MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng giả, ai dung dưỡng?

04-11-2022 - 07:13 AM | Thị trường

Đủ các mặt hàng thời trang từ quần áo, giày dép, túi xách đến mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… của các thương hiệu nổi tiếng được làm giả, nhái và bày bán công khai tại nhiều chợ, trung tâm thương mại ở TPHCM.

Áo hàng hiệu 500 nghìn đồng

Trưa 3/11, chúng tôi đến mua sắm tại chợ Bến Thành (quận 1). Vừa đi ngang các quầy hàng quần áo, bà M. (chủ quầy) đon đả chào mời đủ các loại áo thương hiệu nổi tiếng như Polo, Tommy, Nike, Mango… Khi tôi chọn chiếc áo thun cá sấu hiệu Lacoste dành cho nam, người bán báo giá 1 triệu đồng/cái. Sau vài lần kỳ kèo, chốt đơn cuối cùng chỉ còn 500.000 đồng.

Trả lời thắc mắc của tôi có phải hàng hiệu “xịn” không, bà M. cười giả lả: “Áo này chính hãng giá không dưới 4 triệu đâu. Áo chị bán tuy là “hàng fake” (hàng nhái) nhưng là fake 1, từ chất lượng vải đến kiểu dáng, đường may… không thua gì hàng hiệu xịn”.

Hàng giả, ai dung dưỡng? - Ảnh 1.

Quần áo đủ loại thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán ở chợ Bến Thành, quận 1. Ảnh: U.P

Cũng tại chợ này, nhân viên quầy túi xách, ví da nhiệt tình chào mời khi có khách đến xem hàng. “Bên em mới về nhiều mẫu của các thương hiệu lớn như Gucci, Louis Vuitton - LV, Prada … với giá chỉ từ 600.000-1 triệu đồng/cái. Hàng bên em đều là hàng nhái loại 1, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thua gì hàng thật, còn chất lượng miễn chê. Nhiều khách nước ngoài cũng rất ưng ý với các sản phẩm này” - nhân viên quầy H.M tự tin khẳng định.

Nói đến “thiên đường hàng nhái”, không thể bỏ qua Trung tâm mua sắm Saigon Square (quận 1). Chào hàng chiếc đồng hồ hiệu Rolex, nhân viên cho biết giá bán 25 triệu đồng, nếu khách muốn ngay sẽ giảm thêm 2 triệu để làm quen. Quan sát chiếc đồng hồ về hình thức được làm tinh xảo không kém gì hàng thật, chúng tôi buộc miệng: “Rẻ quá, người quen của chị cũng mới mua chiếc Rolex giống thế này nhưng giá tới 800 triệu đồng”. Khi hỏi chế độ bảo hành, người bán cho hay chỉ được bảo hành tại cửa hàng.

Rảo qua nhiều khu vực mua sắm khác như Taka, An Đông Plaza… khách hàng choáng ngợp trong thế giới hàng hiệu nhái. Cầm thử chiếc ví hiệu LV, nhân viên báo giá 1 triệu đồng và cam kết “thường xuyên sử dụng sẽ không hư, còn cất vào tủ rất dễ hư da” (?!). Qua quan sát, chiếc túi xách được làm nhái rất tinh xảo từ bề mặt da, dây kéo đến đường chỉ may. Thấy chúng tôi còn e ngại về chất lượng sản phẩm, nhân viên tiếp lời: “Đây là hàng nhái chứ giá này đâu có hàng thật. Tuy nhiên rất khó phân biệt thật giả nếu chỉ nhìn lướt qua”.

Hàng giả, ai dung dưỡng? - Ảnh 2.

Ví hiệu “nhái” có giá chỉ vài trăm ngàn đồng bày bán ở Sài Gòn Square. Ảnh: U.P

Không chỉ túi xách, nhiều mặt hàng khác như phụ kiện thời trang, giày dép, quần áo, nón, mắt kính, đồng hồ... cũng toàn là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn có hộp, thẻ bảo hành, mã vạch giống hệt các sản phẩm chính hãng.

Kiểm tra kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”?

Ngày 1/11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng ở TPHCM tiến hành kiểm tra đồng loạt các gian hàng tại Trung tâm Thương mại Saigon Square (ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1). Tại đây, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT TPHCM chia thành 6 tổ công tác kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Đây là các hộ kinh doanh có tên tuổi ở Sài Gòn Square. Qua hơn một ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, lực lượng đã làm các thủ tục tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping Sài thành với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương. Tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), chính vì vậy các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi “làm giàu” của nhiều hộ kinh doanh bởi “siêu lợi nhuận” từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

“Lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục đưa Sài Gòn Square nằm trong diện phải kiểm tra, kiểm soát theo lộ trình với mong muốn từng bước thay đổi nhận thức của các hộ buôn bán trong việc kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái” - lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết.

Một cán bộ QLTT TPHCM nhìn nhận, tại Saigon Square, Lucky Plaza, chợ Bến Thành, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu... ngày càng diễn biến phức tạp. Sau khi lực lượng chức năng tuyên truyền thì 100% hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Nhưng thực tế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó.

Chiều 3/11, trao đổi với PV báo Tiền Phong, chuyên gia chống hàng giả Vina CHG Nguyễn Viết Hồng nhìn nhận, mặc dù báo chí đã nhiều lần phản ánh về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tại nhiều chợ, trung tâm thương mại ở thành phố; lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện, có tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.

“Tôi cho rằng có hai vấn đề. Một là cơ quan chức năng chưa có chế tài nghiêm đối với đơn vị vi phạm, buộc họ phải ký cam kết không bán hàng giả; nếu tái phạm phải đóng cửa vĩnh viễn. Hai là người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua hàng giả, tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng gian hàng giả trên thị trường”, ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, hiện Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, trong đó vấn đề thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được đặt lên ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta đừng để khách du lịch nước ngoài đánh giá Việt Nam là nơi tiêu thụ hàng giả. Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều thương hiệu lớn đến làm ăn, họ cũng kỳ vọng làm sao để phát triển ở thị trường này” - ông Hồng nói thêm.

Đẩy nhanh điều tra các vụ án buôn lậu

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vùng biển và địa bàn nội địa TPHCM. Theo đó, UBND TPHCM giao Cục QLTT TPHCM chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn nội địa; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hoá gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Thời gian thực hiện từ nay đến hết 15/9/2025.

Theo Uyên Phương

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên