MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index nhiều khả năng vẫn trong xu thế điều chỉnh

Theo chuyên gia VNDirect, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý "Fomo" mua đuổi khi cổ phiếu được "kéo xanh mạnh" trong phiên. Thay vào đó nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

avatar1698145917052-16981459173851192196448.jpeg

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch 6-10/11 bằng một phiên chốt lời diện rộng, dù vậy so với đầu tuần, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 25 điểm lên 1.101,7, tương đương mức tăng 2.3%. Đà hồi phục tuần này của thị trường còn được ủng hộ bởi thanh khoản khi giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh gần 28% so với tuần trước, đạt 20.306 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm trừ đến từ giao dịch khối ngoại quay trở lại bán ròng, tập trung trên HOSE với giá trị trên mức 1.200 tỷ đồng

Dự báo kịch bản tuần giao dịch mới 13-17/11, hầu hết các chuyên gia đều nhận định nhịp điều chỉnh của thị trường là cần thiết trong bối cảnh vùng trống thông tin và tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự sẵn sàng. Khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giằng co, nhà đầu tư có thể tận dụng sự trồi sụt để giải ngân và cơ cấu danh mục. 

vnindex_ind (33).png

Xu hướng thị trường chưa thực sự rõ ràng, nhà đầu tư đã bắt đáy có thể cân nhắc bán ra trong vài phiên tới

Theo ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC, diễn biến nhịp hồi trong 2-3 tuần sau quá trình giảm điểm mạnh là không có gì bất thường về mặt kỹ thuật. Tính từ đỉnh năm 2023 cho đến đáy đợt sụt giảm vừa qua, VN-Index đã mất đến khoảng 20%, do đó nỗ lực phục hồi từ vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.020 đến 1.030 điểm là không bất ngờ.

Hiện tại bối cảnh thế giới có thể nói là rủi ro tạm lắng xuống trong ngắn hạn nhưng không phải quá tích cực, với những yếu tố tốt xấu vẫn đan xen. Điểm tốt là thị trường chứng khoán Mỹ vẫn phục hồi tương đối tốt nhưng các thị trường chứng khoán lớn khác toàn cầu có phần vẫn kém tích cực hơn. Các yếu tố được lưu tâm như diễn biến đồng Dollar hay lợi suất trái phiếu chính phủ đang xuất hiện rủi ro trở lại trước những động thái cứng rắn của Chủ tịch FED gần đây.

Trong nước, cũng không có nhiều thông tin mới quá nổi bật. Điểm sáng chính vẫn là lãi suất huy động tiếp tục giảm, tuy nhiên cũng sẽ không còn quá nhiều dư địa. Câu chuyện lãi suất giảm và chứng khoán trong nước bước vào sóng lớn như giai đoạn Covid là chưa có cơ sở. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đà phục hồi kinh tế cũng như thị trường chứng khoán phụ thuộc lớn vào các diễn biến của thị trường thế giới. Có thể nói thị trường nói khá nhiều về những câu chuyện cũ như chính sách tiền tệ nới lỏng, triển vọng nâng hạng & KRX… trong bối cảnh vùng trống thông tin lớn.

photo-1699769965221

Lãi suất huy động tiếp tục giảm – tuy nhiên chưa hẳn có thể là lực đẩy đủ mạnh nếu FED còn siết chặt tiền tệ

Về yếu tố dòng tiền, ông Huy cho rằng có lẽ khi thị trường giảm mạnh và tình hình thế giới nhiều cải thiện, cầu bắt đáy và mua lên mới quyết liệt. Đã hồi đến vùng hiện tại, áp lực bán nhiều khả năng sẽ gia tăng trở lại. "Ai bắt đáy cũng đã bắt đáy rồi, vào thị trường cũng đã vào rồi. Ai bán đoạn trước cũng đã bán rồi. Nhà đầu tư nào đã bắt đáy có thể cân nhắc bán vài phiên tới", ông Huy cho hay.

Theo vị Giám đốc DSC, vùng điểm 1.080-1.150 là vùng rộng có thể để hai bên mua và bán có thể ngã giá trong tuần tới, hoặc thậm chí trong cả tháng 11, trước khi có những yếu tố mới xuất hiện. Nếu Index vượt qua vùng 1.150 điểm thì xu hướng tăng mới trung hạn sẽ được xác nhận. Ngược lại nếu thủng 1.080 thì xác suất thị trường kiểm tra lại hoặc thủng đáy 1.020-1.030 điểm có thể xảy ra.

Giám đốc DSC cho rằng với một bối cảnh và xu hướng chưa rõ ràng, thị trường cũng không có quá nhiều điều để nói về luân chuyển ngành. Luân chuyển ngành hiện tại co gọn về đặt cược đà phục hồi của nền kinh tế với các trụ cột: Ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản, nguyên vật liệu, chứng khoán,… Mỗi khi thị trường giảm mạnh, các nhóm hầu như đều giảm và ngược lại, khi thị trường phục hồi sẽ đều phục hồi. Mức độ phục hồi sẽ tùy từng cổ phiếu nhưng theo một xu hướng chung.

Về động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại, ông Huy cho rằng thời gian quan khối ngoại cũng trading không kém nhà đầu tư cá nhân. Thực tế tỷ trọng giao dịch khối ngoại hiện cũng không chiếm con số lớn, là một thành phần tham gia thị trường với vai trò ngày càng ít quan trọng. Việc theo dõi động thái của khối ngoại đơn giản vì dòng tiền yếu và không có nhiều thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư có thể tham khảo nhưng không cần quá lưu tâm, ngoại trừ một số cổ phiếu có câu chuyện đặc biệt và chịu tác động lớn của khối ngoại. 

Góc nhìn chuyên gia: ránh FOMO mua đuổi giá xanh - Ảnh 3.

Thị trường chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, NĐT tránh FOMO mua đuổi giá xanh

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT nhận định thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý "Fomo" mua đuổi khi cổ phiếu được "kéo xanh mạnh" trong phiên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

Về xu hướng thị trường xa hơn từ nay tới cuối tháng 11, chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng thị trường vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được "dễ thở hơn" trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Đồng thời vào cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới Nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp Bất động sản.

Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, ông Hinh kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể được duy trì. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý khoảng 50-60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.

Có thể ưu tiên giải ngân nhóm cổ phiếu đầu ngành, có kỳ vọng KQKD khả quan trong quý 4/2023 và năm 2024.

Xét về điểm số, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco đánh giá VN-Index đóng cửa tuần ở ngưỡng 1.100 điểm, đây là vùng hỗ trợ/kháng cự về mặt tâm lý quan trọng và đã có tích lũy trong quá khứ. Bên cạnh đó, thanh khoản đang cải thiện trở lại khi thị trường có tín hiệu xác nhận tạo đáy ngắn hạn. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang hạ nhiệt, NHNN ngừng phát hành tín phiếu và lãi suất huy động của các NHTM tiếp tục giảm thấp, dòng tiền có thể quay trở lại kênh chứng khoán giúp thanh khoản giao dịch phục hồi và là tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Chuyên gia đến từ Agriseco Research cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết khi thị trường đã hồi phục 100 điểm từ vùng đáy ngắn hạn. Xu hướng tăng trước đó vẫn chưa bị phá vỡ, đồng thời thanh khoản cải thiện là những tín hiệu tích cực cho thị trường. Thị trường có thể tiếp tục nhịp phục hồi trong tuần sau, tuy nhiên, VN-Index cần thêm thời gian tích lũy trong các phiên đầu tuần trước khi tiếp tục hướng tới các mốc điểm số cao hơn.

Tuần vừa qua có nhiều thông tin tốt xấu đan xen tác động tới TTCK. Quốc hội đã thông qua các mục tiêu Kinh tế - Xã hội năm 2024, các mục tiêu đều cho thấy kỳ vọng của Chính phủ vào bối cảnh vĩ mô đã dần ổn định trở lại. Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định so với khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra sẽ gặp phải những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia vẫn ở mức cao và những bất định về địa chính trị có thể tác động đến Việt Nam khi chúng ta có nền kinh tế với độ mở cao.

Nhìn chung, ông Khoa cho rằng thị trường vẫn đang trong nhịp phục hồi và các yếu tố rủi ro như tỷ giá đã giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức thấp, kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp phục hồi sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, một số nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ và có thể thu hút dòng tiền như: Nhóm chứng khoán khi thị trường tiếp tục đà phục hồi với thanh khoản cải thiện; Nhóm xây dựng và vật liệu với kỳ vọng giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ghi nhận vào giai đoạn cuối năm, đồng thời giá thép cũng đang cho thấy xu hướng cải thiện hỗ trợ lợi nhuận của nhóm này; Nhóm các doanh nghiệp đầu nghành có mức chiết khấu sâu đưa định giá về mức hấp dẫn trong nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường.

Về hành động, ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua tại hỗ trợ và bán tại kháng cự với các nhóm đang thu hút dòng tiền như chứng khoán, xây dựng và khu công nghiệp. Nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng các nhịp rung lắc để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu tốt có mức chiết khấu sâu đưa định giá về mức hấp dẫn. Ưu tiên nhóm cổ phiếu đầu ngành, có kỳ vọng KQKD khả quan trong quý 4/2023 và xa hơn là năm 2024.

Phương Linh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên