MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư Vũ Hà Văn: Nghiên cứu khoa học công nghệ là một nghề chuyên nghiệp, được trả lương

26-07-2023 - 20:04 PM | Kinh tế số

Chỉ khi coi nghiên cứu khoa học công nghệ là một nghề, các học viên, nghiên cứu sinh mới có đầy đủ động lực, tinh thần, quyền lợi và nghĩa vụ để nâng cao trình độ, mài dũa tư duy đổi mới sáng tạo.

Giáo sư Vũ Hà Văn: Nghiên cứu khoa học công nghệ là một nghề chuyên nghiệp, được trả lương - Ảnh 1.

Trong hai ngày 26/7 - 27/7/2023, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) tổ chức Hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động” tổng kết hành trình đồng hành thúc đẩy nghiên cứu khoa học Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 đại biểu. Trong 5 năm hoạt động, VINIF đã tài trợ trên 100 Dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học… với tổng kinh phí lên tới gần 800 tỷ đồng, góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học nước nhà.

Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường Đại học, Học viện thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Sau 5 năm, Quỹ đã mở rộng quy mô cả về chiều rộng và chiều sâu khi đồng thời triển khai 7 chương trình.

Đó là Dự án Khoa học KHCN; Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ; Hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu; Học bổng sau Tiến sĩ trong nước; Hội thảo và sự kiện; Bài giảng đại chúng và giáo sư thỉnh giảng và Lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử (VHLS).

Các chương trình có sự tham gia của Hội đồng khoa học với hơn 300 nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các chuyên gia chính sách, tài chính cùng đóng góp tư vấn và phản biện.

Đáng chú ý, chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ của VINIF đã góp phần quan trọng tạo ra một khởi đầu cho sự đổi mới trong tư duy theo học sau Đại học của cả ứng viên và cơ sở đào tạo.

Giáo sư Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF - Tập đoàn Vingroup) chia sẻ, chương trình này ra đời với mục tiêu thay đổi nhận thức của các bạn trẻ, rằng: Nghiên cứu khoa học công nghệ là một nghề chuyên nghiệp, được trả lương và chịu trách nhiệm với những cam kết của mình với công việc.

"Cách đây vài năm, khi tôi nói chuyện với anh Hoàng Minh Sơn - khi đó là hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, anh cho biết mặc dù Bách Khoa là trường có đầu vào sinh viên rất là tốt, nhưng rất ít sinh viên đăng ký học sau đại học. Đây là điều rất lạ, vì hầu như ở tất cả các trường lớn ở trên thế giới thì  chương trình sau đại học cũng lớn tương đương với chương trình cử nhân" - ông Vũ Hà Văn cho biết.

Lý do cho việc này, theo ông Văn, là nhiều người học chỉ nghĩ học để "lấy thêm cái bằng".

Việc học sau đại học là rất tốn kém nếu như không có học bổng. Người học sau đại học tại Việt Nam vẫn phải có một công việc nuôi sống họ hàng ngày, sau khi làm việc mới có thời gian học.

"Như vậy thì quá trình học rất mệt mỏi, và chất lượng không thể cao. Chúng tôi làm tiến sĩ ở nước ngoài thì trong vòng 4-5 năm chỉ có một việc là nghiên cứu thôi, không làm gì khác cả mới xong được. Ở Việt Nam, làm hai việc cùng một lúc thì quá trình phải kéo dài 20 năm mới chất lượng bằng, nhưng trên thực tế là cũng chỉ 4-5 năm, nên chiếc bằng tiến sĩ không đến đâu cả" - Giáo sư Vũ Hà Văn nói.

Với học bổng của VINIF, khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng, người học sau đại học có thể đảm bảo được cuộc sống cơ bản, để có thể đầu tư toàn bộ năng lực cho việc học. Chỉ khi coi nghiên cứu khoa học công nghệ là một nghề, các học viên, nghiên cứu sinh mới có đầy đủ động lực, tinh thần, quyền lợi và nghĩa vụ để nâng cao trình độ, mài dũa tư duy đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra một thế hệ các nhà khoa học trẻ tài năng đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà.

Chương trình còn tiếp thêm sự tự tin và quyết đoán của các trường, viện nghiên cứu trong việc đổi mới chương trình mới đào tạo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự giảng dạy để có thể đáp ứng nhu cầu học Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước ngày càng tăng, cả về số lượng và chất lượng.

Các cá nhân nhận được học bổng của Chương trình đều được các trường đại học, viện nghiên cứu đánh giá cao và vinh danh trên các trang thông tin của trường, viện. Ứng viên cảm thấy được công nhận vì những nỗ lực học hỏi của bản thân. Với nhiều ứng viên, học bổng hỗ trợ không chỉ về mặt vật chất mà còn về cả tinh thần và khuyến khích ứng viên theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ thực sự đã trở thành nguồn động viên lớn cho nhà trường; sự hỗ trợ của VINIF rất phù hợp với định hướng phát triển của các trường. Ngoài ra, học bổng còn là nguồn động lực lớn để các bạn trẻ phấn đấu và tập trung vào nghiên cứu khoa học trong nước khi có thể tạm gác những nỗi lo về kinh tế khi theo đuổi con đường khoa học.

VINIF tài trợ học bổng cho nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh không vì mục đích lợi nhuận, không vì mục đích sở hữu những thành tựu trí tuệ có được từ ứng dụng viên; tuy nhiên, VINIF yêu cầu sự cam kết và thực hiện cam kết của các ứng viên trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng công trình nghiên cứu, thể hiện qua nhiều mặt: bài báo công bố, tính mới và sáng tạo, các công trình sở hữu trí tuệ...

Sau khi nhận học bổng của VINIF, nhiều nhà khoa học trẻ đã xây dựng nên các công trình nghiên cứu cấp quốc gia, quốc tế và góp phần giải quyết những bài toán khó của xã hội. Thông qua những cam kết đó, mặt bằng chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ của các nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh tăng lên rõ ràng.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên