MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hiện đại kéo theo hàng loạt siêu dự án lấp đầy Thủ Thiêm chỉ sau vài năm

15-01-2017 - 11:34 AM | Bất động sản

Nằm đối diện quận 1 phía bên kia sông Sài Gòn có quỹ đất rộng, giao thông với các quận liền kề là 1, 9 và Thủ Đức đều tiện lợi, bán đảo Thủ Thiêm có vị trí lý tưởng để trở thành “Phố Đông” của Tp.HCM, là nơi thuận lợi để phát triển một trung tâm tài chính, thương mại và đô thị mới.

Từ năm 1999 đến nay, TP.HCM đã thực hiện rất nhiều chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi nhiều dòng vốn để biến nơi đây thành trung tâm kinh tế mới. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư cũng chỉ lác đác vài ba doanh nghiệp trong nước, có một số doanh nghiệp ngoại đến ký cam kết đầu tư nhưng sau đó "rút lui".

Hạ tầng đang đi trước một bước

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013-2015 khi TP.HCM thông qua chủ trương và chiến lược đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, Thủ Thiêm dần thoát khỏi thế "ốc đảo". Từ đó, chỉ tính từ cuối năm 2015 đến nay, rất nhiều dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD đã "đổ" vào đây và chuẩn bị triển khai xây dựng.

Theo quy hoạch về hạ tầng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có 5 cây cầu và 1 hầm chui nối những khu vực khác nhau của trung tâm thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện nay, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm chui vượt sông Sài Gòn (nối Q.1 và Q.2) đã hoàn thành. Đầu năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng số vốn gần 3.100 tỷ đồng cũng đã được khởi công.

Mới đây nhất, để hoàn thiện hạ tầng kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm, UBND TP.HCM vừa giao liên danh Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CC1) - Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 - nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Q.4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Cùng với đó là dự án mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản (Q.4) cũng theo hình thức BT.

Trước đó, trong văn bản giải trình gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM đề nghị xem xét, chấp thuận cho thành phố được đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và cho phép thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng 168 được chọn làm nhà đầu tư thực hiện dự án theo thẩm quyền được quy định ở luật Đấu thầu.

Tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, đổi lại doanh nghiệp này sẽ được nhận 15 lô đất tại Thủ Thiêm để phát triển dự án BĐS. Trong trường hợp đất tại Thủ Thiêm không đủ để đối ứng, TP.HCM sẽ lấy đất ở những khu vực khác có giá trị tương đương để đổi cho nhà đầu tư.

Hiện tại, 99% diện tích đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đã được bồi thường giải tỏa, 382 ha đất phát triển nhà ở và 334 ha đất khác để phát triển các khu thương mại đã sẵn sàng. Dự kiến khi hoàn thanh, Thủ Thiêm sẽ là nơi cư trú cho 150.000 cư dân và thu hút 220.000 lao động đến làm việc. Được biết, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã bày tỏ ý định tham gia các dự án nhà ở, thương mại, văn phòng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nhà đầu tư tiếp bước theo sau

Bên cạnh dự án của Đại Quang Minh, một số dự án đầu tư quy mô khác gần đây cũng đã được duyệt. Trong tương lai, Đại Quang Minh sẽ xây dựng một khu đô thị khác nằm gần vùng châu thổ phía Nam rộng 150ha, gồm 234 biệt thự, 395 nhà phố và 5.600 căn hộ hạng sang, một khách sạn 5 sao và một bệnh viện. Dự án 4 tuyến đường quanh Thủ Thiêm do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư sẽ đươc doanh nghiệp này bàn giao cho thành phố để đưa vào sử dụng trong dịp 30/4/2017 tới.

Trong tháng 6/2015, liên doanh giữa Công ty cổ phần Tiến Phước, Công ty TNHH Trần Thái và Công ty TNHH Denver Power (UK), công ty thành viên của quỹ đầu tư GAW Capital Partners, được phê duyệt giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD để phát triển Empire City Complex, một khu đất rộng 15ha và sẽ bao gồm một toà nhà 86 tầng, một khách sạn 5 sao, một trung tâm thương mại và một tòa nhà văn phòng.

Trong năm 2014, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc và đối tác Nhật Bản (Mitsubishi và Toshiba) được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 2 tỷ USD cho dự án Eco Smart City, dự kiến sẽ bao gồm khu thương mại hạng sang, khách sạn, văn phòng và căn hộ bán trên khu đất rộng 10ha. Theo thông tin từ tập đoàn này, trong quý 2/2017 dự án khu phức hợp hiện đại này sẽ được khởi công xây dựng, chính quyền thành phố cũng đã bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, để hỗ trợ nhà đầu tư các phân khu chức năng của Thủ Thiêm đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP.HCM vừa công bố quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu phức hợp thể thao, giải trí (khu 2C) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với quy mô diện tích toàn khu khoảng 31,49ha (gồm có đất dành cho công trình thể thao, thương mại...).

Được biết, hiện Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư được chính quyền TP.HCM lựa chọn thực hiện dự án Khu phức hợp thể thao, giải trí tại Khu chức năng số 2C thuộc một phần của Khu chức năng số 2 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo ước tính, tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là 6.777 tỷ đồng, sẽ do nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Thời gian khai thác của dự án này là 50 năm, thời gian xây dựng công trình là 36 tháng.

Song song đó, Dự án Khu phức hợp Sóng Việt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được UBND TP.HCM ban hành, Công ty CP Quốc Lộc Phát đã chính thức trở thành nhà đầu tư dự án hơn 7.200 tỷ đồng này. Doanh nghiệp này cam kết xây dựng hoàn chỉnh đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật không chỉ trên 4 lô đất mà còn bên ngoài dự án; bảo đảm kết nối hạ tầng đồng bộ với các công trình cầu Thủ Thiêm 2, đại lộ vòng cung, quảng trường trung tâm... đang được triển khai xây dựng.

Đặc biệt, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) vừa thông qua kế hoạch hoạt động năm 2017 để trình đại hội đồng cổ đông sắp tới, trong đó có việc đầu tư nhiều dự án bất động sản tại khu đô thị mới Thủ Thiêm trong năm 2017.

Cụ thể, đối với quỹ đất tại Thủ Thiêm có được nhờ dự án BT, dự kiến tới khoảng quý 3/2017 CII sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng. Đồng thời, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các dự án căn hộ cao cấp thuộc cụm Dự án Thủ Thiêm Lakeview và hoàn thành công tác thiết kế, xin cấp phép đầu tư cho cụm dự án Marina Bay (rộng 3,5 ha ven sông Sài Gòn) thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, Thủ Thiêm trong tương lai còn có những dự án quy mô khá lớn khác đang được kêu gọi đầu tư như: Bảo tàng Thủ Thiêm (trải dài theo tuyến Kênh số 1 và hướng về mặt tiền sông Sài Gòn); Trung tâm Hội nghị Triển lãm quốc tế (nằm ngay mặt tiền bờ sông Sài Gòn) đang được UBND TP.HCM trình Chính phủ chọn công ty Tân Hiệp Phát làm chủ đầu tư.

Nhiều chủ đầu tư khác cũng đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nhiều dự án hạ tầng xã hội khác như nhà hát giao hưởng, trung tâm thông tin quy hoạch, cung thiếu nhi, quảng trường Mê Linh, bệnh viện quốc tế, bến du thuyền, viện nghiên cứu, công viên nước...

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên