MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn lạ về cuộc sống hàng ngày dọc biên giới Trung – Triều sau lệnh trừng phạt

28-09-2017 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Con sông dài và hẹp ngăn cách biên giới Trung Quốc – Triều Tiên cũng đánh dấu sự khác biệt lớn về lối sống, tốc độ phát triển hay cả những quy định.

Áp Lục, con sông nhỏ và dài là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Trải dọc con sông có nhiều khu vực được rào bằng dây kém gai, nhằm ngăn cách hoàn toàn hai quốc gia láng giềng. Về chính trị, những khác biệt cũng đang khiến Trung Quốc và Triều Tiên trở nên xa cách. Trung Quốc được coi là đồng minh duy nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, chính Trung Quốc cũng phải đồng ý với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về những sự thay đổi, phóng viên Chris Buckley của New York Times đã đi dọc dòng sông Áp Lục. Suốt hành trình từ Yanji tới Đan Đông, Buckley đã phần nào nhận thấy tác động của lệnh trừng phạt với cuộc sống đôi bờ Áp Lục.

Người dân và du khách dường như có những quan điểm trái ngược nhau về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho những biện pháp trừng phạt đang tác động lên họ, Triều Tiên hay Mỹ.

Ở Đan Đông, người Trung Quốc được phép bơi dọc bờ sông. Tuy nhiên, ở phía Triều Tiên, người ta chỉ được nghỉ ngơi ở trên bờ.

Một trong những người đàn ông đang chơi đùa cùng dòng nước Áp Lục cho biết ông rất tức giận về những động thái gần đây của Triều Tiên. “Nó cũng đe dọa cả Trung Quốc. Nếu một vụ thử hạt nhân khiến dãy núi Changbai rung lắc và khiến núi lửa phun trào, chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Toàn bộ vùng đông bắc có thể bị xóa sổ”, ông nói.

Không chỉ tác động tới Triều Tiên, các lệnh cấm vận còn khiến thương mại ở Đan Đông bị ảnh hưởng, thành phố biên giới có nhiều hoạt động giao thương với Triều Tiên. “Tôi ghét Mỹ. Tạo sao họ không để cho chúng tôi làm ăn”, một nhà buôn bức xúc.

Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu hải sản ở Hunchun, tỉnh gần biên giới với Nga và Triều Tiên. “Tôi chẳng thấy nó giúp ích gì. Họ sẽ sống thế nào nếu chúng ta chặn mọi thứ”, một nhà buôn nhận định về lệnh cấm vận.

Li Hongjie, một người về hưu sống tại Yanji, thì tỏ ra đặc biệt lo lắng với những gì mà chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ làm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những căng thẳng không làm nản lòng du khách Trung Quốc. Nhiều người vẫn tới thăm cây cầu nối liền hai bờ sông Áp Lục từng bị đánh sập trong Chiến tranh Liên Triều.

Du thuyền trên sông Áp Lục cũng là hình thức du lịch phổ biến. “Người Triều Tiên nghèo hơn chúng ta nhưng họ có một tâm hồn rất thuần khiết”, phóng viên Buckley tình cờ nghe thấy câu nói của một người cha với đứa con nhỏ.

Trên những con thuyền đi dọc sông Áp Lục, có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Một bên là khung cảnh đìu hiu, hoang vắng trái ngược hoàn toàn với một bên là những tòa cao ốc và những công trình kiên cố mọc lên san sát.

Tuy nhiên, có một điều chung là phần lớn người dân không lo lắng về chiến tranh nhưng lại tỏ ra quan ngại với việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân. “Nếu phóng xạ rò rỉ xuống sông Áp Lục, sức khỏe của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng”, một người về hưu lo lắng.

Linh Anh

NY Times

Trở lên trên