Góc nhìn: Khi Việt Nam xuất siêu mạnh và tăng trưởng GDP cao, ai mới thực sự mừng?
Nhìn vào đặc điểm khu vực FDI, ai mới thực sự là những người vui mừng với tăng trưởng GDP và xuất siêu của Việt Nam thời gian qua?
- 30-05-2020Bài toán tăng thu nhập cuả Hàn Quốc: Năm 1972 bằng Việt Nam hiện tại, 10 năm sau gấp 2, 20 năm nhân gấp 5, chúng ta làm gì để bắt kịp tốc độ chuyển đổi này?
- 30-05-2020Thủ tướng Lý Hiển Long đề xuất thiết lập cơ chế "làn xanh" với Việt Nam
- 29-05-2020Nhà đầu tư ngoại mạnh tay góp vốn, mua cổ phần ở những ngành nào của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm?
Hai điểm phụ thuộc lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,30 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỷ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 6,9%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,94 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thăng dư thương mại này là do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) mang lại, tính chung 5 tháng khu vực trong nước nhập siêu.
Số liệu của TCTK cho thấy khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu.
Năm 2010 khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD thì đến năm 2018 nhập siêu đã lên tới 25,5 tỷ USD. Trong khi đó khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2018 xuất siêu tới 32 tỷ USD, và theo số liệu của Tổng cục Thống kê luồng tiền chảy ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua chi trả sở hữu khoảng 18 tỷ USD.
Tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018.
Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. Nếu chỉ hời hợt nhìn vào con số tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu để cho là điểm nhấn là lạc quan “tếu”?
Con số xuất siêu có thể làm quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên nhưng rõ ràng không nhiều có ý nghĩa với người dân Việt Nam, mà có thể là tín hiệu vui với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam nhiều hơn.
Đáng chú ý là trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì 30% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu của TCTK, ước tính năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 24,2 tỷ USD; mới qua 9 tháng năm 2019 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã là 27,2 tỷ USD. Điều này đến từ cấu trúc của nền kinh tế, sản xuất của Việt Nam do chi phí đầu vào hầu hết sử dụng hàng nhập khẩu nên nếu không phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc thì cũng phụ thuộc vào nước khác.
Có thể nhận thấy 2 điểm rất rõ là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI và khu vực trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Bất cập chính sách ưu đãi?
Nhìn lại giai đoạn 2010 - 2018, sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài chủ yếu là làm gia công và phần thu được từ xuất khẩu của khu vực này chỉ là phần gia công, hàm lượng giá trị gia tăng cực kỳ thấp trong giá trị xuất khẩu.
Về bản chất xuất khẩu của khu vực này là xuất khẩu của nước chủ sở hữu mượn thị trường Việt Nam do có sự ưu đãi đặc biết sang những nước thứ ba khác. Nếu hàng hóa do khu vực đầu tư nước ngoài sản xuất nhưng bán tại Việt Nam thì thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam và lợi nhuận cao hơn khi họ sản xuất trong nước họ rồi xuất khẩu sang Việt Nam do họ nhận được nhiều ưu đãi và nhân công rẻ. Điều này phần nào được thể hiện qua đóng góp của khu vực FDI trong GDP tuy giá trị xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP thấp (chỉ khoảng 19%).
Dựa trên số liệu về chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài ước tính năm 2018 có thể chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng trên 20 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 10 tỷ USD cho việc trả nợ và hơn 10 tỷ USD là khối FDI chuyển tiền một cách hợp pháp ra nước ngoài và trung bình FDI nộp thuế khoảng 7,5 tỷ USD, trong đó thuế VAT về bản chất không phải tiền của khu vực FDI mà là tiền của người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực này.
Đấy là chưa tính đến chuyện các doanh nghiệp đưa sản phẩm ra và vào Việt Nam giá trị thế nào rất khó nắm bắt nên phần lợi nhuận thật có thể đã nằm ở nước ngoài mà Việt Nam không thể biết và không thể đánh thuế, phần thuế này có thể chính phủ có doanh nghiệp FDI được hưởng.
Một vấn đề đặt ra là ngoài việc khu vực FDI có trình độ quản lý tốt, nguồn vốn mạnh, các chính sách của Việt Nam làm lợi cho khu vực này quá nhiều, trong khi doanh nghiệp ngoài Quốc doanh trong nước không được những ưu đãi này.
Không thể hiểu người ta nghĩ gì khi miễn thuế cho các doanh nghiệp làm gia công (mà FDI cơ bản sản xuất gia công). Nếu doanh nghiệp nội cũng nhập loại hàng hóa đó để sản xuất bán trong nước thì phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT hàng nhập khẩu, nhưng những doanh nghiệp làm gia công lại được miễn thuế. Như vậy người ta dại gì không chỉ sản xuất gia công. Như vậy làm sao công nghiệp chế biến sản xuất sản phẩm phụ trợ có thể phát triển được.
Ngoài ra doanh nghiệp FDI còn được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại khu kinh tế được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm liên tục kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu”, rồi sau đó lại được ưu đãi tiếp “Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo”.
Cũng như ai cũng nói phải chú trọng nông nghiệp, nhưng sản xuất nông nghiệp và đầu vào của nông nghiệp như thuốc trừ sâu lại “được” hưởng chính sách không chịu thuế, tức là VAT đầu vào không được khấu trừ, trong khi xuất khẩu “hộ” lại “chịu” thuế suất bằng 0, tức là vừa không chịu thuế vừa được khấu trừ VAT đầu vào.
Tại sao doanh nghiệp nội khi bán sản phẩm trong nước không được ưu đãi về chính sách thuế mà chỉ doanh nghiệp FDI được hưởng? Người Việt Nam chịu khổ quen rồi nên tiếp tục chịu đựng sao?
Như vậy với chính sách ưu đãi về thuế như vậy là một trong những lý do cơ cấu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể vượt quá 8-9% GDP trong suốt 15 năm qua; sự chuyển đổi cơ cấu sở hữu trong GDP chỉ là sự chuyển đổi giữa hai khu vực được ưu đãi là doanh nghiệp Nhà nước và khu vực FDI. Nếu không có gì thay đổi hoặc chỉ thay đổi bằng lời nói thì trong nhiều năm tới khu vực kinh tế cá thể vẫn là chủ đạo (đóng góp trên 30% GDP) trong lúc khu vực FDI không được quản lý và ràng buộc chặt chẽ. Như vậy hội nhập CPTPP sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp FDI và nước khác mà thôi.
Bộ Chính trị cũng nhận ra những bất cập này nên Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó quy định về “tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030” rất phù hợp.
Nhưng quan trọng hơn cả là nghị quyết của Bộ Chính trị cần phải được luật hóa một cách chi tiết và toàn diện về chuyển giao công nghệ và bảo vệ môi trường.
Bizlive