Hà Nội: 'Phạt lỗi giao thông cao sẽ đánh thẳng vào nồi cơm người nghèo'
“Cuộc sống mưu sinh của người dân cũng là vấn đề của thành phố, trong một lúc không thể giải quyết ngay được. Nếu phạt cao để phòng ngừa, răn đe thì lại đánh thẳng vào nồi cơm của người dân nghèo. Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện cũng nói rất trăn trở điều này”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề giao thông trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội luôn nhận thức vấn đề ùn tắc giao thông, vi phạm pháp luật về giao thông đang là vấn đề nóng bỏng, bức xúc và đang được các cấp tham gia giải quyết.
Trên thực tế, trong năm qua, tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm cả ba tiêu chí số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương. Đồng thời, Hà Nội đã giải quyết được 11 điểm đen và nhiều điểm ùn tắc giao thông.
Theo lãnh đạo Hà Nội, các vi phạm về giao thông vẫn diễn ra tương đối phổ biến ở các hành vi: không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện, đi xe máy trên đường cao tốc, trên vỉa hè, xe dù chạy lòng vòng gây phức tạp cho hoạt động vận tải…
Hạ tầng không theo kịp
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm, theo ông Sơn là do cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông.
Nếu như năm 2008 chỉ có khoảng 2,2 triệu phương tiện thì đến năm 2017 đã tăng lên gấp 3 lần. Còn trong năm 2018, mỗi ngày có tới 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển tham gia giao thông, chưa tính đến 1,2 triệu xe các tỉnh về lưu thông tại Hà Nội. Ngoài ra, gần đây taxi cũng phát triển rất nhanh, riêng taxi grab có hơn 41 nghìn xe hoạt động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn còn có nguyên nhân từ ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người dân chưa cao, chưa biết tự bảo vệ mình. Cùng với đó, ý thức chấp hành thực thi công vụ của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông chưa thực sự nghiêm, còn xảy ra một số tiêu cực vi phạm mà thời gian qua báo chí đã nêu. “Thành phố đã xử lý nghiêm đội ngũ thi hành công vụ có vi phạm”, ông Sơn nói.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trước tiên vẫn phải kiên trì phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân, đồng thời đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong vận tải hành khách, hàng hóa.
Trăn trở mức phạt
Về ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, ông Sơn cho biết, thành phố đang nghiên cứu đề xuất xây các cầu vượt sông Hồng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh. Cùng với đó, lắp đặt 3.000 camera giám sát giao thông để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự; có chính sách hợp lý và lộ trình cụ thể để giải quyết triệt để các trường hợp thương bệnh binh sử dụng xe ba bánh tự sản xuất để tham gia vận chuyển hàng hóa; duy trì lắp đặt cụm loa tuyên truyền tại các nút giao thông trọng điểm.
Đáng lưu ý, tới đây thành phố sẽ trình HĐND xem xét tăng mức xử phạt vi phạm. Tuy nhiên theo ông Sơn, đối tượng vi phạm giao thông trên địa bàn không chỉ là những người có điều kiện kinh tế, mà ngay cả người đi bộ, bán hàng rong vỉa hè, hay ở khu vực ngoại thành còn khó khăn vào thành phố kiếm sống. Họ thường vi phạm các lỗi phổ biến như lấn chiếm vỉa hè, cản trở giao thông làm mất mỹ quan thành phố…
“Vấn đề mưu sinh của người dân cũng là vấn đề của thành phố, trong một lúc không thể giải quyết ngay được hết công ăn việc làm, nhất là trong bối cảnh lấy đất làm dự án, dân không có việc làm phải đi buôn bán. Nếu phạt cao để phòng ngừa, răn đe thì lại đánh thẳng vào nồi cơm của người dân nghèo.
Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện cũng nói rất trăn trở điều này. Thực tế, có nhiều khi vi phạm, người dân sẵn sàng bỏ cả xe vì giá trị xe không lớn, bán chẳng ai mua. Vì thế, khi xây dựng chế tài phải có tính linh hoạt và phải rất cân nhắc. Mức phạt cao có thể chỉ là giải pháp trước mắt, chứ không phải căn cơ, lâu dài và bền vững”, ông Sơn chia sẻ.
Tiền Phong