MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ nút thắt để SME tiếp cận được vốn, ngân hàng không bỏ lỡ khách hàng tiềm năng

Gỡ nút thắt để SME tiếp cận được vốn, ngân hàng không bỏ lỡ khách hàng tiềm năng

Việc các tổ chức tài chính đang thực hiện mô hình đánh giá truyền thống dựa trên các yếu tố chính như lịch sử giao dịch, doanh thu, lợi nhuận, lịch sử tín dụng… khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gặp khó trong việc tiếp cận vốn, và cũng khiến chính ngân hàng đánh mất cơ hội tăng trưởng đến từ phân khúc này.

Chính phủ thúc đẩy hỗ trợ nhưng SME vẫn “đói vốn”?

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động của nhiều yếu tố bất thường từ kinh tế thế giới, sức mua của thị trường suy giảm, thì các SME sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại Đại hội đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội diễn ra gần đây, các doanh nghiệp phản ánh, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện nhiều nỗ lực giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, tuy nhiên việc triển khai ở các ngân hàng vẫn còn rào cản.

Vấn đề khó tiếp cận vốn với SME ở Việt Nam không mới. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), chỉ có 25% SME tiếp cận được nguồn tài chính từ ngân hàng. Một khảo sát của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu năm 2022, tại Đông Nam Á thì có đến gần một nửa (48%) SME phải dựa vào bạn bè và gia đình để vay vốn.

Đánh giá về hoạt động tín dụng cho các SME, ông Võ Tấn Long – Tổng Giám đốc PWC Consulting Việt Nam, cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp SME (bao gồm cả micro SME cho đến các doanh nghiệp quy mô trên dưới 1.000 nhân viên) chưa được hưởng các dịch vụ ngân hàng ở mức độ đầy đủ như các khách hàng doanh nghiệp lớn, hoặc như phân phúc khách hàng bán lẻ. Các doanh nghiệp SME thường gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn, cả về vốn đầu tư cơ bản lẫn vốn hoạt động vì quy mô nhỏ và thường không chứng minh được tiềm lực và triển vọng của các dự án”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số các SME khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Trong khi đó tiêu chí để ngân hàng thẩm định và đánh giá phê duyệt khoản vay cho SME thường dựa vào quy mô nguồn vốn, quy mô nhân sự của doanh nghiệp, doanh thu hay lịch sử giao dịch tài chính và quan trọng vẫn là tài sản đảm bảo.

Trên thực tế hiện nay, những tiêu chí đánh giá cứng nhắc này có thể không còn phù hợp. Theo ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam: “Một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực phát triển ứng dụng công nghệ thông tin có quy mô khoảng 20 nhân viên nhưng có thể mang lại doanh thu 60 tỷ đồng một năm. Vì vậy, ngân hàng cần xây dựng các cách tiếp cận sáng tạo để cấp tín dụng cho các SME”.

Việc thiếu dữ liệu lịch sử giao dịch ngăn cản nhiều tổ chức tài chính cho các SME mới thành lập vay vốn, làm mất đi cơ hội phát triển cho SME và cả ngân hàng. Khi có đến 30% thế hệ thiên niên kỷ (Millennials) đang sở hữu một doanh nghiệp nhỏ hoặc một công việc tay trái. Họ là những người vừa tốt nghiệp đại học hay bắt đầu khởi nghiệp không thể tiếp cận các khoản vay nếu không có lịch sử tín dụng kinh doanh và chưa có thẻ tín dụng cá nhân.

Khảo sát SME toàn cầu của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) cho thấy, các ngân hàng vẫn là tổ chức tài chính đáng tin cậy nhất. Nhưng hơn một phần ba (34%) SME cho biết, họ sẵn sàng thay đổi bên cung cấp các khoản vay, điều này cho thấy sự không hài lòng với trải nghiệm ngân hàng hiện tại. Việc các SME tìm đến các fintech ngày càng nhiều hơn còn bởi ưu điểm công nghệ hiện đại, thủ tục phê duyệt và giải ngân nhanh, khoản vay linh hoạt, thời gian trả nợ ngắn…

Làm sao khơi thông dòng vốn cho SME?

Hiện nay, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khó có thể thực hiện các giải pháp theo hướng “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Mặt khác, phải chú trọng nhiều hơn vào các cách để tối ưu hóa, giảm chi phí phục vụ SME nhằm tăng lợi nhuận cũng khiến các ngân hàng không mặn mà, và SME không được ưu tiên như một phân khúc mục tiêu khả thi. Vì thế, lý do các ngân hàng e ngại cung cấp khoản vay cho SME chính là chi phí và rủi ro.

Trong khi đó công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn hiện nay có thể giúp ngân hàng cắt giảm hàng loạt chi phí như chi phí thu hút khách hàng mục tiêu (Acquisition ); chi phí bán sản phẩm (Onboarding); chi phí chấm điểm rủi ro tín dụng (Credit Risk Scoring); thủ tục giải ngân khoản vay (Loan Disbursement); dịch vụ khách hàng và thu hồi nợ (Customer Servicing và Collections)…

Theo đánh giá mới nhất của EY và Mambu chi phí cho một SME vay vốn của nhà cho vay truyền thống chiếm khoảng 100-300 USD, trong khi nhà cho vay kỹ thuật số sẽ cắt giảm được 85-95% chi phí này, và chỉ còn từ 5-35 USD.

Hiểu rõ rủi ro của khoản vay SME sẽ định giá chính xác các sản phẩm cho vay. Ngân hàng vẫn đang thực hiện các mô hình đánh giá truyền thống dựa trên các yếu tố chính như lịch sử giao dịch, doanh thu, lợi nhuận, lịch sử tín dụng, v.v… cho các SME đạt đủ tiêu chí.

Để các SME mới thành lập, hoặc chưa đủ điều kiện có thêm cơ hội vay, một phương cách có thể quản lý mức độ rủi ro cũng như chấm điểm tín dụng SME đó là ngân hàng có thể hợp tác với các công ty tư vấn.

Về việc hợp tác này, Tổng Giám đốc PwC Consulting lý giải thêm: “Về mặt thượng tầng, PwC làm việc với các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro thanh khoản, tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế. Về các năng lực phục vụ khách hàng, PwC đồng hành cùng các tổ chức tín dụng trên toàn bộ hành trình của khách hàng. Bắt đầu từ việc cùng các ngân hàng để mô hình hóa việc đánh giá tín dụng, qua đó giúp cho việc số hoá hoạt động phê duyệt tín dụng, cho tới việc đánh giá lựa chọn và quản lý việc triển khai các giải pháp khởi tạo khoản vay, các giải pháp cảnh báo sớm nợ xấu, thu hồi nợ”.

Hiện tại, nhiều hệ thống công nghệ tại ngân hàng truyền thống có yêu cầu cao về mức độ bảo trì và thường xuyên phải cập nhật sẽ làm phát sinh thêm chi phí, tăng thời gian khi tạo ra sản phẩm mới để tung ra thị trường và cản trở sự linh hoạt trong các sản phẩm hiện có. Do đó, ngân hàng khó cạnh tranh với các dịch vụ tài chính sử dụng công nghệ mới, nơi khách hàng được làm trung tâm và được gia tăng trải nghiệm.

Như vậy, khả năng tiếp cận dữ liệu chính là chìa khóa để phê duyệt nhiều khoản vay hơn với ít rủi ro hơn. Các ngân hàng cần tiếp cận công nghệ hiện đại để tham gia vào thị trường tín dụng SME đang phát triển và sôi động này.

Quảng Nguyên

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên