Giảm thuế VAT xuống 8%, người tiêu dùng hưởng lợi thế nào?
Khảo sát thị trường những ngày đầu năm, các doanh nghiệp đã đồng loạt áp dụng mức thuế giá trị gia tăng mới và thông báo đến khách hàng, người tiêu dùng.
- 07-02-2022Giảm thuế VAT xuống 8%: Ai được lợi?
- 05-02-2022Nhà đầu tư BOT phải giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc
- 28-01-2022Thuế VAT giảm xuống 8% từ ngày 1-2, ngân sách giảm thu hơn 49.000 tỉ đồng
Hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8% từ đầu tháng này và kéo dài đến hết năm 2022 theo Nghị định 15.
Khi mua hàng tại một hệ thống siêu thị này với hóa đơn trị giá khoảng 800.000 đồng, khách hàng được giảm khoảng 20.000 đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Điều này có được nhờ Nghị định 15 năm 2022 của Chính phủ, tác động đến toàn thị trường hàng hóa.
"Đây là việc kích thích cho mọi người mua hàng và cả tôi nữa. Được giảm giá tôi sẽ mua nhiều hơn", chị Trần Thị Oanh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.
"Hôm nay tôi mua hàng với hóa đơn hơn 300.000, được giảm khoảng 10.000 thuế giá trị gia tăng. Khoản tiền này tuy không quá lớn, nhưng trong mùa dịch này mình cảm thấy ý nghĩa với người lao động", anh Nguyễn Tuấn Anh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.
Các doanh nghiệp đã đồng loạt áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Hệ thống siêu thị này cho biết, các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hóa thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.
"Cứ 10 khách hàng vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế 8% của Chính phủ. Thông qua việc giảm thuế VAT, doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng hiệu quả tài chính, vẫn có thể kích cầu tiêu thụ. Như vậy, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này", bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc điều hành siêu thị Big C & Go Thăng Long, cho hay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến khi thực hiện chính sách giảm thuế giá trị giá tăng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong năm 2022 khoảng 50.000 tỷ đồng.
"Thuế giá trị gia tăng hiện nay là sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc giảm thuế 10% xuống 8% sẽ tiết kiệm được cho người tiêu dùng. Tiết kiệm được 50.000 tỷ đồng nhưng không phải để đấy, mà sẽ tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nhận định.
Đây là lần đầu tiên thuế giá trị gia tăng được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu: Thứ nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ hai phía là sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Thứ hai là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
VTV.VN