Giao dịch "diệu kỳ" của Vinalines: Bỏ túi hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán cắt lỗ công ty con giá 1.200 đồng/cp
Khi VST là công ty con, Vinalines phải chịu toàn bộ khoản lỗ lũy kế cả ngàn tỷ của công ty này khi lập BCTC hợp nhất. Nhưng khi VST chỉ còn là công ty liên kết, Vinalines dự kiến chỉ phải "gánh" tối đa số tiền mà Tổng Công ty đầu tư vào VST, tương đương 299 tỷ đồng.
Mới đây, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – (Vinalines) vừa hoàn tất chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart). Đây là số cổ phần được bán đấu giá thành công tại HNX với giá 1.200 đồng/cp. Phần lớn số cổ phần này được công đoàn của Vitranschart mua lại.
Động thái trên đưa tỷ lệ sở hữu của Vinalines tại Vitranschart giảm mạnh từ 58% xuống 48,99% - đồng nghĩa với việc Vitranschart từ công ty con trở thành công ty liên kết của Vinalines. Sự thay đổi "nhỏ" này lại có ý nghĩa "lớn" đối tình hình tài chính của Vinalines khi không còn phải "cõng" khoản lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng của Vitranschart.
"Phép màu" từ việc giảm tỷ lệ sở hữu
Cụ thể, khi VST là công ty con, Vinalines phải chịu toàn bộ khoản lỗ lũy kế cả ngàn tỷ của công ty này khi lập BCTC hợp nhất. Với việc vốn chủ sở hữu của VST tại thời điểm 30/9/2018 là -861 tỷ đồng trên vốn điều lệ 610 tỷ đồng thì với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 58%, tổng cộng Vinalines đã phải gánh lỗ 853 tỷ đồng trên kết quả kinh doanh hợp nhất của mình.
Nhưng khi VST chỉ còn là công ty liên kết, Vinalines dự kiến chỉ phải "gánh" tối đa số tiền mà Tổng Công ty đầu tư vào VST, tương đương 299 tỷ đồng (tương ứng mệnh giá của gần 30 triệu cổ phiếu còn lại). Đồng thời, việc VST có tiếp tục lỗ thêm cũng không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Vinalines.
Khoản chênh lệch giữa 2 con số đạt hơn 550 tỷ đồng sẽ là khoản thu nhập bất thường ghi nhận vào kết quả kinh doanh của Vinalines. Do giao dịch giảm tỷ lệ sở hữu hoàn tất vào ngày 28/12 nên khoản lợi nhuận trên nhiều khả năng sẽ được ghi nhận ngay vào niên độ tài chính 2018.
Tính đến cuối tháng 9/2018, vốn chủ VST âm 861 tỷ, trong đó vốn góp chủ sở hữu đạt 610 tỷ đồng.
Thực tế, "kỳ tích" này không hề mới mẻ với Vinalines, khi nhiều năm trở lại đây, với một loạt động thái tái cơ cấu nhằm chuẩn bị cho cổ phần hóa, tình hình tài chính của Vinalines đã có nhiều chuyển biến khả quan hơn.
Đơn cử trong năm 2015, Vinalines đã bán bớt 2% cổ phần tại Nosco, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 49%. Theo đó, Vinalines chỉ còn chịu khoản lỗ hơn 100 tỷ từ đơn vị này, thay vì phải "ôm trọn" 3.000 tỷ lỗ lũy kế lúc bấy giờ của Nosco.
Không chỉ giảm tỷ lệ sở hữu, việc một số công ty con của Vinalines được giải quyết thủ tục phá sản cũng giúp Vinalines được hoàn nhập rất nhiều trong những năm trước khi mà các công ty này đều lỗ vượt xa vốn điều lệ.
Tính đến cuối tháng 9/2018, Vinalines ghi nhận tổng tài sản đạt 8.745 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 10.693 tỷ với 20 công ty con và 26 công ty liên kết, trong đó hầu hết các đơn vị trực thuộc Vinalines đều kinh doanh không mấy thuận lợi. Kết quả là, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, khoản lỗ lũy kế Vinalines ghi nhận lên đến 3.435 tỷ, tổng nợ vay gần 10.563 tỷ đồng.
VST lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ tính đến cuối tháng 9/2018
Về phần VST, đơn vị vừa được Vinalines bán ra lượng vốn nhỏ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu về dưới 50% vốn, Công ty liên tục thua lỗ từ năm 2012 đến nay.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần VST đạt 408,4 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, chi phí tài chính tăng mạnh do gánh nặng lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đột biến do phải trích lập dự phòng khiến VST thua lỗ 182 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, đẩy tổng lỗ lũy kế lên đến 1.485 tỷ đồng.
Về dư nợ, tính đến hết quý 3, VST còn ghi nhận nợ phải trả 2.228 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 120 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 1.258 tỷ đồng. Danh sách các ngân hàng chủ nợ VST có ACB hơn 445 tỷ đồng, có BIDV chi nhánh Hải Phòng hơn 291 tỷ đồng, có Ngân hàng Bảo Việt hơn 282 tỷ đồng, Vietcombank chi nhánh Tp.HCM hơn 107 tỷ đồng…
Tính đến cuối tháng 9/2018.
Trí Thức Trẻ