MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Đặng Hùng Võ: Quản lý đất đai mà tiếp cận theo hướng tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý nhà nước là không đúng

GS Đặng Hùng Võ cho biết cứ mỗi quyết định hành chính về đất đai lại “đẻ” ra tiền, diện tích càng lớn tiền càng nhiều là nguồn cơn nguy cơ tham nhũng. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Luật đất đai 2013 lại tăng thêm quyền lực cho cơ quan quản lý, trong khi cái đích của việc quản lý đất đai phải là tạo hiệu quả cao về sử dụng đất.

Toạ đàm “Chính sách, pháp luật về đất đai” diễn ra chiều ngày 20/4.

Trong nhiều năm trở lại đây, đất đai luôn là chủ đề nóng, bức bách được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong năm 2015, những khiếu kiện liên quan đến đất chiếm 64% tổng số các vụ. Sang đến năm 2016, tỷ lệ này có giảm hơn nhưng vẫn là một trong những vấn đề bức bách với những vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Trong hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam hiện đang có 3 lỗ hổng lớn nhất. Chúng ta ngày càng đi xa hơn, khiến lỗ hổng ngày một rộng hơn chứ không phải khiến nó được thu hẹp lại”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ giải thích.

Vị cựu Thứ trưởng cho biết việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường là một vấn đề khó và nhạy cảm.

“Điều này đã được đưa vào Hiến pháp, sở hữu đất đai là công hữu, nhưng chúng ta lại đưa ra cách thức về quyền sử dụng đất, phải công nhận vận hành nó trên cơ chế thị trường. Chúng ta chỉ có thể làm trong thời gian ngắn, về lâu về dài thì không được do nó sẽ tạo hết mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác". GS. Đặng Hùng Võ nói.

Ông nhấn mạnh bản thân không bình luận về tính đúng - sai của câu chuyện này. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm khi thảo luận về Luật đất đai 2013 "người ta ít nói đến việc này". Trên thực tế, Luật đất đai 1993 đã xuất hiện lỗ hổng này, ví dụ như giá quyền sử dụng đất được định nghĩa rất trừu tượng và có chênh lệch rất nhiều so với giá trị vật thể thực.

Lỗ hổng thứ 2 được GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra là cơ chế của nhà nước khi thu hồi đất và thực hiện bồi thường tái định cư. Cơ chế này đã được xác lập từ Luật đất đai đầu tiên năm 1987 nhưng bồi thường hỗ trợ tái định cư thì chưa có chính sách gì trong giai đoạn đấy.

Cụ thể, theo Luật năm 1897, nhà nước thu hồi đất và nếu ai còn nhu cầu sử dụng đất thì Nhà nước sẽ giao đất khác để sử dụng.

"Trong trường hợp không có nguyện vọng tiếp tục sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi không và không có bồi thường gì. Quy định rất sơ sài trong luật đâu tiên", ông nói

Đến Luật đất đai 1993, Việt Nam dùng cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. “Một tiêu chí thu hồi đất rất đẹp”, vị cựu Thứ trưởng bình luận.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thu hồi đất áp dụng mọi trường hợp, đối với tất cả các dự án mà được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Tức là cứ trình lên nhà nước phê duyệt là sẽ được thu hồi bất luận dự án gì. Giữa tiêu chí đẹp đó và thực tế lởm khởm kia là vênh nhau", ông Đặng Hùng Võ nói.

Sang đến luật năm 2003, Chính phủ đã cố gắng để đưa việc thu hồi đất được thực tế hơn. Cụ thể rành mạch cái nào nhà nước thu hồi vì mục đích kinh tế, chỉ rõ thu hồi đây là vì lợi ích tư nhân, phát triển kinh tế. Nhà nước thu hồi trong một số trường hợp khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ cao… Những trường hợp khác không được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất và xác định rõ tiêu chí nào vì lợi ích quốc gia.

Như vậy, trong luật nhấn mạnh việc không được nhập nhèm, không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh.

Trong Luật đất đai 2003, ông Võ cũng chỉ ra một vấn đề bất cập là nếu để Nhà nước tham gia thu hồi thì tỷ lệ khiếu kiện cao nhưng nếu để chủ đầu tư tự thương thảo thì bản thân họ cũng gặp vấn đề khi một nhóm nhỏ người dân "hét giá trên trời" khiến họ không đáp ứng được.

"Đấy là khó khăn của cơ chế thị trường", ông bình luận. Sang đến Luật đất đai 2013, đã có ý kiến đề xuất ra việc bỏ hẳn cơ chế Nhà nước làm trung gian, chỉ để cho nhà đầu tư và người dân tự thương thảo. Tuy nhiên ý kiến này nhanh chóng bị bác bỏ bởi lẽ Nhà nước chỉ chấp nhận hoặc thương thảo theo thị trường, hoặc Nhà nước can thiệp chứ không "nửa nạc nửa mỡ".

"Thực ra các nước trên thế giới làm theo cách để cho 2 bên thương thảo, họ làm rất tốt. Nhưng luật của chúng ta ngiêng về Nhà nước nhiều hơn. Tức là Nhà nước quy hoạch, sau đấy mang ra đấu giá", ông nói.

Một vấn đề khác được ông đề cập đến là chuyện nếu quy hoạch xong mà "dự án treo" thì sẽ xử lý như thế nào. Hiện tại mỗi địa phương xử lý mỗi kiểu, chưa có sự thống nhất.

Lỗ hổng cuối cùng, GS. Đặng Hùng Võ cho biết Việt Nam hiện một trong những nước mà mỗi quyết định hành chính về đất đai lại "đẻ" ra tiền, diện tích càng lớn tiền càng nhiều là nguồn cơn nguy cơ tham nhũng. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Luật đất đai 2013 lại tăng thêm quyền lực cho cơ quan quản lý.

"Sự thật mà nói cái đích của việc quản lý đất đai là tạo hiệu quả cao về sử dụng đất nhưng luật 2013 tiếp cận theo cách tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý của nhà nước là không đúng", ông nhấn mạnh. Ông cho rằng quyết định hay chính sách phải là cái tạo điều kiện cho người dân, lấy người dân làm trung tâm chứ không phải cứ tăng cường quyền lực cho cơ quan quản lý.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên