MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến, chuyên gia chỉ 3 dấu hiệu bệnh nặng

15-04-2021 - 15:56 PM | Sống

Theo chuyên gia, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn.

Số ca mắc tay chân miệng tăng

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và căn bệnh này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).

Theo thông tin từ Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 125 bệnh nhân tay chân miệng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong sáng 14/4, số ca đến khám vì nghi tay chân miệng không quá đông và đều có biểu hiện nhẹ. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 5-6 bệnh nhi nhập viện ở mức độ nhẹ 2A, có một vài trường hợp 2B.

Trao đổi với TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, về các trường hợp tay chân miệng đang điều trị tại trung tâm, vị bác sĩ cho hay, hiện Trung tâm chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh nặng.

Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh ở mức độ 1 với các biểu hiện như sốt nhẹ, ban ở lòng bàn tay, bàn chân và có thể cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Đối với các trường hợp bệnh nhi có biểu hiện sốt cao, mạch nhanh sẽ được chỉ định nhập viện theo dõi chăm sóc.

Theo TS.BS Lâm, mặc dù không ghi nhận ca biến chứng nặng, nhưng số ca mắc năm 2021 đã tăng đột biến so với hai năm trước. Cùng kỳ năm 2019, Trung tâm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh; Năm 2020, con số này là 19-20 ca và năm 2021 hiện đang là 125 ca.

"Đây là con số cần theo dõi để cánh báo với mùa dịch năm nay", TS Lâm nói.

Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến, chuyên gia chỉ 3 dấu hiệu bệnh nặng - Ảnh 1.

Trường hợp trẻ mắc chân tay miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Lâm cho hay, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn.

Thông thường từ lúc xuất hiện nốt phỏng, bệnh tay chân miệng sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Nhưng nếu trẻ bị nặng, những dấu hiệu nặng sẽ xuất hiện ngay ở ngày đầu tiên hoặc thứ 2.

Triệu chứng phát hiện tay chân miệng sớm là sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng. Nếu trẻ có những triệu chứng này, gia đình cần cho trẻ đi khám để phân loại.

3 dấu hiệu sớm cảnh báo trẻ mắc tay chân miệng có những diễn biến nặng

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là tình trạng các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Đó là 3 triệu chứng rất sớm, cha mẹ cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.

TS Lâm khuyến cáo, bệnh tay chân miệng lây qua tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây từ người sang người. Vì vậy điều kiện khí hậu, môi trường tập trung đông người, thói quen vệ sinh là yếu tố làm cho lây bệnh.

Chân tay miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc tay chân miệng có tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Phụ huynh có thể khắc phục bằng cách:

- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…

- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Bác sĩ Lâm cho hay, hiện một số phụ huynh mắc phải sai lầm khi hạ sốt khi trẻ mắc tay chân miệng. Tại Trung tâm đã từng tiếp nhận trường hợp trẻ không đáp ứng hạ sốt, cha mẹ sốt ruột dùng thêm liều hạ sốt khác, dẫn tới quá liều lượng, gây ra tình trạng trẻ bị ngộ độc paracetamol, dẫn tới tổn thương gan nặng nề.

Theo Ngọc Diệp

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên