ngoại không tăng trong 3-4 năm qua, chỉ chiếm 14-15% quy mô.

- Vậy có thể kỳ vọng cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn là động lực cho thị trường năm 2020?

- Cổ phần hóa và niêm yết mới dự đoán sẽ không quá sôi động. Những doanh nghiệp có thể hoàn tất khâu định giá trong năm 2019 - 2020 thì có cơ hội chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cao hơn.

Với doanh nghiệp Nhà nước, khó khăn trong việc định giá tài sản là một trong những yếu tố dẫn đến sự trì hoãn. Một số doanh nghiệp sở hữu diện tích đất trải dài và khó xác định giá trị nên định giá phức tạp. Về thoái vốn, các doanh nghiệp cũng đang chờ Quyết định 1232 được sửa.

Với nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam đã có một số tiền lệ xấu khi triển khai cổ phần hóa và lên sàn khiến thị trường này kém hấp dẫn hơn trong mắt họ.

Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi vì sao kinh tế vĩ mô tốt mà chứng khoán không phản ánh được, điều gì đang thực sự diễn ra. Thị trường Việt Nam nhìn chung rất tươi sáng nhưng nhìn kỹ thì có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 4.

- Triển vọng nâng hạng của chứng khoán Việt Nam bởi FTSE Russell và MSCI ra sao, thưa bà?

- Tháng 9, FTSE Russell sẽ quyết định Việt Nam có được nâng hạng hay không. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn được điều kiện về đảm bảo tiền mua chứng khoán tại ngày T+2. Nếu có thể áp dụng thì Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Dù vậy, đánh giá FTSE Russell không có tác động mạnh bằng việc được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6. Để đạt được, Việt Nam cần có những bước tiến và thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo danh mục ngành nghề có điều kiện, trong đó định nghĩa rõ giới hạn sở hữu bao nhiêu phần trăm ở một lĩnh vực quy định. Phần còn lại sẽ mở room lên 100%.

NVDR (chứng khoán lưu ký không có quyền biểu quyết) là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc đưa NVDR vào hoạt động sẽ đòi hỏi phải sửa đổi và thiết lập lại hệ thống khá phức tạp.

Có thể nói cơ hội được nâng hạng của thị trường Việt Nam năm nay gần như không có vì các vấn đề vẫn chưa có giải pháp ngay. Do đó, đây sẽ khó là chất xúc tác.

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 5.

- Trong trường hợp lạc quan là Việt Nam được nâng hạng, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động như thế nào?

- Vấn đề của khối ngoại hiện nay là không có cổ phiếu để mua tại thị trường Việt Nam. Các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi (EM) có quy mô rất lớn. Giả sử được nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chia tỷ trọng, phân bổ vốn vào các thị trường.

Hiện không nhiều cổ phiếu trên thị trường Việt Nam còn room, đạt được tiêu chuẩn thanh khoản tối thiểu. Các quỹ vào thị trường mới nổi sẽ rất khó có thể mua được đủ số lượng cổ phiếu để đạt đúng tỷ trọng phân bổ. Quá trình cổ phần hoá và thoái vốn chính là một trong những giải pháp cho vấn đề này.

Một yếu tố khác nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là cần có cơ chế để thể hiện giá mua cổ phiếu ngoài sàn công khai trên bảng giá. Về nguyên tắc quỹ chỉ được dùng giá khớp lệnh để tính giá trị khoản đầu tư, trong khi giá giao dịch ngoài sàn không được công bố.

Khi các quỹ mua ngoài sàn với giá cao hơn thị giá, ngay hôm sau giá trị khoản đầu tư sẽ bị ghi nhận giảm. NVDR là một giải pháp, cho phép giá giao dịch công khai trên hệ thống.

- Với những rào cản nói trên, một số quỹ đang mở rộng đầu tư vốn tư nhân (PE), lập quỹ đầu tư chỉ số (ETF), bà đánh giá như thế nào về xu hướng này?

- Với các quỹ thị trường mới nổi có quy mô rất lớn thì họ chưa quan tâm nhiều đến Việt Nam, vì cổ phiếu không đủ dung lượng để họ mua. Còn những quỹ vào Việt Nam lâu rồi thì tăng trưởng VN-Index năm vừa rồi không tốt nên cũng là một năm đầy thử thách.

Các quỹ đầu tư thụ động đang tăng dần sự hiện diện trên thị trường và có thể là một trong những chất xúc tác cho năm sau. Hiện nay, xu hướng trên thế giới các quỹ đầu tư thụ động vẫn đang thắng thế nhờ chi phí thấp và chiến lược đầu tư đơn giản.

Như tại Việt Nam, kinh tế vĩ mô ổn định thì cách đơn giản là mua ETF, tránh được rủi ro biến động giá của các cổ phiếu cụ thể (điều mà các nhà đầu tư nước ngoài đã "trải nghiệm" trong giai đoạn 2018-2019).

Gần đây HoSE đã triển khai 3 bộ chỉ số mới VN DIAMOND, VN FIN SELECT, VN FIN LEAD. Nhìn chung khả năng dòng tiền sẽ vào thông qua các ETF tương đối tích cực.

Về đầu tư PE, một số nhà đầu tư nước ngoài nhìn cả thị trường Việt Nam như một PE, kể cả với các doanh nghiệp niêm yết do rào cản của thị trường lớn trong đó có giới hạn sở hữu nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư sẽ chấp nhận rủi ro cao để có lợi nhuận lớn.

Giám đốc Phân tích SSI TTCK năm 2020 sẽ khá bình yên - Ảnh 6.

Theo Hoàng Việt Phương - Giám đốc Phân tích CTCP chứng khoán SSI

Người đồng hành

Trở lên trên