MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Nguyễn Mại: 1 tỷ USD vốn Hàn Quốc đầu tư vào Vingroup là ví dụ cho thấy tính hấp dẫn của thị trường M&A

"Trong tương lai trung hạn, vốn FDI vẫn là động lực quan trọng cho Việt Nam", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh tại Hội thảo Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng do Việt Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sáng 30/10.

Dẫn ra đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, GS. Nguyễn Mại cho biết FDI vẫn luôn được xem là động lực tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong 30 năm qua. Không chỉ vậy, trong trung hạn – ít nhất là đến năm 2025, ông nhấn mạnh FDI vẫn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước 96 triệu dân.

"Tôi không dựa vào số vốn đăng ký trồi trụt, căn cứ ở đây là vốn thực hiện", ông nói. Cũng theo ông, tỷ trọng đóng góp vào tổng đầu tư xã hội của khối FDI khoảng 22 – 23% (gần 20% GDP), 75 – 77% còn lại là của cho doanh nghiệp trong nước là hợp lý. Do đó, nếu có thay đổi về FDI tức là thay đổi về chất, chứ không phải về số lượng.

Một tiến bộ đáng kể nhất trong thu hút FDI, theo ông Mại là việc mua bán sáp nhập đã bước vào giai đoạn nở rộ với nhiều cơ hội mới. Trong khi giai đoạn 2014 - 2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD. Giai đoạn 2017-2019, con số đó là khoảng 7 tỷ USD.

Theo quan sát, ông Mại cho biết từ các thương vụ M&A gần đây có thể nhận ra một số vấn đề.

"Từ doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cổ phần hoá đã đẻ ra cầu M&A rất lớn. Ông Phạm Nhật Vượng năm nay nhận được 1 tỷ USD từ Hàn Quốc là một ví dụ. Chúng ta có cầu rất lớn", ông nói.

Ông cũng cho rằng thị trường vốn của Việt Nam rất hấp dẫn. "Nếu không có thị trường mở, đặc biệt chủ trương nới room, sắp tới là sửa luật Chứng khoán thì sẽ không có những thương vụ M&A lớn như vậy.

Việc vốn ngoại vào các doanh nghiệp cũng sẽ tạo ra một số tác động tích cực cho hoạt động quản trị kinh doanh. "Tôi không lo ngại về việc M&A nhanh như vậy, ví dụ như Sabeco khi bán cho người Thái thì đã xuát hiện trên quảng cáo bóng đá ở Anh. Mặt khác, khi thay đổi các quản trị thì năm vừa rồi lãi kinh khủng", ông nói và nhấn mạnh "M&A là một trong những hiện tượng đáng ghi nhận, tiến bộ của FDI".

Trong báo cáo về M&A gần đây của Baker McKenzie, đơn vị này nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư dù giá trị thương vụ có thể giảm trong năm 2020. Theo đó, tổng giá trị trong năm 2019 ước đạt 2,6 tỷ USD và giảm 35% trong năm 2020, xuống còn 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị của M&A có thể tăng gấp đôi vào năm 2021 (2,8 tỷ USD) và đạt 3,4 tỷ USD vào năm 2022.

Bà Seck Yee Chung, trưởng nhóm Nghiên cứu M&A tại Việt Nam của Baker McKenzie nhận xét: "Hoạt động M&A đang rất sôi động, một phần do các yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam khiến các nhà đầu tư lạc quan, cùng vời đó là những hiệp định thương mại đa phương hứa hẹn sẽ tác động tới chính sách đầu tư và hợp tác".


An Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên