MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ vướng dự án metro số 1

04-08-2023 - 09:45 AM | Xã hội

Dự án tuyến metro số 1 dù hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc nhưng đang đứng trước bài toán nan giải liên quan thái độ của nhà thầu, theo chủ đầu tư

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1 kết nối Bến Thành với Suối Tiên) cho biết khó khăn lớn nhất mà dự án đang đối mặt là việc nhà thầu Hitachi từ chối thực hiện các công việc tại gói thầu số 3.

Chỉ một bên nỗ lực

Theo MAUR, các công việc quan trọng mà nhà thầu gói thầu số 3 này thiếu hợp tác gồm: đào tạo, bảo dưỡng và bảo trì, phối hợp với tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống... Ngoài ra, việc phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các nhà ga trên cao thuộc gói thầu số 2 cũng gặp khó khăn.

Dự án tuyến metro số 1 được khởi công từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Tuyến metro này dài 19,7 km, trong đó 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tuyến metro số 1 có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Khi tuyến metro này đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn hầm).

Gỡ vướng dự án metro số 1 - Ảnh 1.

Dù đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc nhưng tuyến metro số 1 vẫn chưa thể về đích sớm. Trong ảnh: Tàu metro số 1 tại depot Long Bình. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sau thời gian dài thi công, đến cuối năm 2022, TP HCM chính thức chạy thử nghiệm tàu metro với cự ly gần 9 km, từ depot Suối Tiên đến ga Bình Thái. Đến nay, toàn dự án đã hoàn thành 95,66% khối lượng công việc. Cụ thể, hạng mục CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,85% khối lượng. Hạng mục CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73% khối lượng. Hạng mục CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 97,54% khối lượng. Hạng mục CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 90,75%.

Dự án dự kiến kết thúc việc xây dựng và tiến hành chạy thử trên toàn tuyến vào quý IV/2023. Để đạt mục tiêu này, MAUR nỗ lực hoàn thành cơ bản việc thi công xây dựng phần hạ tầng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, MAUR cũng sẽ thực hiện các thủ tục đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng số 20 - hợp đồng tư vấn chung. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP HCM thực hiện các nội dung liên quan việc chuẩn bị vận hành, khai thác.

Gặp khó bởi nhà thầu và tư vấn

Tuy vậy, theo MAUR, một số trở ngại đang thách thức tiến độ dự án này. Theo đó, metro số 1 là một trong các dự án metro đầu tiên ở Việt Nam, phía Việt Nam hầu như chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai. Mọi việc từ lập dự án đến hoàn thiện hợp đồng, giám sát thi công đều do tư vấn Nhật Bản thực hiện. Về khâu thi công, các nhà thầu Nhật Bản đảm trách.

"Việc các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản liên tục lạm dụng các điểm vênh, chưa hoàn thiện trong hợp đồng để làm ảnh hưởng tiến độ là thái độ thực hiện dự án chưa đúng đắn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành" - đại diện MAUR nhận xét.

Liên quan vấn đề này, MAUR đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao đổi với Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) về việc đề nghị các tổng thầu EPC của dự án metro số 1 dốc toàn lực thực hiện những công việc còn lại để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. MAUR cũng kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục hỗ trợ tối đa các nhà thầu để việc thi công thuận lợi, đúng kế hoạch.

Chiều 1-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao JICA, ông Yamada Junichi. Phó Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ yêu cầu các đơn vị báo cáo tiến độ 7 dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản trước khi tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất giải pháp thúc đẩy thực hiện. Trong 7 dự án này có dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. 

7 dự án phải báo cáo tiến độ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và ông Yamada Junichi đã trao đổi về tình hình triển khai một số dự án ODA tại Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết vẫn thường xuyên nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ triển khai những dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản; khẳng định Chính phủ đang tích cực tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy các dự án này.

Bên cạnh tuyến metro số 1, 6 dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản khác cũng được Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ yêu cầu các đơn vị báo cáo tiến độ. Đó là khoản hỗ trợ 50 tỉ yen thực hiện Chương trình hỗ trợ ngân sách chung phục hồi và phát triển hậu COVID-19; dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2; dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2; dự án cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước tại TP HCM.

Theo Lê Vĩnh

Người Lao động

Trở lên trên