MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mua quá yếu, giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc

08-08-2023 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Sức mua quá yếu, giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến giá cả giảm xuống trên diện rộng, bao gồm cả giá bán lẻ và giá sản xuất.

Khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid sau 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khắt khe, Nie Xingquan đã rất háo hức. Anh kỳ vọng công ty chuyên sản xuất những đôi giày da được làm thủ công của mình sẽ bùng nổ doanh số. Tuy nhiên, thay vào đó, lực cầu yếu đến nỗi Nie đã phải giảm giá bán 3% so với 1 năm trước, đồng nghĩa lợi nhuận cũng giảm xuống.

Đó là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy áp lực giảm phát đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc như thế nào. Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế bị hụt hơi, giảm phát còn đe dọa sẽ làm suy giảm đáng kể tác dụng của các gói kích thích nếu như người tiêu dùng vẫn không muốn chi tiêu.

Gắng gượng để tồn tại

Nie cho biết công ty giày da Italy Elsina Group của ông đã chật vật suốt từ tháng 2 đến nay. Đặt trụ sở tại thành phố Ôn Châu (thuộc miền Đông Trung Quốc), công ty này chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Rất nhiều khách hàng vẫn chưa thể phục hồi sau khi đại dịch khiến dòng tiền của họ bị tổn hại nghiêm trọng. Thay vì đặt đơn hàng mới, một số nhà bán lẻ trong số khách hàng của Nie vẫn đang cố gắng đẩy nốt số hàng tồn kho đã tích tụ trong thời kỳ dịch bệnh, chờ đợi tình hình tốt lên.

“Tất cả mọi người đang gắng gượng và làm hết sức có thể để co hẹp lợi nhuận xuống mức chịu đựng được. Mục tiêu chỉ là làm thế nào để sống sót”, Nie nói.

Giá cả ở Trung Quốc đã không tăng mạnh như dự đoán mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra hồi đầu năm. Ngược lại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến giá cả giảm xuống trên diện rộng, bao gồm cả giá bán lẻ và giá sản xuất. Điều này cũng trái ngược với tình trạng lạm phát tăng vọt mà Mỹ và các nền kinh tế lớn khác phải đối mặt sau khi mở cửa trở lại.

Từ tháng 10/2022, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá các loại hàng hóa cơ bản như than đá và dầu thô giảm mạnh. Giới phân tích dự đoán ngày mai Trung Quốc sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm trong tháng 7. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 cả hai chỉ số này đều giảm.

Giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc: Sức mua quá yếu, nhiều doanh nghiệp phải giảm mạnh giá bán để có thể sống sót - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số CPI sẽ sụt giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Nguồn: Bloomberg.

Nếu tính theo chỉ số giảm phát GDP (GDP đã điều chỉnh theo lạm phát), Trung Quốc hiện đã rơi vào giảm phát. Theo định nghĩa của IMF, giảm phát là “tình trạng thước đo giá cả trên diện rộng (ví dụ như chỉ số CPI hoặc chỉ số giảm phát GDP) suy giảm trong thời gian dài”.

Vì sao Trung Quốc đối mặt với giảm phát?

Không giống như thời điểm cuối 2020, đầu 2021, khi giá thịt lợn giảm là nguyên nhân chính, lần này giảm phát ở Trung Quốc đáng lo ngại hơn. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh do người tiêu dùng ở các thị trường lớn nhất như Mỹ và châu Âu đang phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài khiến giá thuê nhà, đồ nội thất cho đến đồ gia dụng đều giảm theo.

Giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc: Sức mua quá yếu, nhiều doanh nghiệp phải giảm mạnh giá bán để có thể sống sót - Ảnh 2.

Chỉ số giá xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Nguồn: Bloomberg.

Ngoài ra, cuộc chiến giá giữa các nhà sản xuất xe ô tô do Tesla khởi xướng đã dẫn đến một loạt thương hiệu lớn hạ mạnh giá bán. Và không thể không kể đến lượng lớn hàng tồn kho đã tích tụ trong đại dịch cũng như trong quý I, khi tất cả mọi người đều lạc quan về triển vọng phục hồi.

Nếu như giá cả tiếp tục giảm xuống ở mức độ và phạm vi như hiện tại, người tiêu dùng sẽ có tâm lý trì hoãn mua sắm để đợi giá giảm sâu hơn nữa, khiến hoạt động kinh tế bị bóp nghẹt và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá bán. Như vậy một vòng luẩn quẩn xuất hiện: doanh thu và lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân viên và cắt giảm đầu tư, khiến lực cầu càng yếu hơn nữa. Đó chính là hiện tượng trì trệ mà Nhật Bản đã trải qua trong thời kỳ thập kỷ mất mát kéo dài mấy chục năm.

Tất nhiên Trung Quốc vẫn có điểm khác biệt. Giá cả và lực cầu trong lĩnh vực dịch vụ khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, giá tour du lịch đã tăng 7,1% so với 1 năm trước, chủ yếu do giá phòng khách sạn tăng mạnh. Giá các dịch vụ như giáo dục và y tế cũng tăng. Nhưng đó chỉ là 1 điểm sáng le lói.

Hàng tiêu dùng là ngành cảm nhận rõ rệt nhất làn sóng giảm phát. “Cảm giác như mọi người không còn muốn chi tiêu nhiều cho quần áo như trước đây”, Chen Yubing, quản lý của công ty may mặc Jiayao Textile ở Chiết Giang nhận xét.

Chen cho biết mức độ cạnh tranh hiện khốc liệt hơn rất nhiều và nhiều nhà máy đang phải hạ giá để có thể bán được hàng, cuối cùng tạo ra 1 vòng luẩn quẩn. Kể từ đầu năm đến nay, công ty của Chen đã phải hạ giá bán 5% mặc dù chi phí sản xuất tăng gần 5%.

Giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc: Sức mua quá yếu, nhiều doanh nghiệp phải giảm mạnh giá bán để có thể sống sót - Ảnh 3.

Nhà máy dệt của Chen Yubing. Ảnh: Bloomberg.

Một số chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm xuống trong vài tháng nữa trước khi bật tăng vào cuối năm nay, khi nhu cầu nội địa phục hồi.

Lạm phát thấp khiến lãi suất thực (tức đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng lên, từ đó đẩy tăng chi phí đi vay của các doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù điều này làm tăng khả năng NHTW sẽ bổ sung thêm các biện pháp kích thích kinh tế, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại buộc PBOC phải thận trọng. Đó là đồng nhân dân tệ giảm giá và mức nợ leo thang.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên