Hà Nội sẽ chấm dứt được tình trạng tập kết ô tô làm nát vỉa hè?
Câu chuyện vỉa hè Hà Nội lại “nóng” lên vào dịp cuối năm khi nhiều tuyến phố vừa được thay đá mới, lại phải xới lên sửa chữa. Ngành chức năng thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan phản ứng như thế nào về thực trạng này? Người dân có còn tin vào độ bền 50 - 70 năm của một số loại đá như đã được thông tin trước đó?
- 16-12-2022Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân đá lát vỉa hè vỡ nát sau thời gian ngắn sử dụng
- 15-12-2022Nhiều quận, huyện Hà Nội dừng lát vỉa hè bằng đá tự nhiên
- 08-12-2022Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Vì sao cứ đào lên lát lại?
Về thực trạng nhiều hè phố trên địa bàn thành phố vừa được cải tạo, lát đá mới đã xuống cấp, sụt lún, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2022, Sở Xây dựng kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố và đã phát hiện rất nhiều tồn tại. Vỉa hè một số tuyến phố Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân; Trần Phú, quận Hà Đông bị xuống cấp, phải cải tạo sửa chữa là những tuyến phố được đầu tư từ giai đoạn 2016-2017.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ở mỗi giai đoạn, Thanh tra thành phố đã thanh tra và có kết luận những tồn tại hạn chế. Thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khắc phục sai sót, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan…
Ông Mạc Đình Minh khẳng định, việc quản lý của các quận, huyện còn nhiều bất cập: “Việc quản lý, sử dụng sau đầu tư còn những tồn tại. Trong quá trình chúng tôi kiểm tra theo dõi thì cũng phát hiện rất nhiều bất cập. Cùng với đó là sử dụng không đúng công năng”.
Nhiều tuyến phố lát đá tại Hà Nội nhanh chóng xuống cấp sau thời gian ngắn sử dụng.
Việc nhiều vỉa hè vừa được thay áo mới, với các loại đá được khẳng định có độ bền 50 - 70 năm, nhưng đã vỡ, sụt lún như phố Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn đã làm dư luận hoài nghi. Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, dự án đầu tư xây dựng vỉa hè đường Nguyễn Trãi được quận Thanh Xuân thực hiện năm 2017 và năm 2018 hoàn thành. Sau khi hết thời gian bảo hành (6/2020), quận đã thực hiện quy trình bảo trì theo quy định.
“Hiện nay, đang triển khai bảo trì kết cấu công trình đường bộ theo quy định của Sở Xây dựng tại đường Lê Trọng Tấn và đường Nguyễn Trãi. Dự kiến, quận sẽ hoàn thành bảo trì những điểm hư hỏng lớn trước tết âm lịch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Lê Hồng Thắng nói.
Nhằm khắc phục những tồn tại, sai sót gây bức xúc dư luận, ngày 16/12, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư vỉa hè tại các tuyến phố. Để việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hè phố đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế. Trong đó, rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ôtô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với phương tiện xe ô tô tải trọng lớn, các hành vi dừng, đỗ xe ôtô trên hè phố không đúng quy định.
Ông Phạm Đình Phong, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình cho rằng, đây là chỉ đạo đúng đắn của UBND thành phố, mặc dù muộn so với yêu cầu thực tế. Trong đó, bức xúc nhất là tình trạng ô tô đỗ kín vỉa hè, gây sụt lún, nứt vỡ: “Tôi thấy những chỗ đỗ ô tô bây giờ tràn lan vi phạm quá. Nhiều chỗ lát đá đẹp mà ô tô đỗ nặng như thế làm sao mà chịu được. Tôi cho rằng phải cấm tình trạng này”./.
VOV