MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng

Xác định ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông là đi trước một bước trong phát triển kinh tế, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu.

Thiếu vật liệu, mặt bằng thi công

Các dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, các đơn vị thi công gặp khó khăn vì thiếu đất đắp nền.

Theo tính toán, để phục vụ thi công các dự án thành phần của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai, cần hơn 6 triệu m3 đất đắp nền.

Qua khảo sát, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3. Do đó, các đơn vị thi công đang thiếu hơn 4 triệu m3 đất đắp nền.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng- Ảnh 1.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang triển khai thi công (Ảnh: Duy Phương)

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp và đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030, trong đó dự kiến tiếp tục quy hoạch khoảng 89 vị trí khai thác khoáng sản.

Bên cạnh thiếu nguyên vật liệu, việc triển khai thi công 2 tuyến giao thông trọng điểm qua tỉnh Đồng Nai còn gặp khó khi công tác giải phóng mặt bằng quá “nhỏ giọt”.

Cụ thể, đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần phải thu hồi 65ha đất nhưng đến nay tỉnh mới bàn giao được hơn 4ha, đạt khoảng 6,2% khối lượng. Còn cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, tính đến tháng 2/2024 tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng mới chỉ được 7% cho dự án thành phần 1 và gần 20% diện tích mặt bằng dự án thành phần 2.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng- Ảnh 2.

Các đơn vị đang thi công cầu Suối Nhum trong dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (Ảnh: Lưu Sơn)

Ông Đinh Lê Thông, đại diện Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị, địa phương tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tốc độ kiểm đếm mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và xử lý một số nội dung khác.

Theo ông Thông: "Ở trên tuyến có phần hạ tầng kỹ thuật, có nhiều ảnh hưởng như đường điện 500 kV, đường điện 220 kV và một số đường hạ thế. Cũng có một số đường ống nước, đề nghị sớm triển khai để có mặt bằng sạch, bàn giao cho đơn vị thi công".

Chủ động nguồn vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công

Còn dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài khoảng 26,6km với điểm đầu tuyến là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Trong đó có 15,3km trùng với Mỹ Phước-Tân Vạn đã được Bình Dương đầu tư đưa vào sử dụng, đoạn còn lại gần 11km chưa xây dựng.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng- Ảnh 3.

Công nhân đang thi công cầu Bình Gởi trong gói xây lắp 4 của Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương (Ảnh: Thiên Lý)

Đoạn chưa xây dựng được chia thành 2 dự án: thành phần 5 (xây lắp) và thành phần 6 (giải phóng mặt bằng). Trong đó, dự án thành phần 5 được chia làm 4 gói thầu xây lắp và đang triển khai 3 gói, gói còn lại là nút giao Tân Vạn sẽ khởi công trong quý II/2024.

Để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương cần khoảng 492.000m3 đất lấp, cát đắp nền đường 700.212m3, đá xây dựng 777.619m3. Hiện các nhà thầu thi công đã chủ động đi khảo sát các mỏ vật liệu và cơ bản là đủ cung cấp cho các gói thầu.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bình Dương đã bàn giao 113ha/129ha đất cho đơn vị thi công, đạt 87,5%. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với các địa phương để giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho đơn vị thi công.

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: "Đến nay, đơn vị thi công đang thực hiện một số việc, cùng với địa phương tiếp cận để tiếp nhận mặt bằng. Sau khi có mặt bằng, các đơn vị sẽ tập trung nhân lực, vật lực, phân chia công việc để đẩy nhanh tiến độ, đồng bộ với tiến độ của toàn dự án. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cùng các nhà thầu cũng xây dựng tiến độ tăng ca, tăng kíp vượt khó khăn hiện nay về thời tiết, đảm bảo tiến độ chung".

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng- Ảnh 4.

Bình Dương đào đất để san lấp mặt bằng đường ở dự án đường Vành đai 3 TP.HCM (Ảnh: Thiên Lý)

Với dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu, nguồn vật liệu đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án. UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đồng ý cho liên doanh nhà thầu khai thác đất đắp tại khu vực xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức và đá tại Lô IIB xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, đã cấp phép khai thác hơn 27/47ha. Từ cuối năm 2023 đến nay, nhà thầu đã tiên hành khai thác và vận chuyển đất về công trường hơn 400.000 m3.

Đến cuối tháng 2/2024, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu, đoạn qua Bà Rịa- Vũng Tàu đạt 15% tiến độ. Hiện trên toàn tuyến các nhà thầu đang đồng loạt triển khai thi công với 51 mũi.

Anh Nguyễn Văn Dũng (quê Quảng Bình), công nhân Đội máy đào thi công tại khu vực cầu suối Nhum, thị xã Phú Mỹ cho biết, công nhân ở đây đang làm 3 ca- 4 kíp.

"Tôi đi ca từ 6h - 12h trưa, xong người khác đi từ 12h - 18h, tất cả công nhân ở đây đều như thế mới đẩy nhanh tiến độ được. Và toàn bộ máy móc, thiết bị đều hiện đại, điều hoà 24/24h nên công nhân đỡ mệt" - anh Dũng cho biết.

Hai dự án Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu mang tính kết nối vùng, góp phần quan trọng trong giải quyết bài toán ùn tắc, quá tải giao thông vùng Đông Nam bộ. Các tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo "cú hích" lớn cho sự phát triển chung của các tỉnh, thành. Do đó, lãnh đạo các địa phương đang chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai các phần việc để đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Theo Thiên Lý

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên