MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai cổ phiếu nhóm "chứng, thép" Việt Nam bất ngờ lọt vào rổ chỉ số thị trường cận biên lớn nhất của MSCI

Hai cổ phiếu nhóm "chứng, thép" Việt Nam bất ngờ lọt vào rổ chỉ số thị trường cận biên lớn nhất của MSCI

Việt Nam hiện là thị trường lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index. Tại ngày 31/1/2024, tỷ trọng thị trường Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index là 27,12%.

MSCI vừa công bố danh sách review tháng 2 với bộ chỉ số quan trọng nhất của thị trường cận biên MSCI Frontier Markets Index.

Cụ thể, MSCI đã thêm mới 3 cổ phiếu Việt Nam vào danh mục MSCI Frontier Markets Index, bao gồm FTS, NKG và SJS. Ở chiều ngược lại, rổ chỉ số không loại cổ phiếu Việt Nam nào.

Ngoài thêm mới 3 cổ phiếu Việt Nam, rổ MSCI Frontier Markets Index cũng thêm mới 3 cổ phiếu Pakistan, 1 cổ phiếu Slovenia, 1 cổ phiếu Morocco và 1 cổ phiếu Romania. Ở chiều ngược lại, rổ chỉ số này loại ra 9 cổ phiếu tới từ Nigerian và 2 cổ phiếu Oman. Như vậy, sau đợt cơ cấu này, số lượng cổ phiếu trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ giảm còn 209 mã.

ưd.png

Việt Nam hiện là thị trường lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index. Tại ngày 31/1/2024, tỷ trọng thị trường Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index là 27,12%, xếp tiếp theo là Romania (11,5%), Morocco (10%)…Hiện có rất nhiều quỹ lớn, quy mô hàng trăm triệu USD đang phân bổ vào các thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam) dựa trên rổ MSCI Frontier Markets Index.

Screen Shot 2024-02-14 at 07.47.19.png

Tỷ trọng các thị trường trong rổ MSCI Frontier Markets Index tại ngày 31/1/2024

Top 10 cổ phiếu lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index tại ngày 31/1 có 2 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm HPG (tỷ trọng 2,84%) và VHM (2,27%)

Screen Shot 2024-02-14 at 07.47.29.png

Top 10 cổ phiếu trong rổ MSCI Frontier Markets Index tại ngày 31/1/2024

Trong khi đó, với bộ chỉ số ít quan trọng hơn là MSCI Frontier Markets Smallcaps Indexes, chỉ số này đã thêm mới 5 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm GAS, DHA, NAF, VPH và VTO vào danh mục. Ở chiều ngược lại, rổ chỉ số loại NKG, SJS và VPD (trong đó hai mã NKG và SJS bị loại để thêm vào rổ MSCI Frontier Markets Index).

Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Smallcaps Indexes với tỷ trọng 31,47%. Dù vậy, không có quỹ nào đáng chú ý hiện đang giải ngân vào các thị trường cận biên theo bộ chỉ số này.

Sự thay đổi của các bộ chỉ số kể trên sẽ có hiệu lực từ 29/2/2024. Lần cơ cấu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14/5/2024.

Kỳ vọng thu hút hàng tỷ USD sau khi được nâng hạng thị trường

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho biết vấn đề vướng mắc lớn nhất của Việt Nam để FTSE Russell thực hiện nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi (EM) là xử lý vấn đề phải ký quỹ trước khi giao dịch của các NĐT tổ chức. Trong khi các NĐT cá nhân trong nước đã có nghiệp vụ cho vay ký quỹ để giải quyết vấn đề này, theo quy định hiện nay các NĐT tổ chức đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch, và điều này chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Để xử lý vấn đề này, SSI có thể được thực hiện 2 phương thức. Thứ nhất là dài hạn, bằng cách áp dụng Mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Thứ hai là trong ngắn hạn khi các CTCK sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các NĐT tổ chức (Non Prefunding Solution – NPS). Bộ Tài chính theo kế hoạch trong năm 2024 sẽ sửa đổi một số văn bản pháp lý có liên quan để có thể triển khai mô hình NPS. FTSE Russell sẽ dựa trên phản hồi từ các NĐT để đánh giá mô hình NPS có hoạt động hiệu quả hay không.

SSI dự phóng việc quyết định phân loại Việt Nam vào EM của FTSE Russell có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9/2024 (kịch bản tích cực) hoặc tháng 3/2025 (kịch bản cơ sở) và sẽ có hiệu lực vào 6 tháng sau đó.

Với mức vốn hóa free float của thị trường Việt Nam đang vào khoảng 35 tý USD – bằng khoảng 1/4 Indonesia và Thái Lan. Từ đó, SSI ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE EM vào khoảng 0,7%– 1,0% và FTSE Global là 0,1%. Điều này có thể giúp Việt Nam ngay lập tức thu hút được khoảng 1,7 – 2,5 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực.

Phương Linh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên