MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói cho vay trả lương lãi suất 0%: Cân bằng sao giữa nhanh và trúng?

26-04-2020 - 22:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Sẽ không có sự hoàn hảo hay cân bằng tuyệt đối nào nhưng cơ quan quản lý cũng sẽ cần phải nỗ lực tối đa để gói cho vay trả lương lãi suất 0% vừa nhanh vừa trúng.

2 mét là khoảng cách tối thiểu để giữ an toàn trong mùa dịch. Bao nhiêu mét là khoảng cách chưa thể đo được trong độ dài đường dẫn truyền chính sách giữa các gói hỗ trợ đến doanh nghiệp, người dân?Ngày làm việc cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu kiến nghị về việc doanh nghiệp lo khó tiếp cận gói vay trả lương lãi suất 0%, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện nhanh, thuận lợi.

Trước đó, báo chí đã phản ánh các nội dung: Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về hồ sơ, thủ tục cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Theo nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, nếu yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khó khăn về tài chính sẽ mất nhiều thời gian, vì các cơ quan thuế, thanh tra phải kiểm tra mới xác minh được. Do đó, đề xuất các cơ quan chỉ cần căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc và tình hình doanh thu của công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ.

Gói cho vay trả lương lãi suất 0%: Cân bằng sao giữa nhanh và trúng? - Ảnh 1.

2 mét là khoảng cách tối thiểu để giữ an toàn trong mùa dịch. Bao nhiêu mét là khoảng cách chưa thể đo được trong độ dài đường dẫn truyền chính sách giữa các gói hỗ trợ đến doanh nghiệp, người dân?

Để nghiên cứu kiến nghị trên, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện nhanh, thuận lợi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải nỗ lực và bám sát thực tiễn hoạt động, cũng như "sức khỏe" của doanh nghiệp trong mùa dịch.

Sức khỏe ấy, đã được các cơ quan thống kê và dự báo sơ bộ, sẽ có khoảng 1/3 doanh nghiệp phá sản nếu không được hỗ trợ nhanh và dịch diễn ra kéo dài quá 3 tháng; sẽ có tới 2/3 doanh nghiệp sẽ không cầm cự nổi nếu dịch diễn biến kéo dài quá 6 tháng. Cùng với sinh mệnh của doanh nghiệp là sinh mệnh của hàng triệu lao động. Đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế đang giải quyết phần lớn công ăn việc làm cho một số lượng lớn thành phần lao động.

Nếu doanh nghiệp lâm nguy thì người lao động cũng sẽ khó thở. Tiếp sức cho doanh nghiệp đồng thời cũng là cấp máy "trợ thở" cho người lao động. Cùng với gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ cho vay doanh nghiệp chi trả lương lãi suất 0% (thuộc gói tài khóa 62.000 tỷ đồng) chính là 2 đại cỗ máy tăng oxy kép đến 2 đối tượng nền tảng của nền kinh tế.

Điểm cân bằng từ góc nhìn lợi ích xã hội và lợi ích nền kinh tế tại cùng 2 đối tượng cần được tiếp sức này là trùng khít nhau. Hay nói cách khác, hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ người lao động và ngược lại, chọn người dân, chọn tiếp sức cho những đối tượng đang bị yếu thế, tổn thương, chính là chọn để nền tảng của nền kinh tế được thực sự ổn định, có cơ hội tái khởi động, phục hồi, tăng trưởng.

Ở tiêu chí còn lại, đúng đối tượng, không để lạm dụng, trục lợi, thì cơ chế dẫn truyền chính sách mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao sẽ phải bao gồm các tiêu chí không làm khó doanh nghiệp nhưng phải chính xác, công khai, minh bạch. Việc xác nhận tình hình doanh thu và số người lao động của các doanh nghiệp bị thất nghiệp trong mấy tháng dịch, liệu có thể đảm bảo không bị lạm dụng nếu chỉ cho trên danh sách, số liệu doanh nghiệp cung cấp một chiều?

Trên thực tế, lo lắng này không phải khó hóa giải khi: Số lượng người lao động tại doanh nghiệp hoàn toàn có thể xác định trên các tháng trước dịch, và trên chi phí chi lương định kỳ của doanh nghiệp (được kê khai thuế và báo cáo tài chính của quý liền trước). Lưu ý rằng dịch bệnh diễn ra vào đúng mùa nghỉ lễ Tết và bùng phát ngay sau Tết, doanh nghiệp không thể tuyển dụng, tăng người lao động và tăng chi lương (không tính gồm thưởng) ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, ước tính sơ bộ (mắt thường thấy được), những ngành bị thiệt hại trực tiếp và số lượng lao động thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn tại doanh nghiệp trong 3 tháng qua, đã khá rõ như du lịch, hàng không, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản tiểu ngạch... và nhiều ngành khác. So sánh với mức doanh thu của cùng kỳ năm trước (không so với quý liền trước do đặc thù một số ngành sẽ tăng đột biến doanh thu vào mùa lễ Tết) là yếu tố phù hợp để xem xét đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp và có quyết định tiếp sức, cho vay sớm nhất có thể. Đó cũng là cơ sở để xác định ở mức độ ảnh hưởng nào, số lượng lao động bị thất nghiệp (bao gồm chính thức lẫn phi chính thức) ra sao, thì doanh nghiệp được vay gói lãi suất 0% phục vụ chi lương với hạn mức nào?.

Một lưu ý bên cạnh nhanh, trúng, còn là yêu cầu giám sát, quản lý, quy định hồi tố... đầy đủ, cụ thể để đảm bảo mục đích của gói hỗ trợ vay chi trả lương cho người lao động, phải thực sự đến được người lao động. Không để tiền đến được doanh nghiệp nhưng lại thiếu oxy được cho đối tượng thụ hưởng chính, cuối cùng.

Ngoài ra, vẫn cần nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Quá trình giãn cách xã hội và sự đình trệ trên mọi nền kinh tế thế giới cũng như mọi ngành, lĩnh vực ở Việt Nam mỗi ngày đều đẩy người lao động đến nấc thang mới của khó khăn. Chúng ta đã có những gói hỗ trợ ban hành đúng lúc, nhưng cơ chế truyền dẫn chưa thể thiết lập nhanh, thì nếu chậm một ngày, giá trị của các gói hỗ trợ càng xa vời với người lao động thêm một khoảng cách.


Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên