Giáo sư Đại học Harvard: Trung Quốc chỉ là "gã khổng lồ" với đôi chân đất sét?
Một điều không thể phủ nhận đó là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn và là một quốc gia với rất nhiều điểm mạnh, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn đọng không ít điểm yếu.
- 12-04-2019Tân Chủ tịch WB cảnh báo Trung Quốc "có quá nhiều nợ trên thế giới"
- 12-04-2019Sau Trung Quốc, đến lượt Nhật Bản sẵn sàng cho cuộc đụng độ thương mại với ông Trump
- 11-04-2019Đây là cách giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc 'ăn theo' ảnh chụp hố đen vũ trụ đầu tiên
*Bài viết thể hiện quan điểm của Joseph S. Nye, Jr. Ông là giáo sư tại Đại học Harvard và tác giả của cuốn "Is the American Century Over?" và cuốn sách sắp xuất bản "Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang đón nhận một chuỗi những thành tựu đáng chú ý. Trung Quốc đã phóng một con tàu vũ trụ lên vùng tối của mặt trăng, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông và gần đây nhất là động thái "lôi kéo" Ý phá vỡ những quy tắc vốn có với liên minh EU để tham gia ký kết biên bản ghi nhớ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong khi đó, vị thế đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến sức mạnh mềm và tầm ảnh hưởng của Mỹ suy giảm.
Những thành tựu về kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua là cực kỳ ấn tượng. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại chính của hơn 100 quốc gia, trong khi đó con số của Mỹ chỉ là khoảng một nửa. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại, nhưng tỷ lệ tăng trưởng chính thức hàng năm là 6% - cao gấp đôi so với Mỹ. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua quy mô của Mỹ trong thập kỷ tới. Có thể trường hợp đó sẽ xảy ra. Dẫu vậy, cũng không thể loại trừ khả năng ông Tập chỉ là "bàn chân đất sét".
Không ai biết tương lai của Trung Quốc sẽ ra sao và từ trước đến nay vẫn có những suy đoán sai lệch về sự sụp đổ hay đình trệ một cách có hệ thống. Trong khi đó, ông S.Nye không cho rằng hai khả năng trên có thể xảy ra, nhưng nhiều ý kiến vẫn thường phóng đại sự lớn mạnh của Trung Quốc. Phương Tây nhận thấy sự chia rẽ và phân cực trong các nền dân chủ của họ, còn Trung Quốc lại rất nỗ lực để che giấu những vấn đề mà họ không thể loại bỏ triệt để. Các nhà nghiên cứu về Trung Quốc đã chỉ ra những vấn đề lớn, dài hạn mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Thứ nhất, đó là hồ sơ nhân khẩu học bất lợi. Lực lượng lao động của Trung Quốc đạt con số cao nhất vào năm 2015 và đã dễ dàng nhận được những lợi ích từ đô thị hoá. Dân số Trung Quốc đang già đi và nước này đang đối mặt với tình trạng chi phí y tế tăng cao, dù trước đó không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế và khiến tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng hơn.
Thứ hai là, Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế. Năm 1978, cựu Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan chuyển đổi nền kinh tế tự cung tự cấp sang một mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vốn đã được Nhật Bản áp dụng thành công. Tuy nhiên, ngày nay, Trung Quốc đã không còn nằm trong khuôn khổ đó và hơn nữa là sự ưu tiên của chính phủ dành cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Ví dụ, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, đang tập trung theo dõi việc Trung Quốc không đưa ra sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân và bắt buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ - những điều này cho phép điều chỉnh "sân chơi" theo hướng có lợi cho mình. Theo đó, phía châu Âu cũng đã có quan điểm không hài lòng về vấn đề này. Ngoài ra, các chính sách sở hữu trí tuệ và quy định lỏng lẻo của Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng và không đem lại sự ủng hộ về mặt chính trị quốc tế vốn được các khoản đầu tư này mang lại. Ngoài ra, tỷ trọng đầu tư và hỗ trợ lớn của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện rõ ràng về việc phân bổ vốn kém hiệu quả.
Thứ ba, trong khi Trung Quốc gặt hái được những thành tựu khá dễ dàng từ những cuộc cải cách trong hơn 3 thập kỷ qua, thì việc đưa ra những thay đổi ở thời điểm hiện tại lại khó khăn hơn nhiều: tiến đến một nền tư pháp độc lập, hợp lý hoá các doanh nghiệp nhà nước.
Điều trớ trêu, Trung Quốc lại là "nạn nhân" của chính sự phát triển của mình. Nền kinh tế đi lên một cách nhanh chóng đã thay đổi cả đất nước. Nhưng có thể rằng đây là điều mà Trung Quốc không cần. Những cải cách về cơ cấu có thể đưa Trung Quốc bước ra khỏi sự phục thuộc vào mức đầu tư công cao và các doanh nghiệp nhà nước. Trong 1 thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để đẩy mạnh sức hấp dẫn của mình đối với các quốc gia khác, nhưng nhiều cuộc khảo sát, nhiều ý kiến cho thấy rằng thực ra Trung Quốc không gặt hái được những thành tựu tốt đẹp từ các khoản đầu tư. Trong khi đó, cũng có những quan điểm hoài nghi rằng các số liệu kinh tế của Trung Quốc đã được "bóp méo" để phù hợp với mục tiêu của chính phủ.
Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là một quốc gia sở hữu rất nhiều điểm mạnh, nhưng vẫn còn tồn đọng khá nhiều điểm yếu. Chiến lược của Mỹ nên tránh phóng đại cả hai yếu tố này. Vị thế quan trọng của Trung Quốc sẽ ngày một tăng và mối quan hệ với Mỹ sẽ là vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Chúng ta không được quên một trong hai phần của mối quan hệ đó. Sẽ không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc có thể "vượt mặt" Mỹ về sức mạnh tổng hợp trong 1 hoặc 2 thập niên tới. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải học cách chia sẻ quyền lực khi Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn. Bằng cách duy trì các liên minh quốc tế và các thể chế trong nước, thì Mỹ sẽ có được nhiều lợi thế hơn so với Trung Quốc.