MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa “cuồng phong” 4.0

Đón Tết Kỷ Hợi trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người Việt chúng ta ấp ủ bao khát vọng vươn lên mạnh mẽ với một tâm thế mới: đổi mới, sáng tạo và năng động hơn bao giờ hết

Trước hết, cần nhận thức đầy đủ những thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc đang và sẽ diễn ra để xác định đúng đắn những đặc trưng trong thời đại mới đầy biến động này và vị trí của đất nước, của dân tộc ta ở đâu trong sự phát triển như vũ bão.

Sức ép đổi mới, sáng tạo

nhân loại tiến vào thời đại 4.0 và bắt đầu một nền văn minh mới với những biến đổi sâu rộng nhanh chưa từng có trong quá khứ cũng như chưa thể lường hết tác động tới kinh tế, xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trung tâm là nền kinh tế số dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin, kết nối người dân với chính phủ, trường học, doanh nghiệp xuyên biên giới. Internet không chỉ kết nối giữa người với người và giữa máy với máy; người máy, trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) xuất hiện trên mọi lĩnh vực của cuộc sống; ôtô, tàu thủy, máy bay tự lái đã và sẽ nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống con người, qua đó cũng làm tăng thêm chênh lệch giàu - nghèo, thay đổi lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của các quốc gia, các dân tộc trên hành tinh này. Người máy làm việc 24/7 với năng suất cao hơn người lao động nhiều lần, không đòi hỏi nâng lương, không đình công, cũng không cần tới khâu "vận động tư tưởng" nữa! Với AI, bác sĩ vận dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, có thể nhớ hàng triệu bệnh án và phác đồ điều trị; luật sư điện tử có thể trả lời trong vài giây sự việc xảy ra liên quan đến những điều nào trong bộ luật nào; kinh tế gia có thể vẽ ngay các đồ thị về diễn biến thị trường và dự báo xu thế… Chỉ bác sĩ có kinh nghiệm mới tham khảo chẩn đoán của người máy để kết luận cho bệnh nhân, chỉ luật sư giỏi mới đề xuất giải pháp có nên kiện hay hòa giải và chỉ nhà kinh tế có kiến thức liên ngành mới kiến nghị được nên tìm kiếm thị trường mới hay cạnh tranh bằng giảm giá hoặc thay đổi mặt hàng...

 Giữa “cuồng phong” 4.0  - Ảnh 1.

Người máy và AI có thể trở thành "thiên thần" cho nền kinh tế, chắp cánh bay lên hay bị coi là "ác quỷ" đối với công nhân, tùy thuộc vào tâm thế và hành động của chính phủ và người lao động.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã dự báo 86% lao động trong dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm do ứng dụng người máy và các tập đoàn giảm sử dụng lao động giản đơn. Để tránh bị tác động tiêu cực như dự báo, chính phủ, Công đoàn và người lao động phải có giải pháp khắc phục.

 Giữa “cuồng phong” 4.0  - Ảnh 2.

Người lao động với kỹ năng giản đơn bị người máy thay thế sẽ phải học nghề mới, nâng cao trình độ để điều khiển người máy nếu không muốn trở thành lao động phục vụ người máy hay phải theo một nghề khác, đi làm xa hơn. Tâm thế người lao động phải thay đổi, thay vì tập trung đấu tranh với người sử dụng lao động để có lương cao hơn, công việc nhàn hạ hơn thì sự lựa chọn thích hợp là chấp nhận học nghề mới, kỹ năng mới, học tập suốt đời, chủ động đón nhận công nghệ mới, sáng tạo hơn.

 Nếp suy nghĩ suốt đời theo một nghề, ở một chỗ, học một lần tốt nghiệp là đủ sẽ không còn thích hợp nữa, người lao động cần rèn luyện ý chí và năng lực tiếp nhận kiến thức và kỹ năng mới, chấp nhận làm việc xa nhà, ở nước ngoài. Câu "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" chỉ có thể là biểu hiện lòng yêu quê nhà chứ không còn là phương châm hành động thích hợp đối với người lao động toàn cầu. Hoạt động Công đoàn cũng phải đổi mới; hệ thống giáo dục - đào tạo trong toàn xã hội phải thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới. Trường đại học điện tử cho phép sinh viên ở Việt Nam có thể theo học và nhận bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Thay đổi nhanh chưa từng có

làm việc tự do hay tự chủ qua mạng xuyên biên giới đang thay đổi mô thức làm việc của giới trẻ. Thay vì chạy chọt vào biên chế, ngày càng có nhiều bạn trẻ đã và đang lựa chọn phương thức của hình thức kinh tế tự do hay kinh tế tạm thời (gig economy), ký hợp đồng ngắn hạn qua mạng, cung ứng giải pháp phần mềm, phiên dịch, tư vấn. Ưu điểm của mô hình này là người lao động không phải đi đến nơi làm việc, tránh kẹt xe, ô nhiễm không khí khi phải đi đến nơi làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, có thể chủ động lịch làm việc, thậm chí có thể cùng một lúc làm được nhiều việc theo những hợp đồng khác nhau. Nơi ký hợp đồng cũng tiết kiệm được chi phí văn phòng và trả tiền công thấp hơn so với lao động dài hạn như trước đây. Không ít lao động có trình độ chuyên môn sinh sống ở Việt Nam hiện đang tham gia buôn bán chứng khoán ở Mỹ và thị trường chứng khoán toàn cầu, làm việc cho các công ty tư vấn hoặc phần mềm ở Pháp hay Nhật, được trả tiền qua ngân hàng điện tử.

Nhược điểm của hình thức này là thiếu sự ổn định, khi có nhiều hợp đồng phải làm việc ngày đêm, có lúc lại nhàn rỗi ngoài ý muốn và phải tự trả bảo hiểm xã hội. Việc thu thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp đang là một câu hỏi chưa được giải đáp khi Việt Nam chưa có khung pháp lý thích hợp cho nền kinh tế số như luật pháp về văn bản điện tử, chữ ký số, giao dịch và hợp đồng điện tử...

Cũng đã xuất hiện nhiều dạng mua bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như kinh tế chia sẻ (sharing economy) như cùng ngồi chung ôtô để đi làm, sử dụng tã lót hay đồ chơi trẻ em khi con cái đã lớn và không còn cần dùng nữa hay cho thuê phòng cho khách ở theo dạng homestay qua môi giới của Airbnb. Airbnb ra đời năm 2008, đến nay đã có mặt trên 190 nền kinh tế, 34.000 thành phố với số khách lên đến 60 triệu. Ở Việt Nam, theo thông tin của ngành du lịch, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TP HCM. Số phòng này tương đương với tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2-4 sao của TP HCM và đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Công nghệ in 3D đang thay đổi sâu sắc công nghiệp may mặc, da giày, xây dựng, thiết kế và mở ra những hy vọng mới cho y học. Thay vì sản xuất hàng loạt, công nghiệp may và da giày có khả năng vận dụng dữ liệu lớn, may đo cho từng khách hàng, đáp ứng hàng triệu hợp đồng khác nhau nhờ công nghệ in 3D, cung cấp số đo chính xác của từng khách hàng trên khắp hành tinh. Công nghệ in 3D cũng cho phép rút ngắn thời gian thiết kế và xây dựng nhà, cầu đường. Đặc biệt, công nghệ in 3D cho phép tạo ra những bộ phận của cơ thể con người theo đúng kích thước trong cơ thể, nhiều phòng thí nghiệm sinh học đã bắt đầu cấy mô để hy vọng hình thành một quả tim thứ hai, sẵn sàng thay thế quả tim đang đập trong lồng ngực khi cần thiết.

Ôtô điện tự lái, ôtô bay tự lái, tàu thủy và máy bay tự lái đã được sản xuất, chạy thử không còn là câu chuyện viễn tưởng xa vời.

Tốc độ thay đổi của khoa học - công nghệ nhanh chưa từng thấy. Nếu trước đây, điện thoại cố định phải mất 70 năm để có 100 triệu người dùng thì nay trò chơi Pokemon Go chỉ cần 3 tháng đã có hơn 100 triệu khách hàng. Trung bình cứ 6 tháng lại xuất hiện một mô hình điện thoại thông minh mới với nhiều tính năng và tiện ích hơn hẳn mô hình trước. Cuộc sống trở nên sôi động hơn, đòi hỏi phải luôn sáng tạo, đổi mới để không bị tụt hậu hay bị loại bỏ khỏi thị trường.

Nhìn lại Việt Nam

Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, thông minh, ham học, khéo tay nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn đạt trình độ cao.

Với tổng dân số hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, ứng dụng công nghệ số, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Khi đi vào cụ thể thì còn rất nhiều vướng mắc về hệ thống mạng chậm được nâng cấp, các phần mềm chưa tương thích và kết nối được với nhau, các kho dữ liệu chưa được kết nối...

Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về thương mại điện tử, kinh tế số, chính phủ điện tử và đang chuẩn bị có chương trình hành động về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là những nỗ lực rất đáng trân trọng.

Tuy vậy, Việt Nam đang bị tụt hậu về kinh tế số hóa và chính phủ điện tử so với khu vực. Theo xếp hạng Chỉ số Phát triển số hóa (Digital Evolution Index - DEI) của Trường Đại học Tufts (thuộc Đại học Harvard, Mỹ), Việt Nam đạt 2,19/5 điểm, xếp thứ 48 trên 60 nền kinh tế.

Cơ quan xếp hạng chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc (UNPAN) xếp hạng Việt Nam xếp thứ 89/193 nền kinh tế (2016), năm 2017 Việt Nam lên được 1 bậc, xếp thứ 88/193 nền kinh tế. Trong các nước ASEAN, xếp hạng của Việt Nam như biểu đồ bên trên.

Một số địa phương như TP HCM, Đà Nẵng đã đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng kinh tế số, song Việt Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa trong kỷ nguyên kinh tế số và công nghệ 4.0. Vì thế, xác định tâm thế và quyết tâm, có chương trình hành động hiệu quả là yêu cầu cấp bách để vượt lên rào cản và thách thức, nắm bắt cơ hội to lớn này.

Cuộc sống thời 4.0 đòi hỏi phải luôn sáng tạo, đổi mới để không bị tụt hậu hay bị loại bỏ khỏi thị trường.


Theo Lê Đăng Doanh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên