Giảm lệ phí trước bạ, thị trường ôtô lại bùng nổ?
Một số khách hàng cho rằng mức ưu đãi được hưởng chưa đủ để hấp dẫn họ "xuống tiền" mua ôtô.
- 26-11-2021Giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước từ 1/12
- 16-11-2021Giảm 50% phí trước bạ ô tô, người mua tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
- 04-11-2021Ô tô điện chạy pin sắp được miễn 100% lệ phí trước bạ trong 3 năm?
Theo Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vừa được ban hành, Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô nội, áp dụng từ ngày 1-12-2021 đến 31-5-2022. Hiện ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống có mức lệ phí trước bạ là 10% giá bán xe, riêng TP Hà Nội là 12%. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tùy từng mẫu.
Việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được xem là cú hích mạnh mẽ với thị trường vốn ảm đạm cả năm qua. Đặc biệt, thời điểm cuối năm thường ghi nhận nhu cầu mua sắm ôtô tăng đáng kể nên việc giảm lệ phí trước bạ dự báo sẽ khiến thị trường thêm sôi động.
Tuy nhiên, theo nhiều đại lý ôtô tại TP HCM, việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp trong nước chưa hấp dẫn lớn đối với khách hàng bởi nhiều tháng nay, hầu hết các hãng xe đều đã chủ động hỗ trợ 50%-100% lệ phí trước bạ để kích thích sức mua. Việc Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ có ý nghĩa giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn thay vì chỉ được chọn một số mẫu do hãng ưu đãi như trước.
Nhiều mẫu xe được giảm đến 100% lệ phí trước bạ nhưng khách hàng vẫn chưa mặn mà.Ảnh: NGUYỄN HẢI
Giới kinh doanh dự báo thị trường ôtô trong 2 tháng cuối năm âm lịch sẽ diễn biến giống cuối năm ngoái. Thời điểm đó, khi Chính phủ áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, các hãng, đại lý ôtô lập tức cắt giảm những ưu đãi đang áp dụng cho khách. "Khách không được lợi nhiều hơn từ chính sách của Chính phủ và chưa sẵn sàng "xuống tiền" mua xe trong bối cảnh khó khăn" - người quản lý một salon ôtô tại TP HCM nói.
Ông Lê Công Hoàng, chủ salon ôtô ở quận Tân Bình (TP HCM), cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ ôtô, buộc hãng và đại lý phải tiết giảm chi phí, lợi nhuận để liên tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Gánh nặng chi phí này rất lớn và các hãng không thể tiếp tục duy trì lâu hơn nữa.
Trong khi đó, về phía hãng sản xuất, việc Chính phủ tái áp dụng quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đem lại kỳ vọng về việc thị trường có thể dần ổn định, trở lại đà tăng trưởng và bùng nổ như thời điểm trước dịch. "Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe nội địa tạo ra lợi thế so sánh giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc, từ đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh nhập khẩu mà không chú trọng đầu tư vào sản xuất" - ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor), nhìn nhận.
Cũng theo lãnh đạo TC Motor, doanh nghiệp này ý thức được việc giảm lệ phí trước bạ có thể tác động trực tiếp tới nguồn thu của nhà nước. Tuy nhiên, ông hy vọng và tin tưởng động thái này không những không khiến số thu thuế giảm sút mà còn có thể giúp tăng thu ngân sách nhờ tăng trưởng doanh số bán xe. "Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy từ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô nội từ ngày 28-6 đến 31-12-2020, thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu thuế tiêu thụ đặc biệt và GTGT tăng 8.200 tỉ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỉ đồng" - ông Lê Ngọc Đức dẫn chứng.
Người lao động