'Gieo hạt' suốt hàng chục năm, Sony bắt đầu hái trái ngọt giữa đại dịch Covid-19: Từ TV, máy ảnh đến nhạc, phim đều đắt hàng, riêng PS5 không còn phải bán lỗ
19 khiến TV, máy ảnh Sony bán đắt như tôm tươi, riêng PS5 không còn phải bán lỗ.
- 28-07-2021Sony ra mắt máy ảnh Alpha ZV-E10: Nhiều tính năng thú vị cho Vlogger, giá 18,9 triệu đồng
- 27-07-2021Gần chục năm thua lỗ, Sony vụt hồi sinh nhờ biết 'trẻ hóa': Bán tất cả những thứ không phải cốt lõi kể cả thương hiệu Vaio, chỉ làm ra những sản phẩm khiến khách hàng phải 'wow'
- 20-07-2021Không kết thúc bi đát như LG, điện thoại Sony vẫn sống, thậm chí vừa báo lãi cả trăm triệu USD nhờ chọn lối đi riêng: Nói không với người tiêu dùng đại chúng, chỉ bán smartphone đắt tiền
Tuần trước, trong quý kết thúc vào ngày 30/6, lợi nhuận hoạt động của Sony đã tăng lên 280,1 tỷ yen (tương đương 2,57 tỷ USD), so với mức 221,7 tỷ yen đạt được cùng kỳ năm ngoái. Con số này tốt hơn so với dự đoán trung bình 207,96 tỷ yên từ 10 nhà phân tích do Refinitiv khảo sát.
Sony báo cáo kết quả kinh doanh khởi sắc khi chưa đầy 1 thập kỷ trước, tập đoàn này đang gặp nguy nan.
Đặc biệt, ban lãnh đạo Sony cũng tỏ ra tự tin vào kết quả kinh doanh trong tương lai và đưa ra các dự đoán tích cực. Cụ thể, Sony cũng điều chỉnh dự kiến lợi nhuận năm tài chính là 3%. Trước đó, mức dự đoán là thua lỗ 3%. Lợi nhuận dự kiến so với cùng kỳ năm trước của Sony vào tháng 3/2022 sẽ giảm 32%. Trước khi điều chỉnh, con số này là 36%.
Đây là kết quả kinh doanh khởi sắc đầy bất ngờ của Sony khi chưa đầy 1 thập kỷ trước, tập đoàn này đang gặp nguy nan. Khi Hirai đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm CEO vào tháng 4/2012 thì Sony đã trải qua 4 năm liên tiếp thua lỗ, thậm chí có lúc đạt lỗ ròng kỷ lục tới 456,6 tỷ yên (4,1 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại).
Để vực dậy công ty, Hirai bắt đầu vạch ra kế hoạch về bước tiếp theo tái cấu trúc Sony. Ông nhận ra rằng "Sony không có sứ mệnh, giá trị và tầm nhìn về việc công ty muốn trở thành gì". Mảng điện tử, game, phim, nhạc và những lĩnh vực khác của họ đều không liên kết và đi theo những hướng riêng. Ông đã cân nhắc cần thiết phải định nghĩa "tại sao chúng ta tồn tại và làm thế nào để tồn tại".
Tin rằng câu trả lời nằm ngay ở bên trong công ty, Hirai đã ghé thăm nhà máy của Sony và các trung tâm nghiên cứu, phát triển của họ trên khắp thế giới, lắng nghe mọi người nói. Ông cho rằng từ khi thành lập, tinh thần của Sony đã luôn xoay quanh từ "kando", nghĩa là "xúc động" trong tiếng Nhật.
"Tôi tin rằng có thể chỉ ra những gì các nhà sáng lập muốn đạt được, và đó là kando". Sony đã được thành lập với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm có thể khiến mọi người nói "wow" ngay khi đề cập đến.
Hirai giải thích sứ mệnh của Sony là trở thành "công ty tạo ra các sản phẩm thấm nhuần tư tưởng Kando".
Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện chính mình, tờ Nikkei nhận định rằng thời điểm này Sony đang dần tìm lại được ánh hào quang đã mất.
ĂN NÊN LÀM RA NHỜ ĐẠI DỊCH
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, Sony cũng được hưởng lợi nhiều khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu mua sắm máy chơi game PlayStation 5 (PS5), TV, máy ảnh, và tiêu thụ các nội dung nhạc và phim đều gia tăng.
Giám đốc tài chính Hiroki Totoki cho biết doanh số máy ảnh kỹ thuật số tăng mạnh ở mọi thị trường với xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm cao cấp.
Doanh số bán máy ảnh và máy quay phim đạt 116 tỷ yen (1,06 tỷ USD), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước sau khi mọi người "thức giấc ngủ đông" thời đại dịch. Thêm vào đó, tỷ giá hối đoái đang có lợi cho hoạt động kinh doanh của hãng.
Sony đã bắt đầu tái cơ cấu sản xuất nhắm đến người dùng chuyên nghiệp, tập trung vào sản xuất máy ảnh kỹ thuật số không gương lật ở tầm giá cao hơn. Dòng Alpha 1 với khả năng quay phim chất lượng 8K là một thành công lớn cho Sony. Điều này chứng minh hãng đã áp dụng thành công công nghệ cảm biến hình ảnh của mình vào phát triển thiết bị điện tử chất lượng cao.
Mảng giải trí của Sony cũng đang giữ đà phát triển. Doanh thu từ âm nhạc và anime tăng, đặc biệt là anime ăn khách Thanh gươm diệt quỷ. Nối tiếp thành công, phiên bản điện ảnh Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô hạn công chiếu hồi năm 2020 thu về hàng tỷ yen tiền bán vé.
Trong khi đó, doanh số mảng game thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích vào quý II vì nhu cầu do đại dịch giảm cũng như lợi nhuận từ phần mềm và nội dung mở rộng (add-on content).
Trong quý II/2021, doanh số mảng game của Sony ghi nhận mức tăng 2%, đạt 616 tỷ yen, thấp hơn con số dự đoán 45 tỷ yen. Lợi nhuận giảm 33%, xuống mức 83 tỷ yen.
KHÔNG CÒN PHẢI BÁN PS5 LỖ
Một điểm đáng chú ý trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh tuần trước là ông Totoki tiết lộ rằng dòng sản phẩm PlayStation 5 của công ty đã không còn phải bán lỗ nữa.
Mặc dù phiên bản PS5 có ổ đĩa đã không còn phải bán trong tình trạng lỗ (giá bán thấp hơn chi phí sản xuất). Tuy nhiên, phiên bản PS5 Digital Edition với giá 399 USD thì vẫn đang trong tình trạng phải bán lỗ. Và Sony phải bù đắp khoản lỗ này bằng doanh số các phụ kiện, cũng như máy PS4. Sony đã bán được 500.000 máy chơi game PS4 trong quý gần đây nhất, nâng doanh số trọn đời lên con số ấn tượng 116,4 triệu USD.
Sony đã mất nhiều năm để chấm dứt thua lỗ với sản phẩm PS3, nhưng công ty đã ngừng bán PS4 với mức lỗ khoảng sáu tháng sau khi ra mắt vào năm 2013. PS5 đã mất nhiều thời gian hơn một chút, nhưng rõ ràng sản phẩm này không lặp lại quá trình tốn kém của PS3 mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy Sony đang gặp khó khăn trong việc định giá PS5 do các bộ phận đắt tiền.
Chuyên gia phân tích Serkan Toto cho biết: "Trong tương lai, Sony sẽ bán từng chiếc PS5 sau khi chúng lên kệ chỉ vài giây. Do đó, thách thức không phải là nguồn cầu, mà là nguồn cung sao cho đáp ứng được. Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất game, do đó doanh số sẽ tiếp tục được thúc đẩy vào năm sau".
Trên thực tế, Sony từ nhiều năm nay đã sử dụng chiến thuật cao tay là Loss leader (Định giá lỗ để kéo khách hàng) với sản phẩm PS5.
Các công ty kinh doanh máy chơi game thường phải chịu tỉ suất lợi nhuận "mỏng như dao cạo" để đảm bảo tính cạnh tranh, cải thiện thị phần và thu hút người chơi mới. Khi các nhà phát triển thấy một nền tảng phổ biến, họ sẽ tham gia và tăng cường thêm tính đa dạng nội dung của nền tảng đó. Như vậy, giá bán là một yếu tố quyết định tới khả năng bành trướng của hệ console.
Nhưng kết luận sau cùng thì những công ty như Sony và Microsoft đều chẳng thế bán máy mà ra tiền được. Vì với chỉ 20-30 USD dư ra, không đủ bù cho khoản ngân sách marketing, vận chuyển, chiết khấu cho nhà bán lẻ... Chắc chắn họ đều chịu lỗ rất nhiều vì sản xuất phần cứng.
Phần cứng thường chỉ sinh lời khi đã ở nửa sau vòng đời, khi đã khấu hao đáng kể chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, các công ty sản xuất console chẳng hề mảy may quan tâm đến chuyện đó, bởi họ có thể bù đắp lại bằng phần mềm bán ra về sau. Mỗi đĩa trò chơi 60 USD (đối với hệ PS5 và Xbox Series X/S trở đi, một số game AAA tăng giá lên 70 USD) mới là cái đích lợi nhuận.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2020 cho đến hết tháng 6/2021, Sony đã bán tổng cộng 17,9 triệu máy PS5. Công ty đặt chỉ tiêu bán hơn 14,8 triệu máy trong năm tài chính 2021.
Chưa kể đến việc, Sony cũng đang thành công trong việc phát triển mảng game với sự ra đời cũng như cải thiện trong các dịch vụ theo hình thức đăng ký, chuyển dịch doanh thu ra khỏi phần cứng và phần mềm. Trong đại dịch, số lượng đăng ký PlayStation Plus ổn định ở mức trên 45 triệu người.
CFO Totoki khẳng định rằng lượng người dùng của Sony đang tăng đều, và mảng game đang trên đà phát triển lâu dài.
Dẫu vậy, vẫn còn một vài khó khăn phía trước. Bên cạnh thiếu hụt chip bán dẫn, Sony lo ngại làn sóng quay trở lại của Covid-19 ở một vài quốc gia Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh số thiết bị điện tử do đi lại bị hạn chế.
Nguồn: Tổng hợp
Doanh nghiệp và tiếp thị