MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai tập đoàn lớn của Nhật bỏ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam

Hai hãng công nghệ lớn của Nhật là Sharp và Kyocera vừa tuyên bố đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy... màn hình đa năng cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc và sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Nikkei Asian Review đưa tin, Kyocera, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gốm và đồ điện tử, sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trước đó, máy in đa năng của công ty Nhật này được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu đến Mỹ, còn những máy in được sản xuất tại Việt Nam thường được dành cho thị trường châu Âu.

Chủ tịch Kyocera Hideo Tanimoto cho biết: "Chúng tôi sẽ chuyển đổi sản xuất giữa các cơ sở của Trung Quốc và các cơ sở của Việt Nam".

Hai tập đoàn lớn của Nhật bỏ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam - Ảnh 1.

Kyocera sẽ chuyển nơi sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Máy in đa chức năng cũng nằm trong danh sách các loại hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc sẽ bị áp dụng với mức tăng thuế 10% từ ngày 1/9 tới.Quyết định này được đưa ra ngay sau khi nhận thấy các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải trong tuần này dường như không có tiến triển. Cùng với đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 1/9/2019.

Việc di dời nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng của Kyocera sẽ được thực hiện trong năm tài chính hiện tại cho đến tháng 3/2020, song sẽ mất thời gian để điều chỉnh việc mua sắm vật liệu và các quy trình khác. Chi phí co việc dịch chuyển sản xuất được ước tính khoảng từ 1 tỷ yên, tương đương khoảng 9,2 triệu USD.

Doanh thu năm tài khóa trước đó của Kyocera vào khoảng 375 tỷ yên, trong đó khoảng 20% đến từ thị trường Mỹ.

Ông Tanimoto cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc. "Tác động của suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn so với thuế quan bổ sung. Nếu vòng trừng phạt thứ tư đối với Trung Quốc được thực thi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng", ông Tanimoto nói.

Trong khi đó, hãng Sharp cũng vừa tuyên bố chuyển nhà máy sản xuất LCD, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thông báo này của Sharp được đưa ra vào hôm 1/8. Đây là một động thái được cho là để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Bởi từ ngày 1/9, màn hình LCD sẽ vào danh sách các loại hàng hóa chịu ảnh hưởng.

Hai tập đoàn lớn của Nhật bỏ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam - Ảnh 2.

Hãng Sharp tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Ảnh: Reuters


Theo tuyên bố của Sharp, họ đã loại bỏ các kế hoạch sản xuất màn hình cho thị trường Mỹ ở Trung Quốc và thay vào đó là việc xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để tránh các mức thuế mới được áp đặt trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhà máy của Sharp ở Việt Nam này sẽ lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD) cho ô tô sẽ được bán ở Mỹ, một số đơn vị sản xuất máy tính cá nhân của thương hiệu con Dynabook cũng có thể chuyển sang cơ sở mới này.

Sharp đưa ra thông báo ngay sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải  dường như ít tiến triển.

Hiện Sharp chưa tiết lộ số tiền đầu tư để xây dựng nhà máy mới này, vốn sẽ bắt đầu hoạt động trong năm tài khóa 2020, gần TP.HCM. Ngoài màn hình LCD để bán cho Mỹ, nhà máy này cũng sẽ sản xuất máy lọc không khí và các thiết bị điện tử khác để bán tại Việt Nam.

Trung Quốc hiện chiếm gần như toàn bộ sản lượng PC của Dynabook. Khoảng 10% trong số này được chuyển đến Mỹ, sản lượng này có thể chuyển sang Việt Nam.

Sharp là nhà cung cấp nhiều linh kiện cho iPhone của Apple. Do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Sharp đã phải chịu khá nhiều thiệt hại do sự sụt giảm doanh số bán hàng cho điện thoại thông minh Mỹ cũng như giảm doanh số tivi tại các thị trường như Trung Quốc.

Ngày 1/8, Sharp công bố lợi nhuận ròng trong quý 2/2019 của Công ty giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 115 triệu USD. Trong khi đó, doanh số của Sharp cũng giảm 4%. Đây là lần giảm doanh số và lợi nhuận đầu tiên kể từ khi Sharp được Foxconn (Đài Loan) mua lại vào tháng 8/2016.

Theo Phương Anh

Vietnamnet

Trở lên trên