Hạ lãi suất: Doanh nghiệp vẫn lo về khả năng vay vốn
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với DN mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất xuống 0,5-1%/năm cho vốn vay trung dài hạn cùng nhiều gói vay ưu đãi dành cho DN. Tuy nhiên, các DN vẫn tỏ ra lo ngại về động thái này của các ngân hàng.
Ưu đãi có dài?
Theo cam kết của các ngân hàng, mức lãi vay cho các kỳ trung và dài hạn được hạ xuống không quá 10%/năm. Đối với vốn vay ngắn hạn, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm lãi suất 0,5%/năm cho các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn tung ra các gói hỗ trợ DN như Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) với gói “Vay tiền phát lộc” với lãi suất chỉ 7%/năm trong 3 tháng đầu, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng dành 5.000 tỷ đồng cho các DN XNK vay vốn với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay đang phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay còn được giảm xuống chỉ từ 5-6%/năm.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay nên hạ thêm 2-3%/năm nữa mới phục vụ tốt cho DN. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế như hiện nay, việc hạ 0,5-1%/năm lãi suất cũng là sự cố gắng lớn của các ngân hàng. Vì thế, ông Trần Đức Trung, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH XNK nông sản Hưng Long cho hay, lãi suất cho vay hạ bao nhiêu thì tốt cho DN bấy nhiêu. Đặc biệt, với các khoản vay trung dài hạn, DN thường có mức vay lớn, khoảng trên 10 tỷ đồng nên hạ xuống 1% cũng giúp DN giảm thêm gánh nặng chi phí để dành cho các hoạt động kinh doanh khác. Hơn nữa, điều này còn giúp DN có thêm động lực để tiếp tục đi vay ngân hàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không ít DN lại đặt ra lo ngại về thời gian mà các ngân hàng hạ lãi suất, bởi có thể, đây chỉ là lời hứa của các ngân hàng trước lời kêu gọi của Thủ tướng. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội cho hay, điều thực sự đáng lưu ý là các ngân hàng hạ lãi suất được bao lâu. Bởi các DN cần nhất hiện nay là sự ổn định của lãi suất, nếu chỉ hạ một thời gian, sau đó lại tìm cách nâng lên thì các DN không được hưởng lợi gì. Hơn nữa, mức hạ lãi suất như hiện nay lại chủ yếu tập trung vào các DN ưu tiên, đây chỉ là một bộ phận không lớn trong cộng đồng DN nên sự hưởng lợi không dành cho đa số.
Vẫn khó tiếp cận vốn
Mặc dù hạ lãi suất cũng là mong mỏi nhiều năm qua của các DN khi vay vốn, tuy nhiên, vấn đề tiếp cận nguồn vốn vẫn là điều khó khăn hơn cả của các DN. Đại diện một DN dệt may XK cho rằng, các DN tiếp cận vốn vay của các ngân hàng, từ vốn vay ưu đãi cho đến vốn vay thông thường còn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, khi vay vốn, DN còn phải chịu sức ép về tài sản thế chấp, nếu không, ngân hàng cũng khó lòng chấp nhận khoản vay cho DN cho dù chủ trương cho vay tín chấp đã được khuyến khích ngân hàng thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh cho hay, các ngân hàng hạ lãi suất nhưng thủ tục cho vay cũng cần được cải tiến nhanh gọn, đơn giản, đem lại hiệu quả cho DN tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, các ngân hàng cũng không nên lấy yêu cầu về tài sản thế chấp hữu hình như nhà đất, thiết bị… mà cần thế chấp bằng những phương án kinh doanh khả thi hoặc độ tín nhiệm của DN. Một giải pháp khác là trao quyền đòi nợ cho ngân hàng, nghĩa là ngân hàng sẽ đứng giữa, chịu trách nhiệm quản lý dòng tiền giữa các đơn vị ký kết hợp đồng với nhau. Tiền sẽ chuyển cho ngân hàng để ngân hàng thanh toán và ngân hàng sẽ nắm được cơ chế hoạt động của DN để có thêm niềm tin cho DN vay vốn.
Với những khó khăn như trên, nhiều DN đã phải tính đến các phương án vay vốn khác như vay tín chấp tại các công ty tài chính hay tại các đơn vị tư nhân với lãi suất cao, có khi lên tới 15%/năm. Chính vì thế, để giải quyết khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng, bà Nguyễn Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Hòa An (DN XNK máy móc, thiết bị) cho biết, Hiệp hội DN tại tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra gói hỗ trợ 38 tỷ đồng cho các DN sản xuất, giúp các DN có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, mua thêm trang thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng.
Nhìn chung, ngân hàng hạ lãi suất là tín hiệu vui của DN nhưng làm thế nào để vốn vay đến tận tay DN và phát huy được hiệu quả mới là điều đáng quan tâm. Ngân hàng và DN đều có cái khó riêng, nên làm thế nào để hai bên hiểu nhau hơn, hợp tác được với nhau tốt hơn sẽ là động lực để nền kinh tế nói chung phát triển.