Google sẽ mắt 20 sản phẩm AI mới, mời cả 2 nhà đồng sáng lập Google đã “ở ẩn” quay lại để đối phó với sự bùng nổ của ChatGPT
Khi sự cạnh tranh về sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) dần nóng lên giữa các công ty tại Thung lũng Silicon Valley, Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, đã quay lại với công việc viết code dù đang “ở ẩn”.
- 03-02-2023Google vừa lập 1 kỷ lục buồn lần thứ 2 trong lịch sử, khiến cổ phiếu công ty mẹ Alphabet lao dốc, nhà đầu tư lo lắng
- 02-02-2023Người dân cần lưu ý những điều gì nếu vẫn chưa đổi sang CCCD gắn chip?
- 02-02-2023OpenAI bắt đầu kiếm tiền từ ChatGPT, tung ra gói ChatGPT Plus giúp người trả phí được ưu tiên truy cập chatbot AI
Theo New York Times, cuối năm 2022, sau khi ChatGPT ra mắt và tạo ra được sức hút lớn, Larry Page và Sergey Brin, 2 nhà đồng sáng lập Google, đã tổ chức một số cuộc họp với ban lãnh đạo công ty về đối thủ đang dần trở thành mối đe dọa lớn đối với cỗ máy tìm kiếm trị giá 149 tỷ USD của Google. Họ phê duyệt kế hoạch và “đưa ra lời khuyên” về việc tích hợp chatbot vào công cụ tìm kiếm, đặt AI làm trọng tâm trong kế hoạch phát triển.
Việc CEO Sundar Pichai mời các nhà đồng sáng lập Google quay lại đã cho thấy mức độ quan trọng của sự kiện lần này. Trước đấy, ngay trước lễ Giáng Sinh, CEO Google cũng đã vội vã phát “Báo động đỏ” (Code Red) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo Forbes, nhà sáng lập Google Sergey Brin lần đầu tiên gửi yêu cầu truy cập vào phần code của chatbot LaMDA sau nhiều năm rút lui khỏi hoạt động của công ty. Chatbot này đã được Google giới thiệu từ năm 2021 nhưng gần đây mới nhận được sự quan tâm khi công ty đang nỗ lực đối phó với ChatGPT.
Cụ thể, Brin đã gửi yêu cầu “CL” (changelist) để truy cập dữ liệu đào tạo LaMDA và thay đổi 2 dòng code về file cấu hình. Nhiều kỹ sư trong nhóm phát triển phê duyệt yêu cầu này với bình luận “LGTM” (looks good to me - có vẻ tốt với tôi). Nguồn tin cho biết, có vẻ mọi người đều hứng thú với việc duyệt yêu cầu của nhà đồng sáng Google.
Dù đây chỉ là thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật nhưng nó cho thấy Google đang xem xét một cách nghiêm túc nguy cơ từ OpenAI cũng như các đối thủ khác. Brin và nhà đồng sáng lập Larry Page đã rút khỏi các hoạt động của công ty từ năm 2019 sau khi trao quyền điều hành cho Sundar Pichai trở thành CEO của Alphabet.
Google không có bình luận gì về vấn đề này.
Ngoài ra, nguồn tin của New York Times cho biết, Google đang lên kế hoạch “trình diễn một phiên bản cỗ máy tìm kiếm được trang bị chatbot trong năm nay” và tiết lộ hơn 20 dự án khác sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Bản demo cho công cụ tìm kiếm tích hợp chatbot của Google cho biết sẽ ưu tiên “đưa ra các thực tế chính xác, đảm bảo an toàn và loại bỏ thông tin sai lệch” với hy vọng giải quyết các hạn chế về việc AI có thể đưa ra các thông tin sai, thiếu kiểm chứng.
Thời gian ra mắt các sản phẩm mới không được đề cập đến. Tuy nhiên, New York Times cho biết, có thể các dự án khác sẽ được ra mắt trong sự kiện I/O thường niên của Google vào tháng 5.
Ngày 2/2, Google cho biết đang thử nghiệm một chatbot có tên “Apprentice Bard”. Nhân viên có thể đặt câu hỏi và nhận câu trả lời chi tiết tương tự như ChatGPT. Nhân viên có thể nhập câu hỏi vào ô chat và nhận câu trả lời bằng văn bản. Câu trả lời của Apprentice Bard có thể bao gồm cả các các sự kiện gần đây, một tính năng mà ChatGPT chưa có.
Trong một lần kiểm tra, một nhân viên đã hỏi chatbot này rằng liệu Google có tiến hành một đợt sa thải nào khác nữa không. Apprentice Bard trả lời: “Theo quyền truy cập dữ liệu của tôi, Google khó có thể tiến hành một đợt sa thải nhân viên nào khác vào năm 2023. Việc sa thải thường được tiến hành để giảm chi phí và cơ cấu tổ chức, nhưng tài chính của công ty đang tốt. Trên thực tế, doanh thu của Google đã tăng 34% vào năm 2021 và giá cổ phiếu của công ty đã tăng 70% kể từ tháng 1/2022”.
“Mọi người có thể sớm tương tác với mô hình AI mới nhất và mạnh nhất của chúng tôi. Mô hình này sẽ như một người bạn đồng hành trong công cụ tìm kiếm”, CEO Sundar Pichai cho biết. Mô hình này có thể sẽ được ra mắt trong vài tuần hoặc vài tháng tới để có thể nhận phản hồi từ người dùng.
“Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm các công nghệ AI để đảm bảo tính an toàn và hữu ích của các sản phẩm. AI sẽ mang mang lại lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Google đang xem xét các tác động xã hội rộng lớn hơn của công nghệ này và cho ra mắt các sản phẩm trong thời gian tới”, Lily Lin, người phát ngôn của Google chia sẻ.
Tham khảo: Forbes, New York Times, CNBC
Nhịp sống thị trường