MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa lúc OPEC+ hứng chịu nhiều chỉ trích vì giảm sản lượng, Tổng thống UAE tới Nga để gặp ông Putin

11-10-2022 - 13:20 PM | Tài chính quốc tế

Giữa lúc OPEC+ hứng chịu nhiều chỉ trích vì giảm sản lượng, Tổng thống UAE tới Nga để gặp ông Putin

Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), một trong các nước đóng vai trò chủ chốt trong việc cắt giảm 2 triệu thùng dầu của OPEC+, sẽ tới Nga vào ngày 11/10 để gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Theo truyền thông Nhà nước của UAE, Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan sẽ gặp nhà lãnh đạo Nga để thảo luận về “quan hệ hữu nghị” của hai nước cùng các vấn đề khu vực và quốc tế mà cả bên cùng quan tâm.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo UAE thu hút sự chú ý đặc biệt bởi nó diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định giảm 2 triệu thùng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh. Quyết định này được đưa ra bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng của Mỹ và đã gặp phải sự chỉ trích của phương Tây.

Nga và UAE đều là thành viên của liên minh này.

Ngay sau quyết định giảm sản lượng của OPEC+, những sự chỉ trích của phương Tây tập trung vào Ả rập Xê út, một đồng minh năng lượng lâu năm của Mỹ. Thậm chí, Nhà Trắng còn cáo buộc Ả rập Xê út đứng về phía Nga khi giảm sản lượng. Ả rập Xê út bác bỏ cáo buộc này, cho rằng việc giảm sản lượng nhằm thúc đẩy tính bền vững của thị trường.

Về phần mình, Nga vừa ca ngợi quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng động thái này nằm trong nỗ lực “cân bằng, có tính toán và có kế hoạch của các nước giữ trọng trách trong OPEC”.

Thực tế, dù OPEC+ đạt đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu lên tới 2 triệu thùng nhưng con số thực tế chỉ có thể vào khoảng 1-1,1 triệu thùng, nhất là khi nhiều nước trong liên minh còn chưa khai thác đủ hạn ngạch mà họ được phân bổ. Đợt cắt giảm này sẽ chủ yếu do Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Kuwait thực hiện.

Dẫu vậy, quyết định này đã ngay lập tức đẩy giá dầu trên thị trường thế giới tăng lên hơn 90 USD/thùng. Nó cũng tạo ra áp lực với châu Âu vì quyết định quay lưng với dầu Nga khi mùa đông sắp tới. Còn về phía Mỹ, giá dầu cao sẽ tác động nặng nề tới Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, người đang muốn hạ giá nhằm giành sự ủng hộ của cử tri cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới, toàn bộ 435 ghế của Hạ viện và 35 trong số 100 ghế của Thượng viện sẽ được bầu lại. Người Dân chủ hiện đang là phe đa số ở cả lưỡng viện Mỹ. Tuy nhiên, tại Thượng viện, số Thượng nghị sĩ của người Dân chủ và Cộng hòa là bằng nhau nhưng phía đảng Dân chủ nắm quyền quyết định (trong trường hợp số phiếu là 50-50) vì có lá phiếu của Phó Tổng thống Mỹ, người đồng thời là Chủ tịch Thượng viện.

Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ có ý nghĩa quan trọng với phần còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden. Nếu người Dân chủ đánh mất quyền kiểm soát ở ít nhất 1 trong 2 viện, các chính sách mà Chính quyền ông Biden hậu thuẫn sẽ khó lòng trở thành hiện thực.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên