Golfer chuyên nghiệp số 1 Việt Nam – Trần Lê Duy Nhất: “Áp lực ở giải VPGA vì mọi người nghĩ, tôi chơi thì phải là người thắng”
“Trên TV, mọi người thấy các golfer chuyên nghiệp rất hào nhoáng. Thực ra chỉ có 50 người trên thế giới được như vậy. Còn tất cả đều phải hy sinh thời gian bên vợ con và chính gia đình họ cũng phải hy sinh rất nhiều” – golfer Trần Lê Duy Nhất chia sẻ.
- Thông tin anh có ý định giải nghệ khiến những người yêu mến golf Việt bất ngờ. Thực hư chuyện này là như thế nào?
- Nếu không tham gia các giải chuyên nghiệp và đánh golf full-time thì là giải nghệ. Tôi coi như mình đã giải nghệ rồi. Golf gắn bó với tôi từ rất lâu rồi nên vẫn luôn ở trong trái tim cũng như cuộc sống, còn rất khó để quay lại đánh chuyên nghiệp full-time.
Tôi sẽ vẫn chơi những giải của Hệ thống giải Golf chuyên nghiệp Việt Nam VPGA và có thể là một số giải của Asian Tour, nhưng chỉ đánh để tận hưởng thôi, không tập trung vào việc kiếm tiền hay quyết tâm vô địch.
- Vì sao anh lại đưa ra quyết định bất ngờ này?
- Tôi thấy nhiều golfer chuyên nghiệp bị mất đi khoảng thời gian đáng quý bên gia đình. Nhiều người bạn của tôi có con trong lúc họ đang chơi full-time. Sau này, dù họ cố gắng bù đắp những khoảng thời gian đã mất đó cho con nhưng có những thứ đã trôi qua, không thể lấy lại được. Tôi không muốn mình lặp lại như vậy.
Khi chưa lập gia đình, tôi có thể đi khoảng 30 – 35 tuần/ năm. Khi có vợ con, số đó bắt đầu giảm lại. Năm đầu tôi đi khoảng 15 – 20 tuần, năm ngoái giảm tiếp còn 10 tuần. Năm nay thì tôi đi có 3 tuần. Tôi thấy bản thân đi cũng nhiều lắm rồi, giờ chỉ muốn ở một chỗ thôi.
- Anh có tiếc không khi giải nghệ ở độ tuổi vàng của một golfer?
- Không. Tôi thấy việc không ở bên gia đình trong khoảng thời gian mà con mình lớn lên còn đáng tiếc hơn. Tháng 8 năm ngoái, tôi đánh giải ở Đài Loan và quyết định đó sẽ là giải cuối cùng. Khi đó tôi đánh cũng tốt, nằm trong top đầu nhưng bản thân thấy hơi vô nghĩa một chút. Tôi vẫn thích cảm giác thi đấu. Nhưng thi đấu xong còn nửa ngày kia về khách sạn không làm gì trong khi vợ ở nhà trong con một mình rất cực. Tôi thấy là mình tốn thời gian vô ích.
Tôi tự hỏi liệu rằng bản thân có còn thích thú nữa không và việc thích thú đó có đáng bằng việc mình xa nhà không. Thế rồi sau giải đấy, tôi nghỉ luôn.
- Bà xã chia sẻ với anh thế nào trước quyết định này?
- Vợ tôi luôn ủng hộ những gì tôi muốn làm. Mỗi lần tôi đi là vợ phải hy sinh hơn rất nhiều. Trước đây cũng đôi lần cô ấy đi theo để hỗ trợ tôi ở các giải đấu quốc tế nhưng hiện tại, chúng tôi đã có con nhỏ và cả hai đều muốn dành thời gian tối đa bên bé trong giai đoạn phát triển đầu đời này.
- Trước anh, golfer chuyên nghiệp Nguyễn Thái Dương cũng bất ngờ giải nghệ. Anh nghĩ sao trước quyết định của người bạn thân?
