MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Qua thời 'đẻ trứng vàng', shophouse tiền tỷ ế chỏng chơ

14-08-2023 - 13:48 PM | Bất động sản

Đã qua thời "đẻ trứng vàng", hàng loạt shophouse có giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng đang rơi vào cảnh hạ giá vẫn không tìm được khách thuê, mua.

Trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà phố thương mại (shophouse) từng được các nhà đầu tư săn đón và nở rộ vào thời điểm năm 2015. Giá bán và giá cho thuê shophouse cao ngất ngưởng do có nhiều ưu điểm là vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.

Thế nhưng, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, loại hình này dần trầm lắng. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam và kéo dài, phân khúc shophouse càng trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư giảm giá nhưng vẫn không có người thuê, mua.

Hơn một năm nay, chị Lê Mai Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên tục rao bán căn shophouse diện tích hơn 75 m2 tại một khu đô thị ở quận Hoàng Mai. Giá rao bán đã giảm 20% so với mức mua gần 14 tỷ đồng vào giữa năm 2021 nhưng vẫn không ai quan tâm.

Căn shophouse của chị cao 4 tầng, đã hoàn thiện. Giá cho thuê 30 triệu đồng/tháng, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt hơn 2% một năm. Tuy nhiên kể từ lúc mua, căn shophouse thường trong tình trạng không khách thuê, bỏ trống mặt bằng.

Hà Nội: Qua thời 'đẻ trứng vàng', shophouse tiền tỷ ế chỏng chơ - Ảnh 1.

Nhiều shophouse giá chục tỷ đồng ế chỏng chơ. (Ảnh minh họa).

Chị Hà than thở, mỗi tháng chị vẫn phải trả lãi và gốc vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng cho khoản vay 6 tỷ đồng. Tiền cho thuê "bèo bọt", áp lực lãi suất đè nặng nên chị đành bán lỗ, nhưng rao hơn năm nay không tìm được người mua.

Cùng tình trạng bán không xong mà cho thuê cũng không được, anh Mai Thế Anh kể, đầu năm 2021, anh mua một căn shophouse tại khu đô thị trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) với 24 tỷ đồng. Dự án này đã được bàn giao từ năm 2022 nhưng cho đến giờ hoạt động thương mại vẫn nhạt nhòa, lượng dân cư vào sinh sống thưa thớt. Điều này khiến các cửa hàng kinh doanh tại đây chỉ phục vụ lượng cư dân hạn chế tại dự án, gần như không có khách vãng lai. Hiện chỉ có một vài căn shophouse mở cửa kinh doanh, gần 80% còn lại cửa đóng then cài.

Thời gian đầu nghĩ khu đô thị sẽ phát triển, nhiều người đến ở thì shophouse là lựa chọn tốt nhất nhưng thực tế không như kỳ vọng. Kinh doanh ở đây chủ yếu dành cho dân bản địa, nhưng do thói quen nên họ thường vào các trung tâm thương mại để vui chơi, còn mua sắm thì ra chợ dân sinh, nên ế ẩm là tình trạng chung của các shophouse.

Anh Thế Anh cho biết, anh treo biển cho thuê 35 triệu đồng mỗi tháng, với kỳ vọng có thể bù một phần lãi vay ngân hàng nhưng căn shop vẫn bị bỏ trống gần năm nay. Hiện đã hết thời gian ân hạn lãi suất, áp lực lãi vay lớn, anh Thế Anh chấp nhận rao bán lỗ 30% nhưng chưa tìm được người mua.

Theo chị Lê Linh, một môi giới bất động sản tại quận Hoàng Mai, tình trạng ế ẩm không chỉ diễn ra ở các shophouse ở các khu đô thị mới, ít cư dân và ven đô mà ngay những shophouse tại khu vực tại trung tâm Hà Nội cũng rất khó bán và cho thuê. Do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người không kinh doanh được buộc phải trả mặt bằng hoặc đàm phán với chủ nhà giảm giá.

Nhiều mặt bằng cho thuê tại phố trung tâm Hà Nội đến nay cũng phải giảm giá thuê mà vẫn ế, nên shophouse ế ẩm là chuyện khó tránh khỏi” , chị Linh nói.

Phân tích về vấn đề này, theo chủ đầu tư một dự án ở Hà Nội, việc nhà đầu tư sinh lời từ shophouse nhiều hay ít phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Một sản phẩm gia tăng giá trị hay đảm bảo được nguồn thu tốt, thì chủ đầu tư dự án đó phải đảm bảo được yếu tố về hạ tầng nội khu và hạ tầng xã hội. Có như vậy mới có khả năng thu hút khách nội khu và khách bên ngoài vào dự án. Với shophouse, việc lợi tức cho thuê tốt hay không lại phụ thuộc vào khả năng lấp đầy cư dân của dự án căn hộ/khu đô thị đó.

Nhà đầu tư trước khi bỏ tiền nên nhìn vào năng lực của chủ đầu tư dự án, xem mức độ triển khai tiện ích hạ tầng dự án của họ đến đâu, tiềm năng phát triển và thu hút khách khu vực và tiệm cận về dự án như thế nào. Những chủ đầu tư có tiềm lực họ sẽ đồng bộ các tiện ích hạ tầng trước khi kéo cư dân về ở. Khi đó, lượng người sử dụng đông, nhộn nhịp thì shophouse mới có giá trị về mặt kinh doanh, cho thuê ổn định ”, vị  này phân tích.

Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi đạt được các yếu tố: dự án có khả năng lấp đầy nhanh; dịch vụ tiện ích thật tốt; phải có cộng đồng cư dân nội khu đủ lớn và thứ tư là có sự kết nối thông suốt, thu hút cộng đồng cư dân bên ngoài dự án.

Muốn đạt lợi nhuận và an toàn thì nhà đầu tư nên chọn shophouse có giá trị vừa từ 2-7 tỷ đồng, để không phải bỏ số tiền quá lớn ban đầu mà chưa biết có thu lại tương xứng hay không. Nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào shophouse trong ngắn hạn từ 1-2 năm mà phải có kế hoạch trung tới dài hạn từ 3-5 năm trở lên.

Người mua cũng cần chú ý tới diện tích sàn thương mại tầng 1, nếu sản phẩm có diện tích quá hẹp chỉ với khoảng 75 m2 thì sẽ gây khó khăn trong việc kinh doanh. Nhiều sản phẩm rơi vào tình trạng mua rồi để đó bởi không thể sử dụng cho việc khai thác thương mại.

Theo Ngọc Vy

VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên