Gửi tiết kiệm vẫn ưu thế
Trao đổi với chuyên gia, đa phần đều chung quan điểm, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và vẫn có ưu thế riêng. Nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, các nhà băng đã áp dụng mức lãi suất khá cao kèm theo các chương trình khuyến mãi, tặng quà cuối năm nhằm thu hút khách hàng.
- 03-01-2019Ngân hàng Việt Á nói gì về kêu cứu gửi tiết kiệm 170 tỉ đồng bị "bốc hơi"?
- 18-12-2018Gửi tiết kiệm đến thời hưởng lợi đơn lợi kép
- 07-12-2018Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ‘nhảy múa’ dịp cuối năm
World Bank vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong 2019 xuống 2,9% do căng thẳng thương mại, bất ổn trên thị trường tài chính cũng như thách thức tại các thị trường mới nổi. Thị trường Việt Nam, tất nhiên cũng sẽ phải đối diện với những thách thức và khó khăn hơn trong năm 2019. Vậy liệu ở năm nay, các kênh đầu tư sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Gửi tiết kiệm ngân hàng có còn là lựa chọn của số đông người dân?
Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả |
Trao đổi với chuyên gia, đa phần đều chung quan điểm, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và vẫn có ưu thế riêng. Nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, các nhà băng đã áp dụng mức lãi suất khá cao kèm theo các chương trình khuyến mãi, tặng quà cuối năm nhằm thu hút khách hàng.
Theo thông tin từ NHNN, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
“Nếu chỉ tính riêng cho cá nhân, lãi suất áp dụng cho những kỳ hạn ngắn tới 6 tháng thường có hấp dẫn hơn. Song đối với nhà đầu tư, có thể cân nhắc lựa chọn ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng như có loại trái phiếu chuyển đổi với lãi suất cao”, chuyên gia nêu ý kiến.
Đối với kênh đầu tư bất động sản (BĐS), xu hướng được giới chuyên gia đưa ra thì đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn của năm 2019, miễn sao NĐT chọn đúng vị trí, đồng thời cần cân nhắc để tránh những nơi có chỗ cho dân đầu cư thổi giá. Thị trường BĐS có ba phân khúc: nhà ở, BĐS thương mại và BĐS công nghiệp, thì trong đó phân khúc BĐS nhà ở vẫn có nhu cầu lớn. Năm 2019, BĐS cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn là phân khúc dự đoán nhu cầu tiếp tục tăng. Với BĐS cao cấp, condotel nên thận trọng lựa chọn chủ đầu tư uy tín.
Năm 2019, quan điểm tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra ở mức 14%. Dòng vốn tín dụng dần được siết chặt lại sẽ có tác động tới tín dụng BĐS. TS-LS. Bùi Quang Tín chia sẻ, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 45% xuống mức 40% sẽ khiến van tín dụng cho lĩnh vực này thu hẹp lại. Đối với các nhà đầu tư, “kinh doanh BĐS phải đặt mục đích là lợi nhuận/vốn bỏ vào ít nhất phải từ 20% trở lên mới xứng đáng. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có những tính toán cụ thể, nhất là về vấn đề rủi ro, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong 2019 của cả nền kinh tế sẽ đối diện nhiều thách thức hơn trước biến động khó lường của kinh tế thế giới”, chuyên gia cho hay.
Về vàng, năm 2018 ghi nhận thị trường này tương đối “yên ả”. Tháng cuối năm 2018, vàng có xu hướng nhích lên, nhưng nếu so với đầu năm 2018, giá vàng SJC vẫn giảm khoảng 250.000 đồng/lượng, tương ứng giảm 0,7%; giá vàng thế giới cũng mất đi 2,9% trong một năm qua. Có quan điểm cho rằng đối với năm 2019, vàng cũng có thể là kênh đầu tư tốt khi đứng trước những tác động tình hình chính trị - kinh tế thế giới, như việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn có xu hướng leo thang... bởi theo lý thuyết, đây luôn là kênh “trú ẩn” an toàn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận thấy, rất khó để định đoán đường đi của giá vàng.
Đối với chứng khoán - kênh đầu tư có một năm nhiều thăng trầm. VN-Index vượt đỉnh lịch sử, xác lập mức kỷ lục 1.211 điểm ngày 10/4/2018; nhưng 8 tháng sau chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh và là thị trường giảm sâu thứ 9 trên thế giới. Ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, VN-Index dừng mốc 892 điểm - giảm 91,7 điểm (tương đương 9,32%) so với cuối năm 2017. Thị trường chứng khoán năm 2019 được nhìn nhận với nhiều thận trọng hơn. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định, “với nhiều yếu tố khó đoán định gây ra bởi căng thẳng địa chính trị và thương mại, hầu hết tổ chức phân tích đều đồng thuận rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuối chu kỳ tăng trưởng và năm 2019 có thể là một năm tương đối khó khăn với thị trường chứng khoán”.
Cùng với chứng khoán, ngoại tệ cũng không phải lựa chọn đầu tư được giới chuyên gia khuyến nghị. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng khó có kịch bản tiền đồng mất giá mạnh trong năm 2019. “Với sự kiên định của NHNN trong việc duy trì tỷ giá USD/VND ổn định, việc đầu tư vào ngoại tệ là không hấp dẫn. Bởi nếu so sánh ngay với tiền gửi ngân hàng, bỏ tiền đầu tư ngoại tệ, nếu giả thử có tăng đi chăng nữa vẫn không thể bằng gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất khoảng 8%/năm”, chuyên gia ví dụ.
Thời báo ngân hàng