Giáo sư "quần đùi" Trương Nguyện Thành: Tạo điều kiện cho con thất bại để dạy con "kháng bại"
Nhiều phụ huynh luôn sợ con mình mắc lỗi, hay phạm sai lầm. Vì thế, họ thường lựa chọn cách thay con quyết định tất cả để con không phạm sai lầm. Những đứa trẻ lớn lên mà không trải qua bất cứ một thử thách nào, không tự bản thân nỗ lực để đạt được bất cứ điều gì khó có thể trở thành những người mạnh mẽ, cứng cỏi.
- 24-07-2018Lao nhanh như chớp về phía trước vì sợ bị bỏ lại phía sau? Buông ga, phanh chậm chuyến tàu tốc hành của bạn một tí đi nào!
- 24-07-2018Thay vì cố gắng chứng minh mình đúng, làm điều này sẽ giúp bạn giành chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận
- 24-07-2018Tỷ phú Ray Dalio: Mọi thành công của tôi đều đến từ những kinh nghiệm đau đớn nhất
Ở Việt Nam, phụ huynh thường có tâm lý bao bọc con cái hết sức. Họ luôn mong muốn con cái được an toàn và dành cho con những điều tốt nhất bằng cách vẽ sẵn một vòng tròn an toàn, dọn sẵn lối đi cho con ở mọi giai đoạn của cuộc đời. "Trải hoa hồng cho con lớn lên" là một sự bao bọc thái quá, điều đó lại vô tình có thể đem đến những điều tệ hại cho tương lai của trẻ.
Bàn về vấn đề này, Giáo sư Trương Nguyện Thành, nổi tiếng với biệt danh Giáo sư quần đùi đã thực hiện một video chia sẻ. Video được đăng tải trên fanpage của Giáo sư và được rất nhiều người đồng tình, chia sẻ.
Đa số các bậc phụ huynh luôn mong mỏi con cái học giỏi, đạt được nhiều thành tích. Phản ứng thường gặp ở các bậc cha mẹ Việt Nam khi con bị điểm kém là sự la mắng, trách con tại sao không giỏi như "con người ta". Giáo sư Trương Nguyện Thành cho cho biết, trái ngược với các vị phụ huynh khác, ông cảm thấy rất vui khi con trai ông thất bại tại trường học. Ông thậm chí còn tạo điều kiện để con thất bại tại trường học, bởi vì đó là cách tốt nhất để dạy cho con bài học "kháng bại".
Con trai của Giáo sư vốn học giỏi và rất tự tin rằng có thể hoàn thành chương trình Trung học phổ thông sớm hơn bình thường. Giáo sư Trương Nguyện Thành không tỏ ra quá tự hào vì thành tích học tập của con mà ngược lại, ông tìm cách để con trải qua những thất bại đầu đời.
"Con trai đã xin phép tôi để theo học chương trình Trung học phổ thông khá sáng tạo 50% trực tuyến và 50% ở trường. Cậu ta đã chứng minh trong 2 học kỳ có khả năng học xong lớp 10 và lớp 11 với hạng giỏi.
Với các phụ huynh khác, họ có thể rất tự hào, vui mừng vì con của mình học giỏi, tự tin. Nhưng tôi thì có chút lo lắng. Tôi nghĩ mình phải thiết kế làm sao để con trai học được bài học thất bại. Tôi quyết định cho con theo học chương trình phổ thông quốc tế IB. Trước đó, tôi nói chuyện với cô giám đốc của chương trình rằng tôi rất muốn con tôi thất bại và đề nghị cô giúp đỡ. Cô rất ngạc nhiên vì chưa từng thấy một phụ huynh nào đề nghị điều đó. Sau khi nghe tôi giải thích, cô giáo để đồng ý và sắp xếp con trai tôi vào những lớp có giảng viên rất khó, thậm chí còn "đì" con trai tôi cho bằng được", Giáo sư kể lại.
Sau kỳ học đầu tiên, con trai giáo sư bị 4 điểm C đầu tiên trong đời. Cậu con trai thất vọng, than phiền, khóc lóc với ba rằng lớp học không công bằng, chương trình lại quá khó và đòi chuyển trường bởi cô giáo yêu cầu cậu phải làm hoàn hảo bài tập trong khi dễ dãi với các bạn khác.
"Tất nhiên là tôi tỏ ra chia sẻ với con, giải thích cho con hiểu rằng tôi không buồn hay trách con vì chỉ đạt điểm C. Trái lại, điều tôi cho là quan trọng là cách con nỗ lực, vượt qua khó khăn để biến 4 điểm C đó thành 4 điểm A và biến trải nghiệm này thành kinh nghiệm trong cuộc sống", Giáo sư nói.
Kháng bại là khả năng đối diện với thất bại, khả năng học hỏi từ thất bại để làm lại, thực hiện mục tiêu cho bằng được. Trong cuộc sống, thất bại là chuyện bình thường. Nếu bạn không thất bại trong khía cạnh này, thì bạn thất bại trong khía cạnh khác. Không có ai hoàn hảo, có tất cả mọi thứ trong tay. Nhưng sau mỗi lần thất bại, bài học kinh nghiệm vượt qua thất bại mới là điều quan trọng.
Cũng giống như vắc-xin, những lần thất bại là thứ giúp bản thân mỗi người có thể tạo ra những "kháng thể" về tinh thần, thể chất tiêu diệt những cảm xúc tiêu cực, bồi đắp năng lượng tích cực. Khi vượt qua được những thất bại nhỏ, bản thân mỗi người sẽ có kinh nghiệm, trụ vững được trước những thử thách lớn hơn và khả năng phục hồi lại sau thất bại một cách nhanh chóng.
Điều Giáo sư Trương Nguyện Thành muốn truyền đạt là, khi con cái ở trong môi trường học đường, cha mẹ vẫn có khả năng kiểm soát mọi việc thì hãy để cho con trải nghiệm sự thất bại. Đừng quá lo lắng vì kết quả học tập của con quá tệ. Điều quan trọng là cách bạn định hướng, hướng con đến các giải pháp để con hành động và giải quyết vấn đề.
Sau lần "thất bại" đầu tiên ở trường đó, con trai ông đã hiểu ra mình cần phải làm gì và lên kế hoạch để đạt được mục tiêu. Cuối cùng, cậu đã ra trường với kết quả giỏi. "Điều quan trọng là con trai tôi nhận thức được thất bại là gì và học được cách vượt qua nó. Cậu ta nói đối với cậu ta, thất bại chỉ là bài học kinh nghiệm", Giáo sư chia sẻ.
Những thất bại đương nhiên khiến bạn không vui, nhưng điều quan trọng là bạn phải vượt qua cảm xúc không vui và thất vọng đó một cách nhanh chóng, lên kế hoạch để mình học tập tốt hơn, làm tốt hơn để đạt được mục tiêu.
Con trai của Giáo sư Trương Nguyện Thành đã trở thành một người chín chắn và vững vàng.
Thực tế, những đứa trẻ được bao bọc từ bé đến lớn sẽ không thể biết cách đối phó với những thất bại lúc trưởng thành. Khi gặp thử thách, nhiều người không thể vượt qua, thậm chí gục ngã đến mức không đứng dậy được.
Kỹ năng "kháng bại", chuẩn bị sẵn tinh thần và kinh nghiệm khi đối diện với những thất bại trong cuộc sống rất quan trọng nhưng lại thường bị các vị phụ huynh ở Việt Nam coi nhẹ. "Điều gì không giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn", những lần vượt qua thất bại sẽ giúp bạn trưởng thành và có kinh nghiệm hơn. Đó là lí do Giáo sư Trương Nguyện Thành đã cố gắng tạo điều kiện để con trai có thể trải nghiệm với thất bại, hướng dẫn con cách để đối diện và vượt qua thất bại.
Liên hệ đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, kết quả thi có nhiều vấn đề ở các tỉnh thành đã trở nên nhức nhối. Chưa rõ kết quả điều ra cuối cùng ra sao, nhưng rõ ràng, đó là một hồi chuông cảnh báo cho nền giáo dục Việt Nam, cảnh báo lối giáo dục "trải hoa hồng" cho con đi tới tương lai của các bậc phụ huynh.
Nếu muốn con trưởng thành, mạnh mẽ, hãy để con "nếm mùi" thất bại!