MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu quả đầu tư 9 tháng của các quỹ hàng đầu trên TTCK Việt Nam không bằng đem tiền gửi tiết kiệm

Đa số các quỹ lớn trên TTCK Việt Nam chỉ tăng trưởng dưới 4%, tương đương hoặc kém hơn tăng trưởng của VN-Index.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 3,3%, từ 984,24 điểm lên 1017,13 điểm. Chỉ số VN30 cũng tăng 2% lên 994,73 điểm. Mức tăng điểm của 2 chỉ số có sự đóng góp rất lớn của cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất Vingroup khi tăng 27% so với cuối năm ngoái.

Trong khi đó, không nhiều quỹ đầu tư lớn nắm giữ VIC với tỷ trọng cao chính vì vậy mà việc "chiến thắng" VN-Index trong 9 tháng đầu năm nay không phải là việc dễ dàng đối với đa số các nhà quản lý quỹ. Bên cạnh đó, biến động tỷ giá cũng tăng thêm "độ khó" cho các quỹ.

Mặc dù từng là một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới trong giai đoạn đầu năm thì hiện tại đa số các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam có hiệu quả hoạt động rất khiêm tốn, thậm chí thua xa lãi suất gửi tiết kiệm.

Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm hiện dao động quanh mức 6,6% thì sau 9 tháng, tỷ suất lợi nhuận thu về đạt xấp xỉ 5% - hầu hết các quỹ đều không đạt được. Với việc Vn-Index giảm mạnh trong tuần đầu tháng 10 thì không ít quỹ đã tăng trưởng âm.

Thống kê của chúng tôi đối với một số quỹ đầu tư lớn chuyên đầu tư vào Việt Nam cho thấy, quỹ có thành tích tốt nhất là Tundra Vietnam Fund với mức tăng trưởng 12,2% tính theo đồng Krona Thụy Điển (SEK). Tuy vậy, nếu quy đổi sang USD thì thành tích của Tundra Vietnam Fund cũng không quá nổi trội với mức tăng trưởng 3,4%.

Tính đến 30/9, quỹ này có giá trị tài sản gần 117 triệu USD bao gồm 40 khoản đầu tư với những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất là FPT, Masan, SSI và Đất Xanh Group.

Một quỹ khác cũng đạt được mức tăng trưởng cao là LionGlobal Vietnam Fund, đạt 9,1%.

Các quỹ lại đều có mức tăng từ 3% đổ xuống - tức chỉ tương đương hoặc thấp hơn mức tăng của VN-Index.

VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam - ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 1,4%, với NAV trên 1 chứng chỉ quỹ tăng từ 7,06 USD lên 7,16 USD. Quỹ VOF thuộc VinaCapital cũng chỉ tăng 1,6%.

Một quỹ có mô tỷ đô khác là KIM Vietnam Growth Equity Fund tăng trưởng 3,4%. Quỹ này được xem như "ngôi sao mới nổi" trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tục rót vốn mạnh vào Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Phía tăng trưởng âm có 2 cái tên đáng chú ý là Pyn Elite Fund, giảm 0,7% và Van Eck Vietnam ETF (VNM ETF), giảm 3,4%. Trái ngược với VNM ETF, quỹ FTSE Vietnam ETF đạt được mức tăng trưởng 3%.

Hiệu quả đầu tư 9 tháng của các quỹ hàng đầu trên TTCK Việt Nam không bằng đem tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 1.

Trong số các quỹ nội, 2 quỹ có thành tích tốt nhất là SSIAM VNX50, tăng 7,3% và quỹ TVAM TVGF1, tăng 6%. Đáng chú ý quỹ SSIAM VNX50 cũng là quỹ nội tăng trưởng tốt nhất trong năm 2017.

Hai quỹ tăng trưởng âm là Techcom Capital TCEF (-10,7%) và SSI SCA (-0,9%).

Quỹ nội lớn nhất là VFMVN30 ETF tăng trưởng 1,7% - thấp hơn một chút so với mức tăng 2% của chỉ số VN30. Hai quỹ khác do VFM quản lý là VF1 và VF4 tăng trưởng lần lượt là 1,9% và 1,5%. Ba quỹ này có tổng giá trị tài sản ròng gần 6.800 tỷ đồng, trong đó riêng quỹ VFMVN30 có quy mô gần 4.500 tỷ đồng.

Hiệu quả đầu tư 9 tháng của các quỹ hàng đầu trên TTCK Việt Nam không bằng đem tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 2.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên