MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc kinh tế học: Nhà hàng buffet liên quan gì đến "khẩu vị rủi ro" của người tiêu dùng?

Nhà hàng buffet không thích người ăn nhiều, họ chỉ thích những người nghĩ mình có thể ăn nhiều mà thôi - điều này có thể được giải thích bằng lý thuyết kinh tế bảo hiểm.

Có lẽ các nhà hàng buffet đã không còn xa lạ với người Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Loại hình thì ngày càng đa dạng: buffet nướng, buffet lẩu, buffet dimsum, buffet hải sản, buffet pizza hay thậm chí là buffet...trà sữa.

Tại sao nhà hàng lại cho phép bạn trả một món tiền nhất định và ăn thỏa thích? Nghe thì có vẻ hời cho bạn, nhưng nếu nhà hàng không có lãi thì họ đã chẳng kinh doanh.

Câu chuyện "ăn thỏa thích" có thể được giải thích bằng lý thuyết về lựa chọn bất lợi (có thể gọi là lựa chọn trái ý hay lựa chọn đối nghịch - adverse selection). 

Vấn đề nằm ở chỗ, người mua và người bán có thông tin bất cân xứng. Ví dụ như ăn buffet, thông tin bất cân xứng là nhà hàng không thể biết ai có sức ăn nhiều khủng khiếp, và ai thì không. Điều đó có nghĩa là họ không thể sàng lọc những khách hàng "ăn nhiều" trước. 

Góc kinh tế học: Nhà hàng buffet liên quan gì đến khẩu vị rủi ro của người tiêu dùng? - Ảnh 1.

Điều đó cũng tương đồng trường hợp mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Các công ty bảo hiểm không thể quan sát được mức độ rủi ro của khách hàng, ai là người có tiềm năng bị bệnh và ai không, do đó mọi người đều bị tính phí như nhau. 

Những người sẽ mua bảo hiểm là những người có chi phí chăm sóc sức khỏe dự kiến ​​lớn nhất, và đặc biệt là những người mà chi phí chăm sóc sức khỏe của họ dự kiến là sẽ ​​vượt quá chi phí bảo hiểm. Bởi vì nếu nhìn chung mà khỏe mạnh thì người ta cũng không mua bảo hiểm y tế tự nguyện làm gì.

Góc kinh tế học: Nhà hàng buffet liên quan gì đến khẩu vị rủi ro của người tiêu dùng? - Ảnh 2.

Nếu tất cả những người mua bảo hiểm đều mắc bệnh, công ty bảo hiểm sẽ nhận toàn những khách hàng có chi phí điều trị rất tốn kém và họ sẽ phải tăng giá. Nếu tất cả những người ăn buffet đều ăn khỏe thì nhà hàng cũng sẽ lỗ nặng.

Vậy tại sao người ta vẫn kinh doanh bảo hiểm y tế tự nguyện, hay là buffet?

Điều đó phụ thuộc vào "khẩu vị rủi ro" của người tiêu dùng. Thông thường, đa số chung ta đều muốn được bảo hiểm trước các kết quả xấu. Những người càng ghét rủi ro thì càng có chi phí dự kiến thấp (đôi khi họ không yếu lắm nhưng vẫn mua bảo hiểm y tế, hoặc không ăn nhiều lắm nhưng vẫn gọi buffet). Họ là những người rất cẩn trọng, ít gặp rủi ro, rất có trách nhiệm và cũng rất khỏe mạnh. 

Việc lựa chọn ăn buffet hay gọi món cũng có phần phụ thuộc vào "khẩu vị rủi ro" của bạn. Những người nghĩ rằng họ có thể ăn nhiều (mặc dù thực tế có thể ngược lại) sẽ lo ngại rằng họ có thể sẽ mất nhiều tiền hơn nếu họ gọi món, thay vì ăn buffet, vì thế họ chọn mất một khoản tiền cố định lớn hơn, để có cảm giác yên tâm khi ăn.

Và nhà hàng sẽ lấy lợi nhuận từ những người nghĩ mình có thể ăn nhiều để bù vào phần của những người ăn nhiều đích thực. Họ sẽ đặt giá sao cho số lượng những người có thể ăn nhiều hơn giá trị thực của suất buffet phải nhỏ hơn số lượng người ăn dưới giá trị thực của suất buffet, để lấy số đông bù cho số ít.

Nhà hàng cũng sẽ có nhiều cách khác mà nếu để ý kỹ, bạn sẽ biết đó là lý do khiến bạn ăn dưới giá trị khi suất buffet: đẩy các món nhiều tinh bột lên trước (khoai chiên, bánh chiên), miễn phí đồ uống (hãy cảnh giác), sử dụng thìa hoặc đồ gắp lớn ở quầy đồ tinh bột và đồ gắp nhỏ ở quầy thịt và hải sản,...

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên