MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. TS Nguyễn Mại: Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải thích đáng cho việc tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư thích đáng vào Việt Nam

Đây là ý kiến của GS.TS Nguyễn Mại tại hội thảo “Tham vấn ý kiến dự thảo chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023”, sáng 14/11.

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có một bản nghiên cứu tổng thể về việc thu hút FDI trong quá khứ. Do đó, bản tổng kết đánh giá lần này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện cần phải có cách tiếp cận tổng quát, tổng kết việc thu hút FDI để có thể đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Để bản nghiên cứu hoàn thiện hơn, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài đã đưa ra góp ý 5 điểm.

Thứ nhất, điều chỉnh thời gian chiến lược từ giai đoạn 2018-2023 thành giai đoạn 2018-2020. Giai đoạn 3 năm này là bước đệm để Việt Nam điều chỉnh và đến năm 2021 sẽ thực hiện đồng thời tất cả các nội dung của chiến lược 10 năm. Theo ông Nguyễn Mại, làm như vậy sẽ gắn thời gian thực hiện chiến lược thu hút FDI với giai đoạn phát triển của đất nước. Thêm vào đó, khoảng thời gian 5 năm (2018-2023) là quá ngắn cho một chiến lược.

Thứ hai, cần chọn thời điểm đánh giá là cuối năm 2017. Ông Nguyễn Mại cho rằng, nếu như Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc vào thời điểm 2014, thì đến 2016, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc để tìm đến Việt Nam và Indonesia. Vì vậy chiến lược cần gắn thu hút FDI với môi trường quốc tế. Đầu tư không thể tách khỏi năng lực cạnh tranh của quốc gia và Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn trước các nước khác trong năm 2017.

Thứ ba, chiến lược cần đặt ra vấn đề thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Trong nhiều năm qua, đứng hàng đầu trong danh sách đầu tư trực tiếp vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Và, việc cần làm lúc này là thu hút thêm các nhà đầu tư từ những nước khác.

“Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải thích đáng cho câu hỏi: Tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư thích đáng vào Việt Nam. Làm thế nào để kéo thêm nhiều nhà đầu tư EU và Mỹ là câu chuyện sắp tới. Nếu không làm được, FDI vào Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nước châu Á. Làm thế nào để giải quyết bài toán này? Không phải là thể chế nói chung hay chương trình xúc tiến mà cần có địa chỉ cụ thể” – ông Nguyễn Mại nói.


Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao Sài Gòn.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao Sài Gòn.

Thứ tư, chiến lược cần đặt ra vấn đề giúp đỡ để có thểm nhiều tỉnh thành hơn nữa thu hút được FDI. Thực tế cho thấy, các trung tâm lớn vẫn là nơi được các nhà đầu tư lựa chọn. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhưng rất ít nhà đầu tư đến với những tỉnh miền núi phía bắc, tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Nguyễn Mại, vấn đề ở đây nằm ở điều kiện kinh tế xã hội, và cần có chính sách cụ thể để những vùng khó khăn phát triển hơn nữa mới thu hút được nhà đầu tư.

Thứ năm, chiến lược cần nêu rõ tên của thế hệ mới về đầu tư nước ngoài. Công nghiệp 4.0 đã đến và các dân tộc đều bắt đầu cuộc đua này. FDI vào Việt Nam cũng phải đóng góp cho cuộc đua của Việt Nam.

Từ góc độ người thụ hưởng chính sách, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho rằng, chiến lược mới cần giải quyết đồng thời được 3 điểm: thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, giữ các nhà đầu tư để họ tiếp tục phát triển.

Theo bà Bình, việc thu hút FDI cần chuyển từ thế bị động sang chủ động. Nhà nước cần chủ động thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên thay vì chờ đợi nhà đầu tư đến Việt Nam.

Việc chuyển giao công nghệ cần thực hiện theo hướng khuyến khích liên doanh, liên kết. Bà Bình cho biết Trung Quốc có mạng lưới doanh nghiệp nội đại rất lớn tham gia liên kết với doanh nghiệp FDI. Chủ của những doanh nghiệp này là những người từng làm cho doanh nghiệp FDI sau đó rời công ty và lập nghiệp, nhưng vẫn tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. VÌ vậy, không chuyển giao công nghệ chưa hẳn là lỗi của doanh nghiệp FDI, mà do doanh nghiệp trong nước không thể tiếp nhận công nghệ.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên