Góc kinh tế học: Tại sao tăng lương có thể khiến lao động "lười" hơn?
Câu hỏi trên có thể được giải đáp bởi lý thuyết cung lao động và có thể được sử dụng lý giải cho bài toán tiền lương của cả thị trường lao động nói chung.
- 23-10-2019Góc kinh tế học: Dân số già hóa có thực sự là gánh nặng cho nền kinh tế?
- 18-10-2019Góc kinh tế học: Tại sao không nên tăng giá nước đóng chai khi người dân bị ô nhiễm nguồn nước?
- 04-10-2019Góc kinh tế học: "Nghịch lý người tù" giải thích tại sao các tập đoàn trong thị trường độc quyền nhóm ít khi "cấu kết"
Nếu được tăng lương thì bạn làm việc nhiều hơn hay làm việc ít đi? Điều đó phụ thuộc khá nhiều vào xuất phát điểm trước khi tăng lương của bạn.
Khi tiền lương thay đổi, người lao động sẽ chịu tác động của hai hiệu ứng: hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng thay thế.
Chẳng hạn, khi tiền lương tăng lên, các điều kiện khác giữ nguyên, nghĩa là thu nhập thực tế của người này tăng. Khi trở nên giàu có hơn, anh ta sẽ có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa thông thường, đặc biệt là các hàng hóa cao cấp hay xa xỉ.
Nghỉ ngơi cũng có thể xem là một loại hàng hóa như vậy. Khi một người có thu nhập quá thấp, anh ta sẽ không muốn nghỉ ngơi nhiều (trừ khi đó là đòi hỏi có tính chất sinh lý của cơ thể) mà luôn muốn được làm việc để có thêm thu nhập cho mình và gia đình. Khi thu nhập cao hơn, không còn phải quá lo cho việc mưu sinh, người ta luôn muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Vì thế, khi tiền lương tăng lên, hiệu ứng thu nhập sẽ khiến người lao động muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Số giờ làm việc mà người này sẵn sàng cung ứng sẽ giảm.
Nhưng ngược lại, khi tiền lương tăng lên cũng có nghĩa là chi phí cơ hội của một giờ nghỉ ngơi cũng tăng lên. Việc nghỉ ngơi trở nên đắt đỏ hơn trước. Lúc này hiệu ứng thay thế sẽ khiến cho người lao động có xu hướng tham việc hơn vì mỗi giờ làm việc anh ta kiếm được nhiều hơn. Trong trường hợp này, lương tăng lại khiến lượng cung về lao động tăng.
Về mặt lý thuyết, hai hiệu ứng thu nhập và thay thế cùng phát huy tác dụng đồng thời khi tiền lương thay đổi. Việc hai hiệu ứng này tác động đến lượng cung lao động theo những chiều trái ngược nhau khiến cho người ta không thể kết luận được một cách chắc chắn rằng khi lương tăng thì lượng cung lao động tăng hay giảm.
Có ba khả năng xảy ra khi tiền lương tăng lên:
Khả năng thứ nhất, nếu hiệu ứng thay thế tỏ ra ảnh hưởng mạnh hơn đến các quyết định của người lao động thì cuối cùng, lượng cung lao động sẽ tăng.
Khả năng thứ hai, nếu hiệu ứng thay thế hoàn toàn triệt tiêu và cân bằng với hiệu ứng thu nhập thì lượng cung lao động sẽ không thay đổi.
Và khả năng thứ ba là nếu hiệu ứng thay thế tác động yếu, hiệu ứng thu nhập trở nên nổi trội hơn, người lao động sẽ có khuynh hướng nghỉ ngơi nhiều hơn. Lương tăng rốt cục khiến anh ta làm việc ít đi.
Quan sát thực nghiệm cho người ta thấy: khi mức lương xuất phát của người lao động là tương đối thấp, hiệu ứng thay thế thường trội hơn, do đó mức lương tăng lên kéo theo lượng cung lao động tăng.
Còn khi người lao động đã có mức lương tương đối cao, hiệu ứng thu nhập thường ảnh hưởng mạnh. Nếu mức lương tiếp tục tăng, người ta sẽ sẵn lòng làm việc ít hơn (mức lương giờ cao cho phép người ta không cần làm việc nhiều giờ như trước).
Một số yếu tố sau đây sẽ tác động đến khuynh hướng lao động của một cá nhân. Đầu tiên là sở thích, hay quan điểm cá nhân của người này về tầm quan trọng giữa thu nhập (tiền bạc) và nghỉ ngơi. Quan điểm khác nhau sẽ khiến hai hiệu ứng trên tác động lên mỗi người theo một cách khác nhau. Bởi vậy, tuy cùng đối diện với các mức lương như nhau, hai người khác nhau vẫn có thể có những lựa chọn làm việc và nghỉ ngơi khác nhau.
Thứ hai, khuynh hướng lao động phụ thuộc vào chi phí giáo dục và đào tạo... để hình thành khả năng làm việc của cá nhân. Nếu chi phí để tiếp cận công việc trong một lĩnh vực nào đó bị tăng lên thì sẽ có ít người có nhu cầu làm việc trong lĩnh vực đó hơn.