MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giàu có và thành công đến mấy mà để con cái hư hỏng thì cũng chẳng thể hạnh phúc, hãy ghi nhớ những cách dạy và kỷ luật con nhỏ đúng độ tuổi để không hối hận về sau

17-10-2018 - 23:59 PM | Sống

Một trong những khía cạnh khó khăn nhất trong việc nuôi dạy con cái là kỷ luật. Làm sao để giáo dục và kỷ luật trẻ đúng cách mà không làm con bị tổn thương và không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái?

Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta sử dụng phần thưởng và những món quà để trẻ trở nên ngoan ngoãn. Nhưng điều đó là không đủ! Trẻ em cần được kỷ luật phù hợp với lứa tuổi khi chúng mắc sai lầm. Tất nhiên, những đứa trẻ thường có xu hướng cảm thấy khó chịu và có thể nổi giận nếu hành vi xấu của chúng bị vạch trần. Đó là điều khó khăn của mỗi bậc cha mẹ khi muốn trẻ nhận thức giữa đúng và sai.

Trẻ cần phải nhận thức về đúng và sai ngay từ khi còn nhỏ. Kỷ luật đóng vai trò quan trọng và là là kim chỉ nam về lối sống, đạo đức và phẩm chất của trẻ khi chúng trưởng thành.

Kỷ luật không phải là một thước đo chung phù hợp với mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau cần có hình thức kỷ luật khác nhau. Đặc biệt, trong gia đình có nhiều hơn một đứa trẻ, người lớn phải linh hoạt, công bằng và nhất quán trong công tác giáo dục và kỉ luật. Đừng quên, yêu thương chính là chìa khóa để việc kỷ luật có hiệu quả mà không làm tổn thương tâm hồn trẻ. Việc kỷ luật quá khắc nghiệt sẽ không mang lại hiệu quả giáo dục cao khi đứa trẻ mất đi niềm tin và tình yêu với cha mẹ. Trẻ cần cảm thấy rằng chúng đang được đối xử công bằng. Kỷ luật phải đảm bảo không làm ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ - con cái và giữa những đứa trẻ với nhau.

Trẻ cũng sẽ học cách tôn trọng quyền lực khi kỷ luật được thực hiện công bằng và xuất phát từ tình yêu của cha mẹ. Nếu chúng không thể học cách tôn trọng quyền lực trong nhà, tương lai sẽ dễ dàng phạm những sai lầm nghiêm trọng.

Cha mẹ cần hiểu rằng, kỷ luật trẻ không có nghĩa là phải quá khắc nghiệt, la hét và la hét. Đặc biệt, không nên kỷ luật trẻ khi chính cha mẹ đang giận dữ, không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ. Bởi điều này sẽ dễ dàng dẫn đến hành vi bạo hành và lạm dụng khiến trẻ tổn thương tinh thần lẫn thể xác.

Là bậc làm cha mẹ, chúng ta cần phấn đấu để trở thành người có thẩm quyền kỷ luật con cái theo cách khoa học, giúp con được giáo dục và trưởng thành trong môi trường tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, việc kỷ luật còn giúp trẻ tăng khả năng độc lập, kích thích tiềm năng lãnh đạo ở trẻ khi chúng trưởng thành hơn. Trẻ sẽ tự hoàn thiện những kỹ năng xã hội, tự kiểm soát và tự lực phát triển cao hơn, và đây là những phẩm chất giúp trẻ có thể trở thành người lãnh đạo và đối tác sống lý tưởng trong tương lai.

Dưới đây là một số nguyên tắc chung cho việc nuôi dạy con cái có thẩm quyền đối với kỷ luật:

- Cố gắng giúp trẻ giữ bình tình, ổn định cảm xúc trong trường hợp chúng sợ hãi hoặc bực mình.

- Tôn trọng ý kiến ​​của trẻ, ngay cả khi chúng bày tỏ quan điểm khác với cha mẹ.

- Khuyến khích trẻ nói về cảm xúc của mình.

- Thiết lập các quy tắc cho trẻ và việc kỷ luật rõ ràng trước khi các quy tắc bị phá vỡ. Điều này nên được thực hiện một cách nhất quán. Có nghĩa là, nếu trẻ làm bẩn phòng ngủ và bị kỷ luật tự làm sạch phòng thì bất cứ khi nào chúng làm bẩn phòng đều phải bị kỷ luật giống nhau. Những hình thức kỉ luật không nên quá khắc nghiệt.

- Trò chuyện với trẻ sau khi chúng phá vỡ quy tắc, và phải chịu kỷ luật để giúp chúng vượt qua nỗi sợ hãi. Cuộc trò chuyện này được thực hiện với sự đồng cảm phần của phụ huynh.

- Cha mẹ cần thảo luận với con cái về những hậu quả của hành vi tốt và xấu của trẻ.

- Đưa ra những lời động viên chữa lành và yêu thương để bảo đảm cho trẻ rằng mặc dù chúng bị kỷ luật nhưng chúng vẫn được yêu rất nhiều.

Yếu tố quan trọng trong quy tắc kỷ luật là hậu quả. Kỷ luật được đưa ra để đứa trẻ hiểu rõ hậu quả về hành vi của chúng. Dưới đây là một số hướng dẫn cho cha mẹ về các phương pháp kỷ luật phù hợp với lứa tuổi.

Các phương pháp kỷ luật cần thay đổi linh hoạt theo độ tuổi của trẻ. Phương pháp kỷ luật đứa trẻ 2 tuổi có thể không còn hiệu quả khi chúng 7 tuổi. Phụ huynh phải nhận ra khi phương pháp kỷ luật không còn hiệu quả và cần sửa đổi.

Kỷ luật với trẻ sơ sinh

Những đứa trẻ sơ sinh vài tháng tuổi thường không cần áp dụng kỷ luật. Chúng chỉ đang bắt đầu tìm hiểu về thế giới và không nhận thức được hành vi tốt hay xấu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hành vi của trẻ sẽ không để lại hậu quả. Ví dụ, một đứa trẻ 9 tháng tuổi nghịch ngợm có thể bò qua ổ cắm, nắm dây sạc điện gây nguy hiểm.

Giàu có và thành công đến mấy mà để con cái hư hỏng thì cũng chẳng thể hạnh phúc, hãy ghi nhớ những cách dạy và kỷ luật con nhỏ đúng độ tuổi để không hối hận về sau - Ảnh 1.

Khi trẻ khóc quấy có thể áp dụng cách chuyển hướng sự chú ý, thay vì kỷ luật hay la hét trẻ.

Trong giai đoạn này, điều quan trọng là bậc cha mẹ cần tạo ra một môi trường an toàn để bé có thể khám phá thế giới một cách an toàn. Khi bé chạm vào những thứ không nên, bé cần được chuyển hướng chú ý đến vật khác. Hãy cung cấp cho bé thứ gì đó an toàn để thu hút sự chú ý của bé và chơi cùng. Mặc dù chưa nhận thức rõ ràng nhưng việc giảng dạy cho bé sự khác biệt giữa vật tốt và vật xấu là điều cần thiết, bé không nên chạm vào vật xấu. Sau đó loại bỏ vật phẩm gây nguy hiểm ra khỏi tầm nhìn và khả năng chạm vào của bé.

Ngay cả khi bé khóc quấy, chìa khóa với trẻ sơ sinh là tình yêu, sự thoải mái và chuyển hướng chú ý. Cho đến khi bé biết đi và có thói quen nhất định, công việc của cha mẹ là giữ cho bé tránh xa những tình huống và những thứ không an toàn.

Kỷ luật với trẻ mới biết đi (khoảng 1 đến 2 tuổi)

Việc chuyển hướng hành vi cũng hữu ích với những trẻ mới biết đi. Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể sửa chữa hành vi cho trẻ bằng lời nói đơn thuần. Khi chỉnh sửa bằng lời nói không thành công, thì cha mẹ cần thực hiện hành động. Có thể áp dụng cách kỷ luật tước bỏ đặc quyền của trẻ. Ví dụ, tịch thu đồ chơi hoặc trẻ sẽ không được ăn kem nếu làm sai điều gì đó.

Trẻ chắc chắn sẽ giận giữ và la hét. Nếu con bạn không trải qua cảm xúc giận dữ như vậy thì bạn may mắn hơn vì con bạn là đứa trẻ dễ dàng dạy bảo. Đối với những đứa trẻ không chấp nhận sự kỷ luật của cha mẹ, hãy kiên nhẫn, hít thở sâu và tìm sự bình tĩnh. Không nên tức giận la hét lại trẻ trong khi chúng đang giận dữ.

Đặc biệt, không nên tức giận với con trẻ khi đang ở nơi công cộng. Trong trường hợp này, cần thời gian yên tĩnh để trẻ bình tĩnh lại. Thời gian chờ đợi thông thường bằng số tuổi của trẻ (nếu trẻ là 3 tuổi thì cha mẹ cần chờ hết 3 phút). Sau đó, giành thời gian trò chuyện với con để chúng hiểu hậu quả về hành vi của mình và cam kết không tái phạm. Chìa khóa để kỷ luật trẻ mới biết đi là giúp con giữ bình tĩnh. Quan trọng là cha mẹ cần hiểu rõ tính cách của con. Khi giận giữ, nên để con ngồi một mình để chúng bình tĩnh hay ở bên cạnh để con biết rằng mình vẫn được yêu mặc dù bị kỷ luật.

Kỷ luật với trẻ mẫu giáo (khoảng 2 đến 3 tuổi)

Cha mẹ có thể bắt đầu nhận thấy rằng, phương pháp kỷ luật hiệu quả với đứa trẻ này nhưng không thể áp dụng với đứa trẻ khác. Nếu nhận thấy việc dành thời gian chờ đợi con bình tĩnh không còn tác dụng nữa thì cha mẹ có thể áp dụng cách lấy đi đồ chơi yêu thích. Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, trẻ cần hiểu gây ra hành vi sai trái thì chúng sẽ bị mất đi món đồ chơi yêu thích suốt cả ngày. 

Tuy nhiên, không nên đe dọa hoặc ném đồ chơi của con đi. Bởi vì đối với một đứa trẻ, đây là hành động quá khắc nghiệt. Chúng sẽ tổn thương và càng dễ trở nên kích động. Thay vào đó, chỉ nên cấm trẻ sử dụng món đồ chơi đó trong một khoảng thời gian thích hợp.

Giàu có và thành công đến mấy mà để con cái hư hỏng thì cũng chẳng thể hạnh phúc, hãy ghi nhớ những cách dạy và kỷ luật con nhỏ đúng độ tuổi để không hối hận về sau - Ảnh 2.

Trò chuyện với trẻ sau khi chúng phá vỡ quy tắc, và phải chịu kỷ luật để trẻ có thể nhận thức rõ ràng về hành vi và hậu quả.

Điều quan trọng ở giai đoạn này là phải giải thích kỹ hơn về hành vi và hậu quả cho trẻ hiểu rõ. Bạn cần giải thích cho con hiểu lý do tại sao bạn đang lấy đi đồ chơi yêu thích của con hoặc cho con thời gian suy nghĩ về hành vi là đúng hay sai. Tự nhận thức được sự sai trái sẽ giúp trẻ phát triển cảm giác hối hận và mong muốn sửa chữa hành vi của mình. Mục tiêu kỷ luật trẻ ở giai đoạn này không chỉ đơn giản là thay đổi hành vi mà còn là sự thay đổi về nhận thức, động cơ và cảm xúc.

Kỷ luật trẻ em ở độ tuổi đi học

Khi trẻ bước sang tuổi đi học, phương pháp kỷ luật giành thời gian để trẻ bình tĩnh và điều chỉnh thái độ, tâm trạng vẫn hữu ích. Loại bỏ hoặc hạn chế các đặc quyền cũng có hiệu quả đối với trẻ em ở độ tuổi đi học. Hiểu con của bạn và sở thích của chúng để phương pháp điều này có hiệu quả. Ví dụ, đứa trẻ của bạn thích đi xe đạp quanh khu phố sau giờ học. Nếu chúng gây ra rắc rối cần phải kỷ luật, bạn có thể hạn chế thời gian đi xe đạp sau giờ học của con trong một hoặc hai ngày. Hoặc có thể áp dụng phương pháp giới hạn trẻ tiếp xúc với công nghệ điện tử như TV, diện thoại, máy tính bảng...

Dù áp dụng phương pháp nào, hãy chắc chắn rằng con bạn hiểu lý do tại sao chúng bị kỷ luật và phải xử lý hậu quả về hành vi của mình. Ví dụ, khi trẻ nghịch ngợm vẽ lên tường nhà thì sẽ bị kỷ luật phải lau sạch tường, viết lời xin lỗi cha mẹ... Cần đảm bảo hình phạt của bạn không quá khắc nghiệt nhưng vẫn hiệu quả. Nếu đứa trẻ tin rằng bạn quá khắc nghiệt và nghiêm trọng trong các hình phạt, trẻ sẽ hình thành sự oán giận.

Nói chuyện với con ở độ tuổi đi học về những hình phạt mà chúng coi là công bằng hoặc không công bằng và đối với những vi phạm cụ thể. Cuộc trò chuyện mở này có thể giúp bạn phát triển các phương pháp kỷ luật công bằng và hiệu quả đối với con em mình. Đây cũng là cách để gia tăng tình cảm, cha mẹ và con cái thấu hiểu nhau hơn.

Kỷ luật khoa học và phù hợp với độ tuổi của trẻ là một phần của việc yêu thương và giáo dục. Nếu bạn yêu con mình, muốn con trưởng thành có tinh thần và tình cảm khỏe mạnh thì kỷ luật là một phần tất yếu của quá trình đó.

Nguyễn Nguyễn

Lifehack

Trở lên trên