Gian nan vất vả đằng sau ánh hào quang của các võ sĩ Sumo - môn võ được kính trọng bậc nhất tại Nhật Bản
Bất chấp sự xuất hiện và phát triển của bóng chày, bóng đá và bóng rổ, thì Sumo vẫn chưa bao giờ suy giảm sức hút trong con mắt của người dân Nhật Bản.
- 26-08-2018Đổ máu vào Chung kết, võ sĩ Việt vẫn lỡ HCV đáng tiếc
- 02-08-2018Chiếc đồng hồ trị giá 18 triệu USD của võ sĩ quyền anh hay nhất mọi thời đại - Floyd Mayweather: Quá mức xa xỉ và lộng lẫy
- 09-12-2017Thế giới "u ám" của võ sĩ sumo tại Nhật: Không lương, không điện thoại, không bạn gái
Thể thao của người Nhật ngày càng phát triển. Họ sở hữu một nền bóng đá mạnh nhất nhì châu Á, những đội bóng chày có tiếng tăm trên thế giới.
Tuy nhiên, môn thể thao được yêu thích và tôn trọng nhất xứ sở Mặt trời mọc lại có phần truyền thống hơn. Đó chính là bộ môn đấu vật Sumo.
Truyền thống được tôn trọng nhất nước Nhật
Những trận đấu Sumo chuyên nghiệp đầu tiên từng diễn ra như một hình thức dự đoán xem vụ mùa có bội thu hay không, hoặc để quyên tiền cho các đền thờ. Trải qua một thời gian dài, môn võ này dần trở thành môn thể thao quốc gia của nước Nhật.
Sumo gắn kết chặt chẽ với tôn giáo Shinto (Thần đạo) đề cao sự trong sạch và thanh tẩy, cũng chính là tôn giáo góp phần quan trọng để định hình cho văn hóa Nhật Bản ngày nay. Bởi thế mà Sumo rất được người Nhật coi trọng, và các võ sĩ cũng cũng có được sự kính nể trong xã hội.
Một trận đấu Sumo diễn ra như thế nào?
Các võ sĩ Sumo được phân chia thành 6 cấp độ khác nhau, tùy theo năng lực thi đấu và thành tích. Trong đó cấp bậc cao nhất là Yokozuna – được công nhận bởi hiệp hội Sumo Nhật Bản. Trong suốt lịch sử 1500 năm của Sumo, chỉ có duy nhất 67 võ sĩ đạt đến cấp độ này.
Luật chơi của sumo thì khá đơn giản. Hai võ sĩ chiến đấu với nhau trên một võ đài, người nào ngã ra khỏi vòng tròn quy định hoặc chạm bất cứ phần cơ thể nào xuống đất sẽ là kẻ thua cuộc.
Xuyên suốt trận đấu, hai bên không được phép đấm, đá, tấn công vào mắt và hạ bộ, mà chỉ được đẩy, húc và ngáng chân. Trận đấu thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 phút, nhưng với nhịp độ rất cao và vô cùng căng thẳng.
Mỗi năm có 6 giải đấu sumo chính kéo dài khoảng 15 ngày được tổ chức tại Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka. Việc theo dõi những giải đấu này đã trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần phổ biến tại Nhật Bản, vì thế vé thường được bán hết từ rất sớm.
Và cuộc sống phía sau ánh hào quang
Đằng sau những trận đấu căng thẳng trên võ đài, các võ sĩ Sumo phải trải qua một quy trình tập luyện và ăn uống hết sức nghiêm khắc.
Đầu tiên, các trường đào tạo võ sĩ chỉ nhận những thanh niên từ 15 đến 23 tuổi, với chiều cao từ 1,67m và cân nặng tối thiểu là 67kg. Bởi Sumo là một môn võ truyền thống rất được người Nhật trân trọng, vì thế các võ sĩ cũng cần phải đến từ những gia đình nề nếp, gia giáo và có trình độ văn hóa.
Những người được chọn sẽ chung sống trong một khu huấn luyện, phải tuân theo những luật lệ nghiêm ngặt trong việc ăn uống, tập luyện và ngay cả quần áo hàng ngày.
Cân nặng là một yếu tố vô cùng quan trọng vì vậy họ phải sinh hoạt theo một chế độ đặc biệt giúp tăng trọng tối đa, nhằm phát huy sức mạnh trong mỗi cuộc thi đấu.
Các võ sĩ Sumo ăn cực kỳ nhiều, và điều này dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe của họ
Tuổi thọ trung bình của một võ sĩ Sumo chỉ vào khoảng 55 năm, tức là ít hơn so với người Nhật bình thường khoảng 20 năm. Nguyên nhân có lẽ nằm trong chế độ ăn uống hàng ngày quá nhiều chất đạm. Họ thường xuyên phải ăn một loại súp đặc biệt, có thành phần từ thịt hoặc cá, đậu phụ, rau, mì, gạo và đường. Bữa ăn nhẹ giữa ngày của họ có thể lên đến 100 cuộn sushi. Nhiều võ sĩ còn uống rất nhiều bia.
Chế độ ăn với lượng lớn protein và chất béo này rất khác so với thói quen ăn uống tinh tế và lành mạnh của người dân Nhật Bản. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch tuổi thọ lớn như trên.
Mặt khác, để tăng cân, võ sĩ Sumo phải vô cùng chú ý tới chế độ ngủ nghỉ. Họ ăn muộn vào ban ngày và ngủ rất nhiều sau mỗi bữa ăn. Đây chắc chắn không phải một lối sống tốt cho sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Chính vì lý do này, các võ sĩ Sumo thường tích một lượng mỡ rất lớn dưới da. Tuy đây không phải loại mỡ gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các nhà khoa học tin rằng nếu họ không cố gắng giảm cân từ sau tuổi 30, lượng chất béo này sẽ dẫn đến những nguy cơ cao về tiểu đường, bệnh tim, và những mối nguy hại cho sức khỏe khác.
Một góc tối khác trong những khu huấn luyện Sumo là đối với các võ sĩ trẻ với cấp bậc thấp: họ là những người chịu nhiều vất vả nhất. Họ phải dậy sớm trước tất cả mọi người để dọn dẹp, chuẩn bị bữa sáng và chỉ được ăn sau những võ sĩ có thứ hạng cao hơn.
Sau khi tập luyện, họ cũng là những người phải tắm sau cùng, và điều tương tự cũng diễn ra trong bữa tối. Những người này thường xuyên phải chịu hình phạt đòn roi và thể chất. Điều này diễn ra phổ biến trong văn hóa Sumo, bởi người ta tin rằng nó giúp các võ sĩ trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, một khi đã trở thành một võ sĩ giỏi, những người này có thể kiếm được hàng triệu yên mỗi tháng và trở thành thần tượng của rất nhiều người.
Sumo hiện đại
Ngày nay, Sumo ngày một trở nên phổ biến và mở rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng các võ sĩ Sumo nước ngoài đang có chiều hướng tăng và các danh hiệu cao quý cho võ sĩ cũng không còn giới hạn trong phạm vi nước Nhật nữa.
Điều này cũng chứng tỏ môn thể thao truyền thống của đất nước Mặt trời mọc chưa khi nào mất đi sức hấp dẫn, bất chấp sự cạnh tranh của các môn thể thao du nhập từ nước ngoài.
Tham khảo: The Culture Trip
Helino