MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Phòng: Sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng, phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, việc điều chỉnh cấu trúc không gian Hải Phòng sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng nữa tại quận Dương Kinh và huyện Tiên Lãng, đảm bảo thành phố phát triển theo mục tiêu, tính chất đô thị quy hoạch.

Sáng 11/8, Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Xây dựng TP Hải Phòng tổ chức buổi Hội thảo “Hiện thực hóa quy hoạch thành phố Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản”, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, bất động sản, kinh tế, cùng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tập trung nguồn lực phát triển đô thị theo 3 hướng đột phá

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng GRDP Hải Phòng có sự khác biệt rất rõ giữa 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân đạt 7,08%, giai đoạn 2016-2020 đạt 10,4%. Đây có thể xem là mức tăng cao hơn nhiều địa phương khác cũng như vùng Bắc Bộ (8%) và cả nước (5,95%).

Năm năm gần đây, Hải Phòng được đánh giá là thành phố có nền tảng kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt chính là ở sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ của thị trường bất động sản so với các tỉnh lân cận.

Một trong những yếu tố góp phần đưa Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ như hiện nay là nhờ chính sách phát triển đồng bộ trên cơ sở hệ thống quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh từ quy hoạch chung xây dựng thành phố đến các quy hoạch cấp dưới như hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phủ kín quy hoạch phân khu đối với 7/7 quận; quy hoạch chung 10 thị trấn; quy hoạch nông thôn mới 139/139 xã; mở rộng 55 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 22.900ha; triển khai hàng loạt các quy hoạch chi tiết 1/500 phục vụ các dự án phát triển đô thị.

Hải Phòng: Sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng.

Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị và Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố đã tập trung nguồn lực để phát triển đô thị theo 3 hướng đột phá, diện mạo đô thị Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại.

Kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, với hệ thống giao thông đồng bộ, như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hải Phòng – Quảng Ninh, QL10, QL5, QL37, hệ thống cầu vượt sông, cầu vượt biển, sân bay, cảng biển… ngày càng khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.

Việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đẩy mạnh triển khai nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ, làm thay đổi tích cực diện mạo đô thị trung tâm thành phố…

Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, sau 10 năm triển khai, quy hoạch chung xây dựng thành phố đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Hải Phòng: Sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Các khu đô thị ven sông Lạch Tray, Hải Phòng đang được hình thành.

Phát triển đô thị đa trung tâm và đô thị vệ tinh

Thành phố đã tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến 2050. Trong quy hoạch chung thành phố kỳ này đã có nhiều điểm mới, thay đổi.

Về tính chất là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước; là trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; Thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Định hướng Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Thời hạn lập quy hoạch, đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050.

Kế thừa và phát triển mô hình đô thị thể hiện được định hướng phát triển đồng đều trên toàn lãnh thổ. Nếu trước đây, Hải Phòng chỉ có 1 hạt nhân là đô thị hiện hữu thì cấu trúc này từ đơn cực chuyển sang đa cực nhằm tạo động lực cho tất cả các quận huyện có cơ hội tăng trưởng kinh tế và đô thị đáp ứng tốc độ phát triển dân số từng giai đoạn.

Quy hoạch điều chỉnh định hướng phát triển TP Hải Phòng theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian “Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh”.

Theo đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc.

Hải Phòng: Sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng, phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Mô phỏng phân khu đô thị Hải Phòng theo quy hoạch điều chỉnh chung thành phố vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Ba trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Việc điều chỉnh cấu trúc không gian đảm bảo Hải Phòng sẽ có thêm 2 cực tăng trưởng nữa tại Dương Kinh và Tiên Lãng, đảm bảo phát triển theo mục tiêu, tính chất đô thị.

Ngoài ra, vành đai công nghiệp đảm bảo kết nối toàn bộ trọng điểm công nghiệp của thành phố từ Thủy Nguyên – An Dương – An Lão – Vĩnh Bảo – Tiên Lãng và kết nối với trọng điểm công nghiệp, khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Đảm bảo tăng trưởng dựa trên trụ cột kinh tế du lịch, thương mại – cảng, logistics – công nghiệp; Đảm bảo liên kết các KCN vừa đảm bảo tránh các tác động từ công nghiệp tới đô thị.

Đến năm 2040, đất cây xanh – thể dục thể thao đô thị khoảng 14.200-15.000ha, chiếm 20-21% diện tích đất xây dựng đô thị. Phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh.

Duy trì và phục hồi đa dạng sinh học các khu vực: Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn quốc gia Cát Bà - Long Châu. Bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hoá trên dòng sông Bạch Đằng; khu di tích quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; khu di chỉ Cái Bèo, Tràng Kênh.

Theo Nguyễn Hoàn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên