MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Da giày sẽ trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn vào năm 2020

23-04-2011 - 06:15 AM | Thị trường

Đó là một trong những mục tiêu chiến lược mà Bộ Công Thương đã đề ra trong Quy hoạch phát triển tổng thể ngành da giày VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Cụ thể, mục tiêu chung đặt ra cho ngành da giày là trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân, đồng thời tiếp tục giữ vị trí trong nhóm các nước sản xuất, xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới; Tạo ra nhiều việc làm trên cơ sở thu nhập của người lao động ngày càng tăng, thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng tốt, số lao động được đào tạo được nâng cao... Theo đó, đến năm 2015 ngành phấn đấu đạt 9,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, năm 2020 đạt 14,5 tỷ USD và năm 2025 đạt 21 tỷ USD. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm cũng là một trong những vấn đề trọng điểm đặt ra trong quy hoạch ngành, đến năm 2015 ngành da giày phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa đạt 60-65%, năm 2020 đạt 75-80% và đến năm 2025 đạt 80-85%.

Quy hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 ngành da giày sẽ tập trung nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực da giày nói riêng và thời trang nói chung. Do đó, trong giai đoạn tới, ngành da giày sẽ phối hợp với ngành dệt may và một số ngành liên quan làm trụ cột phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam tại một số đô thị và thành phố lớn. Trong đó, giày dép vẫn là sản phẩm chủ yếu của ngành giai đoạn tới, đặc biệt giày vải, giày thể thao được ưu tiên hàng đầu trong sản xuất và xuất khẩu. Đối với sản phẩm da thuộc, ngành sẽ tập trung sản xuất da thuộc với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm nhập siêu và nâng cao giá trị cho sản phẩm da thuộc.

Để đảm bảo quy hoạch ngành da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được thực hiện theo đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt giải pháp mang tính đồng bộ.

Về giải pháp đầu tư, ngành sẽ tiếp tục tranh thủ xu hướng chuyển dịch đầu tư của ngành da giày thế giới từ các nước phát triển, gắn liền đầu tư với hội nhập, tham gia phân công lao động quốc tế để tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất. Huy động mọi nguồn vốn từ tất cả các thành phần kinh tế, thuộc các hình thức sở hữu khác nhau trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống... Quá trình đầu tư phải đảm bảo vừa tăng nhanh về quy mô, mở rộng năng lực sản xuất, vừa đảm bảo từng bước cấu trúc ngành theo hướng bền vững và hiệu quả ngày càng cao. Thời gian tới, ngành tập trung kêu gọi đầu tư và thực hiện một số dự án chính như: đầu tư mở rộng thêm 3.000 dây chuyền sản xuất mũ, giày, cặp túi, ví; đầu tư mở rộng thêm 400 dây chuyền gò ráp và hoàn chỉnh giày, dép; đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu thời trang, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường. Nhà nước cũng dành nhiều ưu đãi về quỹ đất, tín dụng đầu tư… để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào ngành da giày.

Đối với giải pháp phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương khuyến khích, tập trung các nguồn lực để ngành da giày mở rộng thêm trên 3 lĩnh vực: thiết kế sản phẩm, sản xuất nguyên phụ liệu và kiểm định chứng nhận sản phẩm.Vì vậy, một số dự án như: dự án xây dựng 2 trung tâm sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày; dự án xúc tiến xây dựng 2 khu - cụm công nghiệp thuộc da tập trung có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến; xúc tiến thực hiện dự án xây dựng các trung tâm nghiên cứu thời trang cho ngành da giày... sẽ được ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu, mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm da giày Việt Nam.

Về giải pháp thị trường, để tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, ngành da giày sẽ giữ vững sản phẩm chủ lực và thị trường truyền thống đi đôi với việc đổi mới cơ cấu sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, sản xuất các sản phẩm da giày với mẫu mã, giá cả phù hợp với người tiêu dùng nội địa, chủ động tiếp cận với các kỹ năng kinh doanh hiện đại trong đó chú trọng công tác xây dựng và phát triển thương hiệu...

Xác định phát triển khoa học công nghệ là một trong những giải pháp đảm bảo cho sự phát triển bền vũng của ngành da giày, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất thông qua hình thức trao đổi mua bán với các nước có nền công nghệ sản xuất da giày hiện đại. Nghiên cứu xây dựng các modul quy trình xử lý chất thải trong thuộc da, sản xuất giày, dép và chế biến đồ da theo công nghệ tiên tiến. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát huy sức sáng tạo quốc gia trong nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm tạo ra công nghệ tiên tiến cho ngành trên cơ sở thúc đẩy xây dựng và triển khai một số đề án phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành...

Với hơn 59.500 tỷ đồng đầu tư cho phát triển ngành giai đoạn 2011-2020, hy vọng ngành da giày Việt Nam sẽ có những bước tiến dài, trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Việt Nga
Báo Đối ngoại

hangnt

Trở lên trên