Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018
Tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, Bộ KH&ĐT đã dự báo, đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng chi tiết đến từng quý để làm cơ sở điều hành.
- 25-01-2018Hệ quả của tăng trưởng kinh tế: Xung đột giữa doanh nghiệp, người dân sẽ được giải quyết như thế nào?
- 17-01-20185 thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2018
- 16-01-2018Cải tổ cơ cấu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018 là rất tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Về áp lực lạm phát, mặc dù do ảnh hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cả nhiều mặt hàng có tăng cao nhưng bù lại sức mua của nền kinh tế cũng tăng tương ứng giúp bình ổn thị trường. Tình hình sản xuất kinh doanh các ngành, lĩnh vực đều có sự phát triển và tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả phía ngoài nước và trong nước. Các thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, biến đổi khí hậu, tấn công mạng,...) với chi phí khắc phục ngày càng lớn; xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân túy, bảo hộ thương mại ở nhiều nước thúc đẩy các khuynh hướng chính sách hướng nội; gia tăng cạnh tranh thương mại, tài chính, tiền tệ; rủi ro tài chính, tiền tệ còn dấu hiệu hiện hữu, nhất là ở thị trường chứng khoán toàn cầu;... Kinh tế thế giới được dự báo ở mức tích cực nhưng có thể sẽ khó duy trì trong tương lai nếu cơ cấu kinh tế không có những cải tổ mạnh mẽ.
Trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017. Thêm vào đó thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, tổng hợp tình hình và năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự báo một số diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã triển khai xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo 2 phương án.
Kịch bản tăng trưởng ở mức cao
Kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%) theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018.
Với mức tăng trưởng dự báo của quý I là 7,47%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 10,83% và khu vực dịch vụ đạt 6,38%, đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp đều phải nỗ lực, cố gắng.
Bộ KH&ĐT đánh giá, đây là kịch bản phấn đấu nhưng vẫn có thể đạt được. Theo kịch bản này, các ngành, các cấp cần kiên trì, kiên định thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ những diễn biến cụ thể từng tháng, từng quý của ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm để có những giải pháp và đối sách phù hợp, tận dụng triệt để những thuận lợi và cơ hội cả ở trong và ngoài nước đem lại để phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực.
Kịch bản 2 được xây dựng với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%.
Về cơ bản, kịch bản 2 được xây dựng bám sát theo kịch bản 1 (6,7%), trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.
Bộ KH&ĐT cho rằng, trong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn vào hoạt động thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng chung GDP của cả nước sẽ được cải thiện vượt bậc.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng kịch bản tăng trưởng cao hơn (6,8%) được xây dựng với ý nghĩa để so sánh, đối chiếu với kịch bản cao (6,7%) và cũng định hướng mục tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp.
Không thể chủ quan
Bộ KH&ĐT cũng cảnh báo, do đặc điểm mô hình diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó tốc độ tăng trưởng của quý I là cao nhất nên rất dễ dẫn tới tâm lý như sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra; kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng. Cùng với đó, cũng rất dễ có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê, dẫn tới những phân tích sai lệch về tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý chung và niềm tin của xã hội vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như tính khoa học của công tác thống kê.
Để khắc phục những yếu tố này, Bộ KH&ĐT đề nghị trong những tháng còn lại, định hướng chỉ đạo, điều hành cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống. Tổ chức tốt công tác thông tin và truyền thông để xã hội hiểu rõ về kịch bản tăng trưởng, củng cố niềm tin của cả hệ thống, nhân dân và doanh nghiệp vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như về tính khoa học của số liệu thống kê.
Cùng với đó, cần tăng cường các buổi làm việc, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức quốc tế có uy tín tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, phổ biến rộng rãi, công khai các nhận định của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia để tạo sự đồng hành của toàn xã hội với Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế.
Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có sự thay đổi lớn diễn ra.
Phát biểu đề dẫn thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát, nắm chắc quá trình tăng trưởng.
“Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc các nhân tố tạo sự tăng trưởng, nắm chắc khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các phát biểu tại hội nghị cần làm rõ tình hình của ngành mình, bộ mình, địa phương mình; dự báo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới; những khó khăn cần được tháo gỡ ngay để đảm bảo tăng trưởng.
Chinhphu.vn