- Tôi biết tính cách của anh Thái Dương nên thấy không bất ngờ. Anh ấy ngoại giao rất giỏi nên tôi nghĩ anh ấy sẽ làm rất tốt công việc hiện tại. Đó là quyết định của riêng mang tính cá nhân. Có thể anh ấy thấy sức ảnh hưởng của bản thân sẽ làm cho môn golf tốt hơn với công việc mới nên chuyển qua một làn đường khác.
- Chứ không phải là do cả hai anh đều muốn dừng lại trong vinh quang sao?
- Thực ra việc dừng lại trong vinh quang hay không không quan trọng. Quan trọng là mình còn đam mê hay không. Giống như anh tiền vệ Nakata bên Nhật, đang ở đỉnh cao vào năm 29 tuổi nhưng thấy không còn đam mê nữa thì người ta dừng thôi.
Nếu còn đam mê thì ai cũng muốn đi tiếp, không có ai muốn dừng trong vinh quang đâu.
- Golfer Thái Dương giải nghệ để làm công chức nhà nước, còn anh thì sao?
- Tôi luôn muốn đóng góp công sức và đưa golf tới gần hơn với mọi người. Ngoài việc mở học viên đào tạo để cả thầy và trò có nơi để học tập, rèn luyện bài bản, tôi đang cố gắng đưa môn golf này đến với các trường học. Tôi sẽ chuẩn bị các dụng cụ có thể sử dụng được trên nền xi măng để giúp mọi người làm quen với golf. Sau khi có hết các dụng cụ đó, tôi sẽ đưa tới các trường phổ thông, đại học để học sinh được tiếp xúc với môn golf mà không tốn chi phí gì, không phải mua gậy hay bất cứ thứ gì cả.
Tôi thấy đây là cách duy nhất để đưa mọi người tới với môn golf. Còn nếu theo cách trước giờ là phải chuẩn bị đầy đủ các đồ và phải đóng một khoản tiền rất lớn thì rất khó để kiếm được thêm nhiều người đánh golf. Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục việc kinh doanh các dụng vụ chơi golf.
- Coi như bản thân đã giải nghệ, lý do gì khiến anh quyết định quay trở lại hai giải chuyên nghiệp là FLC Vietnam Masters và Lexus Challenges 2019 thời gian gần đây?
- Hai giải này của bên anh Thái Dương tổ chức. Tôi với anh Dương biết nhau và song hành trong suốt quãng đường golf của cả hai. Tôi luôn muốn ủng hộ những gì mà anh Dương làm và thực ra cũng thấy vui khi ở Việt Nam có được một sân chơi chuyên nghiệp cho mọi người.
- Khi tham gia các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, anh là cái tên đầu tiên được dự đoán sẽ vô địch. Những nhận định trước giải của giới mộ điệu có khiến anh cảm thấy áp lực không?
- Tất nhiên, đánh giải ở Việt Nam tôi luôn bị áp lực hơn. Tôi từng thi đấu nước ngoài nhiều nhưng bây giờ hầu như không đụng đến gậy golf. Trước các giải, tôi có tập nhưng độ nhạy bén thì không còn như trước. Như thế đương nhiên áp lực sẽ nhiều vì người ta cứ nghĩ rằng Duy Nhất chơi thì phải là người thắng.
Với giải FLC Hạ Long, tôi đánh để tận hưởng thôi chứ cũng không có hy vọng gì khác. Tới giải Lexus thì có một chút kỳ vọng vì mình đã thắng giải Hạ Long. Tuy nhiên, so với khả năng của bản thân, tôi thấy mình đánh không phải tốt lắm, thậm chí thấy tệ nữa nhưng vẫn về nhất. Tôi nghĩ tới thời điểm này cũng phải có 1 vài người có thể chiến thắng được mình rồi.
- Nói như vậy tức là khoảng cách giữa anh và những golf thủ Việt đang dần được thu hẹp?
- Tôi nghĩ rằng vẫn có một khoảng cách nhưng không xa như lúc tôi còn thi đấu thường xuyên. Tôi biết các anh em ở đây tập luyện rất nhiều và lúc nào cũng ra sân nhưng cũng không hiểu tại sao vẫn chưa có ai có thể đánh tốt hơn được.
- Bí quyết gì đã giúp anh duy trì phong độ trong suốt một thập kỷ đánh các giải golf lớn nhỏ trong khu vực?
- Tôi nghĩ đó là việc không đánh giá cao các giải quá. Khi đánh thì sẽ có giải lớn, giải nhỏ. Ví dụ có giải 300.000 đô nhưng ngay tuần sau đó có thể đánh giải 3 triệu đô. Mà việc này thì nói dễ hơn làm. Người ta đánh giải nhỏ thì thấy rất thoải mái còn giải lớn người ta muốn đánh tốt hơn, đặt nhiều hy vọng hơn thì đồng thời cũng gặp áp lực lớn hơn. Tốt nhất là đừng xem tới giá trị của giải đấu.
Các yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng tới người chơi golf nên mình phải thoải mái, gia đình phải hạnh phúc, vui vẻ, tài chính nói chung là thoải mái thì mới có thể tận hưởng và chơi tốt được.
- Việc "đơn phương độc mã" khi là golfer chuyên nghiệp duy nhất của Việt Nam thi đấu ở các giải quốc tế cho tới tận thời điểm này có khiến anh cảm thấy cô đơn?
- Không. Lúc trước đi du học rồi đánh giải thì cũng chỉ có một mình thôi. Golf thực ra cũng là môn luôn luôn một mình nên điều đấy cũng quen rồi.
- Trong số các đối thủ của mình thời gian gần đây, anh ấn tượng với ai nhất?
- Tất nhiên tôi vẫn ấn tượng với Park Sang-Ho. Sau lần thua ở ngoài Bắc, tôi đã nghĩ trong đầu là mình chỉ để cho cậu ấy thắng mình 1 lần thôi. Cái đó giống như tính cạnh tranh trong golf vậy.
- Còn giải đấu mà anh hài lòng nhất về bản thân thì sao?
- Đó là giải Ciputra ở bên Indonesia vào năm 2015. Giải đấy tôi cũng thắng trong play-off và play-off với một người bạn rất thân với mình là Lam Chih Bing (Golfer chuyên nghiệp người Singapore – PV). Anh ấy đánh golf chuyên chuyên nghiệp trước tôi cả 10 năm. Lúc trước, Chih Bing đánh rất tốt, lên được gần top 100 thế giới và từng đánh major ở British Open. Năm đấy, anh ấy đánh để xem có nên tiếp tục đánh golf nữa không.
Giải đấy anh ấy đánh rất tốt và tôi đánh chung với anh ấy vòng cuối. Cuối cùng, tôi lại thắng Chih Bing. Năm sau đấy thì anh ấy nghỉ luôn.
- Chiến thắng của anh khi đó lại khiến người bạn thân giải nghệ, anh có cảm thấy không trọn vẹn không?
- Không. Ít nhất là Chih Bing tìm được quyết định kết thúc và anh ấy biết tại sao mình dừng lại.
- Khi bắt đầu chơi chuyên nghiệp, anh đặt cho mình những mục tiêu gì và đã đạt được bao nhiêu % của những nguyện ước ban đầu đó?
- Tôi bắt đầu xác định theo con đường chuyên nghiệp năm 16 tuổi, sau 3 năm tiếp xúc với golf. 20 tuổi bắt đầu chơi golf chuyên nghiệp. Khi đó, tôi đặt ra một số mục tiêu nhưng rất tiếc là không thực hiện được những mong muốn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ví dụ như lúc 17, 18 tuổi thì mình nghĩ phải cố gắng để đến 24, 25 tuổi sẽ đánh được giải Japan Tour, tức là giải ở bên Nhật và cũng là một tour rất tốt ở Châu Á; hoặc là cố gắng đánh được ở bên Mỹ, PGA Tour chẳng hạn. Cả hai điều này tôi đều chưa làm được. Dù ý định thì vẫn luôn đau đáu nhưng hiện tại, cuộc sống đã rất khác. Hồi trước tôi làm full-time luôn mà còn không được, bây giờ làm còn ít hơn cả part-time thì chắc là khó có thể được. Hy vọng sau này, một golfer Việt Nam nào đó có thể thực hiện được điều này.
- Với kinh nghiệm gần 20 năm, anh nhận định độ tuổi nào là thời điểm vàng để bắt đầu chơi golf và tiến tới chuyên nghiệp?
- Tôi nghĩ khoảng 4 – 5 tuổi là có thể cho làm quen với golf nhưng trong thời gian đó nên cho trẻ chơi nhiều môn thể thao khác. Đến khoảng 14 tuổi là đã biết chơi môn nào tốt nhất thì tập trung vào môn đấy thôi.
- Sẽ mất tối thiểu bao nhiêu thời gian để một người chơi nghiệp dư lên tới chuyên nghiệp?
- Cái đấy cũng khó nói. Người nghiệp dư mà bắt đầu chơi vào năm 20 tuổi thì gần như không thể lên chuyên nghiệp được vì lúc đấy hơi quá trễ rồi. Những người bắt đầu chơi lúc 16, 17 tuổi thì vẫn còn cơ hội lên chuyên nghiệp nhưng cũng phải mất 10 – 15 năm rèn luyện, thi đấu, thật tập trung vào golf. Và càng lớn tuổi, mọi người càng có công việc, cuộc sống riêng chi phối.
Đánh golf tốn rất nhiều thời gian. Ở nước ngoài, đánh 1 round golf mất trung bình khoảng 3,5 tiếng còn ở Châu Á thì mất khoảng 5 tiếng vì người chơi ở đây đánh chậm hơn. Muốn lên chuyên nghiệp thì ngày nào cũng phải ra sân, tức là người chơi không thể đi làm, cũng không thể lo được gì cho cuộc sống cả. Nên những người bắt đầu đánh golf năm 20 tuổi muốn lên chuyên nghiệp thì vấn đề thời gian và cuộc sống sẽ không cho phép.
- Đó có phải là lý do khiến Việt Nam mình vẫn chưa có những golf thủ chuyên nghiệp không?
- Theo tôi, nguyên nhân là do các phong trào của chuyên gia và thiếu nhi còn quá ít. Nhưng thực ra rất khó để cho trẻ em tiếp cận với môn golf vì về vấn đề tài chính. Mới bắt đầu bố mẹ đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua giày, gậy, găng tay… mà cũng chưa chắc con mình có thích hay phù hợp không.
- Như vậy thì Việt Nam sẽ còn phải chờ rất lâu để có golfer thứ 2 tham gia các giải đấu chuyên nghiệp quốc tế nối gót anh phải không?
- Đối với các golf trẻ, tôi chỉ hy vọng là mọi người đừng nên chỉ chờ vào các giải ở Việt Nam mà thi đấu, thay vào đó nên tự mình tìm giải ở nước ngoài và đi thật nhiều. Vì cứ chờ giải ở Việt Nam thì chắc chắn không có tiến bộ. Tôi dám chắc là như vậy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Sống cùng đam mê
Xem tất cả >>- NTK váy cưới hàng đầu Việt Nam: 12 năm tâm huyết để biến “giấc mơ” của mọi cô dâu thành hiện thực, từng bước vươn mình ra thế giới
- “Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”
- Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn
- Cựu giảng viên Ngoại ngữ đứng sau chuỗi cafe chục tỷ Hầm Trú Ẩn: 6 tháng lỗ ròng để "trả học phí", lao đao suýt bỏ cuộc thì nhận cơ hội đắt giá
- Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè